Chạy đua cứu hộ nạn nhân do vỡ đập tại Lào

26/07/2018 07:59 GMT+7

Công tác ứng cứu sau thảm họa vỡ đập tại tỉnh Attapeu của Lào đang gặp nhiều khó khăn vì đường vào khu vực bị chia cắt.

* Một gia đình Việt nghi bị cô lập
Trong cuộc họp báo chiều tối 25.7, Thủ tướng Thongloun Sisoulith thông báo đến nay đã tìm thấy 26 thi thể và còn khoảng 131 người mất tích, tất cả đều là công dân Lào. Khoảng 2.850 người đã được cứu và đưa khỏi vùng bị ngập do vụ vỡ đập tại dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3.000 người mắc kẹt cần được ứng cứu khẩn cấp và 1.300 ngôi nhà bị thiệt hại.
Theo thông tin từ cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Attapeu, tới tối qua, vẫn không cách nào liên lạc được với anh Bùi Thế Phương (29 tuổi, quê H.Kim Sơn, Ninh Bình) cùng vợ và một con nhỏ. Anh Phương làm nghề sửa xe, vợ anh bán tạp hóa tại bản Mai, một trong 6 bản bị ảnh hưởng nặng nhất sau thảm họa vỡ đập đêm 23.7.
Chị Lê Thị Kiều Trinh (23 tuổi, người thân của gia đình anh Phương) cho Thanh Niên hay: “Từ hơn một tuần trước, nhà anh Phương đã ngập sâu khoảng một mét. Tới tối 23.7, lũ tràn về và nhà chìm trong biển nước. Vì quá bất ngờ nên gia đình anh chỉ kịp chạy lên một vùng núi cao gần nhà. Hiện tại, cả nhà vẫn không có tung tích gì. Gia đình đã nhờ một số người quen vào trong vùng lũ hỏi thăm nhưng vẫn chưa có thông tin nào chắc chắn là gia đình anh đã được an toàn”. Tuy nhiên, theo một người quen khác, hiện gia đình anh Phương đang kẹt ở vùng núi cao gần nhà, tạm thời an toàn về tính mạng nhưng chưa liên lạc ra ngoài. Bên cạnh đó, còn có 4 hộ gia đình người Việt bị lũ cuốn trôi nhà cửa.
Cảnh tan hoang sau thảm họa vỡ đập

Đến tối muộn 25.7, mực nước tại các vùng ngập sâu dưới chân núi Pu Luang, nơi đặt dự án Xe Pian-Xe Namnoy, rút dần. Những chuyến hàng tiếp tế bằng đường bộ dần đến tay người bị nạn. Đường vào vùng lũ do nước từ thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tràn về, vốn đã khó đi mùa mưa gió, nay càng thêm gian nan với sình lầy và những đoạn chia cắt, các phương tiện không thể qua lại.
Ông Theo với hai đầu gối bị thương

Phóng viên Thanh Niên có mặt tại bản San Nam Xay, nơi đang là điểm tập kết cư dân từ những bản bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong lúc tìm cách di chuyển vào sâu hơn trong vùng ngập, chúng tôi gặp anh Pay ở San Nam Xay, anh khuyên can không nên đi vào thêm vì phương tiện không phù hợp, các cây cầu gỗ hiện bị ngập nước hết nên cũng chưa biết sức tải có đủ để xe qua lại hay không, cách tốt nhất là đến hôm nay 26.7 mới tiếp tục hành trình. Đứng bên dòng nước chảy cuộn ngầu đỏ, anh kể: “Lũ lên nhanh bất ngờ, chưa bao giờ thấy lũ lên nhanh đến thế. Sau 2 ngày thì xuống được khoảng gần 2 m rồi, nhưng cũng ngập còn hơn nửa mét nữa, hiện chỉ có xe máy xới, xe cải tiến mới có thể đi lại được”.
Tại khu trường học của San Nam Xay, giờ là nơi tạm cư cho cư dân 6 bản, một dân làng tên Sak rùng mình kể: “Nhà tôi có 4 người, may mà thoát hết. Đây là lần đầu tiên trong 54 năm sống ở đây, tôi thấy lũ nhanh và lớn đến vậy. Dòng nước mạnh lắm, nghe ào ào, rồi thình lình ngập đến qua đầu gối, quay đi quay lại đã lên ngang ngực rồi. Không chạy đi đâu được, tôi vội lên nhà dỡ cái thuyền nhỏ treo vách, vừa đặt xuống thì nước đã lên đến hết phần sàn nhà tầng 1. Tôi và cả nhà leo lên thuyền, mở cửa sổ chui ra ngoài, gắn máy vào thuyền để lách dòng nước, nhờ vậy mà thoát nạn còn ngôi nhà thì lũ cuốn đi mất. Nước cuốn mạnh lắm, cây lớn còn đổ hết mà”.
[VIDEO] Thảm họa vỡ đập thủy điện Lào:những ước tính thương vong chính thức đầu tiên
Ông Theo, hàng xóm của ông Sak, kể khi thấy ngập, ông phải trèo lên nóc tôn, tì đầu gối vào tấm tôn đến rách cả hai chân mà vẫn cắn răng chịu bởi chỉ sểnh chân rớt xuống nước là bị cuốn đi ngay. Ông Theo tập tễnh trong khu tạm cư, mặt nhợt nhạt vì mất máu nhiều, chân run run đứng không vững nhưng vẫn gượng vui bởi mình còn may mắn sống sót.
Nhờ có khu tạm cư ở trường San Nam Xay, nhiều đơn vị cứu trợ từ VN, Thái Lan, và Lào có thể tiếp cận nạn nhân thảm họa. Hiện cộng đồng người Việt tại Attapeu cũng đang gấp rút vận động để hỗ trợ những người bị nạn. Chị Lê Thị Bé, làm nghề mua phế liệu ở Attapeu, nói: “Chồng tôi và cháu đi quanh xóm sáng nay đã quyên góp được lượng quà và mì gói lớn để chuyển vào cho bà con”. “Mình sống ở đây cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, nhưng nhìn hình ảnh người bị nạn thì không thể ngủ được. Mọi người là anh em cả, giúp nhau được gì trong cơn hoạn nạn thì làm thôi”, anh Chủ - chồng chị Bé nói thêm. 
Việt Nam cử lực lượng sang Lào hỗ trợ cứu hộ
Ngày 25.7, tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai cho biết do ảnh hưởng của vụ vỡ đập ở Lào, dòng chảy về ĐBSCL có thể gia tăng. Dự báo đến ngày 27 - 28.7, mực nước tại Tân Châu có thể gia tăng 7 - 10 cm so với điều kiện tự nhiên. Như vậy, không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên ĐBSCL. Ban chỉ đạo cũng lưu ý thông tin về tác động đến VN còn sơ bộ nên các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến để có những ứng phó kịp thời. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Sông Mê Kông VN, cũng cho biết tính đến chiều 25.7, sự cố chưa gây ảnh hưởng nhiều đến ĐBSCL. Theo ông, dự án Xe Pian-Xe Namnoy có quy mô trung bình, công suất khoảng 500 MW, khả năng tích nước trên 1 tỉ m3 và nằm ở dòng nhánh cách chứ không phải trên dòng chính.
Cùng ngày, thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), cho biết nhóm 5 bác sĩ quân y trong số 140 cán bộ, chiến sĩ thuộc Quân khu 5 và Binh đoàn 15 được Bộ Quốc phòng cử sang Lào hỗ trợ đã được trực thăng của Bộ Quốc phòng Lào vận chuyển thẳng đến vùng ngập lụt. Các bác sĩ quân y mang theo cơ số thuốc phục vụ điều trị cho khoảng 500 người, đã phối hợp với các đơn vị của Lào triển khai ngay các hoạt động cứu chữa người dân bị nạn. Ngoài lực lượng đã sang Lào, Bộ Quốc phòng chỉ thị Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum (Quân khu 5) sẵn sàng 750 cán bộ, chiến sĩ cùng 26 ô tô các loại, 9 tấn lương khô, 100 nhà bạt, 6 xuồng chuyên dụng cùng nhiều phương tiện, thiết bị khác đợi lệnh điều động.
Phan Hậu - Lê Quân
Đập bị nứt từ trước
BBC hôm qua dẫn nguồn từ SK Engineering & Construction, công ty Hàn Quốc liên doanh đầu tư xây đập Xe Pian-Xe Namnoy, cho biết đơn vị này đã phát hiện vết nứt một ngày trước khi xảy ra sự cố. Xe Pian-Xe Namnoy là tên gọi chung cho cụm đập thủy điện trong dự án và đập bị vỡ là “đập phụ D”, một phần trong hệ thống 2 đập chính và 5 đập phụ. Đập phụ D đã hoàn thiện 90% và dự kiến sẽ hoạt động vào năm tới. Theo SK Engineering & Construction, vết nứt được phát hiện trên thân đập vào khoảng 21 giờ ngày 22.7 (giờ địa phương), tức khoảng 23 tiếng đồng hồ trước khi xảy ra sự cố. Khi đó, chính quyền địa phương đã cảnh báo người dân sống gần con đập phải sơ tán. Một nhóm công nhân được điều đến sửa đập nhưng gặp trở ngại do mưa lớn khiến nhiều đoạn đường bị sạt lở. Đến 3 giờ ngày 23.7, nước được xả xuống từ đập chính Xe Namnoy nhằm giảm sức ép tại đập phụ. Đến trưa, chính quyền tỉnh ra lệnh sơ tán. Đến 18 giờ, con đập bắt đầu bị vỡ khiến bản đầu tiên bị ngập vào khoảng 1 giờ 30 ngày 24.7, trước khi 7 bản khác bị ngập trong sáng cùng ngày.
Mặt khác, nước lũ từ con đập vỡ tràn về sông Sê Kông, một phụ lưu quan trọng của sông Mê Kông chảy từ Lào sang Campuchia khiến giới hữu trách nước này ra cảnh báo đối với người dân sống ven sông gần khu vực biên giới. “Đập ở Lào bị vỡ nên nước sẽ chảy vào sông Sê Kông. Mọi người dân sống ven sông tại tỉnh Stung Treng nên chuẩn bị”, tờ Khmer Times ngày 25.7 dẫn nguồn từ Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia cảnh báo.
Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.