Nhiều công ty cho rằng đáy đại dương hứa hẹn đem lại sự bùng nổ trong lĩnh vực khai khoáng, nhờ việc đã chinh phục được các trở ngại về công nghệ. Cơ quan Đáy biển quốc tế (ISA) thuộc Liên Hiệp Quốc đang hy vọng các nước thành viên sẽ đồng ý về bộ quy tắc chung trong năm tới, nhằm mở đường cho khai khoáng thương mại biển sâu. Trong khi các doanh nghiệp cho rằng đây là nguồn cung cấp tài nguyên dồi dào, các nhà bảo vệ môi trường lại cảnh báo việc khai thác ồ ạt sẽ hủy diệt “thành trì cuối cùng” về môi trường của nhân loại.
Lĩnh vực hứa hẹn
Biển sâu là vùng đại dương có độ sâu hơn 200 m, che phủ khoảng 65% bề mặt trái đất. Theo trang Jargran Josh, các nước Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và các đảo quốc nhỏ như Cook Islands, Kiribati đang chạy đua khai thác biển sâu nhằm phục vụ nhu cầu kim loại. Công ty DeepGreen Metals (Canada) cho biết khai khoáng biển sâu có thể cung cấp các khoáng sản trọng yếu cho thế giới, giúp chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch, trong khi tác động môi trường và xã hội ít hơn so với khai thác kim loại trên đất liền.
Ông Peter Ruddock, Giám đốc Công ty UK Seabed Resources trực thuộc Lockheed Martin Anh, cho biết các khoáng sản đáy biển sâu sẽ có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nhờ cung cấp nguồn khoáng sản thay thế đáng tin cậy cho lĩnh vực năng lượng sạch, trong đó có công nghệ pin. Trang DSM Observer đưa tin việc chuyển đổi xe chạy bằng xăng dầu sang xe điện dẫn đến nhu cầu lớn về cobalt, nickel và các kim loại khác nhằm sản xuất pin có tỷ trọng năng lượng cao. Theo Tập đoàn Deme (Bỉ), một trong những tập đoàn tiên phong về nạo vét, khoảng 20 nước đang tích cực tham gia vào lĩnh vực khai khoáng biển sâu trên thế giới.
|
Hệ lụy lớn
Tuy nhiên, Tổ chức Bảo vệ môi trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) cho rằng việc thỏa thuận về khai thác trong năm tới là hấp tấp vì lĩnh vực này chưa được kiểm soát đầy đủ. Điều tra của tổ chức này cho thấy chỉ vài tập đoàn lớn ở châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng thống trị các hợp đồng, chủ yếu về tìm kiếm và khai thác cobalt và nickel. Thậm chí có những lần các tập đoàn này còn thay thế vị trí đại diện chính phủ tại các cuộc họp của ISA.
Greenpeace cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý môi trường một cách hiệu quả, cũng như việc chia sẻ công bằng các nguy cơ và lợi ích từ đáy biển. Các giấy phép thăm dò khoáng sản biển sâu đã được cấp cho những khu vực có tổng diện tích tương đương Pháp và Đức cộng lại, có thể mở rộng nhanh chóng dù có nguy cơ ảnh hưởng đa dạng sinh học và giải phóng khí nhà kính dưới đáy biển. Trong khi đó, không nên cấp phép khai thác biển sâu vì nguy cơ gây ô nhiễm nước, ô nhiễm tiếng ồn và hủy hoại môi trường sống của các sinh vật biển sâu. Thay vào đó, các nước nên áp dụng một hiệp ước về đại dương nhằm bảo vệ đáy biển chứ không phải để khai thác. “Thay vì mở ra một lĩnh vực khai thác tài nguyên mới, các nước nên tập trung vào việc sử dụng lại và tái chế các nguồn cung khoáng sản hiện có”, chuyên gia Louisa Casson thuộc Greenpeace kêu gọi.
Nhiều vấn đề trong cấp phép
Theo Greenpeace, việc khai khoáng biển sâu mang tính hủy diệt vì các cỗ máy lớn sẽ càn quét đáy biển. Trong khi đó, ISA chưa có nhóm chuyên gia khoa học hay môi trường để đánh giá tác động, và chỉ 3 trong số 30 thành viên hội đồng pháp lý và kỹ thuật của ISA là nhà sinh vật học hay chuyên gia về môi trường. Báo cáo của Greenpeace cho thấy ISA chưa từng bác bỏ bất cứ đơn nào trong số 30 đơn xin cấp phép thăm dò biển sâu mà cơ quan này nhận được. Bên cạnh đó, ISA cũng có tranh cãi lợi ích khi nhận được 500.000 USD cho mỗi giấy phép.
|
Bình luận (0)