Cầu, đường khu nam rầm rập chạy về đích
"Cầu nối đường Lê Văn Lương đã thông xe chưa bạn? Bao giờ thì nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ xong? Chỉ còn chờ thế nữa thôi là khu này "ngon" quá rồi", anh T.L, tài xế xe công nghệ chuyện trò với một hành khách đang sống tại H.Nhà Bè (TP.HCM).
Các chuyên gia giao thông nhận định: TP.HCM có lợi thế nhiều cửa ngõ mở ra kết nối về nhiều phía để tụ hợp nguồn lực. Hàng hóa, nguồn lực từ khắp các nơi có thể lưu chuyển đi - về với TP đều thông qua các cửa ngõ. Chính nhờ điều này mà TP.HCM được coi là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Mạng lưới đường xương sống, kết nối liên vùng sau khi được hoàn thiện thì giao thông nội đô sẽ tự thông thoáng hơn, các chính sách giãn dân, xây dựng đô thị đa trung tâm cũng dễ dàng thực hiện.
Theo anh T.L, suốt gần 1 năm qua kể từ khi H.Nhà Bè đồng loạt tổ chức thi công nhiều công trình lớn, cánh tài xế rất "ngại" đón khách phía khu nam. Một phần vì tuyến đường di chuyển dài hơn ở cả 2 chiều, 1 phần vì đường sá lúc nào cũng trong tình trạng kẹt xe, ùn tắc triền miên từ sáng đến tối. Nếu như trước đây, tài xế đón khách từ Nhà Bè lên trung tâm TP chỉ lo kẹt đoạn đường gần 200 m nối dài từ nút cổ chai Nguyễn Hữu Thọ - cầu Kênh Tẻ, thì bây giờ cả đoạn cầu Rạch Đĩa 2, Nguyễn Hữu Thọ, đoạn quay đầu qua nhánh hầm chui đã thông xe… là đằng đẵng những điểm vàng nối đoạn đỏ hiển thị mức độ ùn tắc trên bản đồ.
Cũng một phần do những hạn chế về giao thông nên dù có địa thế thuận lợi được nhiều "đại gia" bất động sản ngắm tới phát triển nhiều khu đô thị cao cấp, song, kinh tế khu nam TP.HCM vẫn chưa thể bứt phá xứng với tiềm năng. Thế nhưng, theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản VN (VARS), sau thời gian dài ảm đạm, bất động sản khu nam TP.HCM được nhận định là điểm hẹn đầu tư trong nửa cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Một trong những trợ lực mạnh mẽ chính là loạt dự án ngàn tỉ đều hẹn về đích vào tháng cuối cùng của năm.
Đơn cử, sau khi cầu Rạch Đỉa đã hoàn thành và thông xe ngày 28.11, cầu Phước Long nối liền H.Nhà Bè và Q.7 hiện cũng đang gấp rút hoàn thiện những công đoạn cuối cùng, dự kiến khánh thành vào ngày 31.12. Hai cây cầu "trăm tỉ" này được ví như hai cánh tay nối Q.7 và H.Nhà Bè. Trong đó, cầu Rạch Đỉa tại đầu đường Lê Văn Lương đã tạo sự thông suốt toàn tuyến đường kết nối từ Nguyễn Văn Linh đến Cần Giuộc - Long An, giảm tải giao thông cho đường Nguyễn Hữu Thọ; còn cầu Phước Long qua rạch Phú Xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông và tải trọng khai thác trên trục đường Phạm Hữu Lầu, cũng như hai đường trục chính là Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó chủ tịch UBND H.Nhà Bè, cho biết cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa là 2 trong 4 cây cầu trọng yếu nằm trên tuyến đường Lê Văn Lương mà người dân đã mong chờ từ rất lâu. H.Nhà Bè đang tiếp tục hoàn thiện phần bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) để xây dựng cầu Rạch Tôm và cầu Rạch Dơi, tạo sự kết nối thông suốt giữa Long An và Nhà Bè cũng như với Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Những cây cầu lần lượt thông xe giúp khu vực phía tây của xã Phước Kiển trở nên thông thoáng hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, 2 công trình giao thông trọng điểm được mong chờ nhất khu nam là nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng dự kiến thông xe vào cuối năm nay. Cụ thể, nhánh hầm HC1 còn lại của dự án nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn các công tác hoàn thiện bên trong hầm và xử lý các bản quá độ. Các nhà thầu đang phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình vào ngày 31.12 tới.
Trong khi đó, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (giai đoạn 1) là hơn 31.320 tỉ đồng đi qua các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh cũng được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết đang phấn đấu thông xe 18,8 km đoạn từ nút giao quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (H.Nhà Bè, TP.HCM) trước Tết Nguyên đán 2025. Dự kiến một đoạn tuyến liền mạch dài 22 km phía tây đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được thông xe trước thềm năm mới.
"Những dự án nối cầu, mở đường không chỉ cải thiện tình hình giao thông hiện hữu, thay đổi hoàn toàn cục diện hình hài đô thị mà còn là tiền đề để khu nam TP.HCM bước vào chu kỳ phát triển mới, đột phá kinh tế, xã hội", lãnh đạo UBND H.Nhà Bè kỳ vọng.
Phía đông và tây "chạy tiến độ"
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), việc thông xe công trình xây dựng cầu Rạch Đỉa tại H.Nhà Bè cũng là mở đầu cho 60 ngày đêm cao điểm của ngành giao thông TP tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân để hoàn thành khoảng 12 gói thầu, dự án đưa vào phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán 2025.
Trong đó, những công trình giải tỏa giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất phía tây bắc TP đang được người dân nóng lòng mong chờ nhằm "giải thoát" cảng hàng không nhộn nhịp nhất nước khỏi cảnh ùn tắc kéo dài nhiều năm qua. Cụ thể, cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân) được tái khởi động ngày 21.6 đặt mục tiêu thông xe vào 31.12 sẽ đồng bộ với đường Tân Kỳ Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng sẽ hình thành trục giao thông thông suốt từ QL1A đến trung tâm TP và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay. Hiện nay, đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn từ Bình Long đến kênh Nước Đen đã được lột xác sau khi mở rộng gấp 3 lần (từ 8 - 10 m mặt đường lên 30 m). Người dân vô cùng phấn khởi khi nhìn tuyến đường đã hoàn tất trải nhựa, sơn vạch kẻ đường, lắp dải phân cách, hai bên vỉa hè đã lát gạch, sẵn sàng cho lịch thông xe vào 30.12. Tuy nhiên, cầu Tân Kỳ Tân Quý lại phải điều chỉnh lùi thời gian hoàn thiện tới tháng 1.2025 do vướng mặt bằng.
Gần đó, công tác mở rộng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) đã được chủ đầu tư thông báo "thất bại" mục tiêu thông xe toàn bộ tuyến đường vào ngày 31.12. Nguyên nhân, tốc độ GPMB phía địa phương không đạt yêu cầu. Tương tự, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng, cầu Bà Hom (Q.Bình Tân) hơn 374 tỉ đồng, cũng khó về đích trước Tết Nguyên đán, do tiến độ bàn giao mặt bằng phía địa phương ì ạch không đáp ứng yêu cầu.
Phía cửa ngõ tây bắc còn có công trình đang được người dân ngóng đợi rất nhiều, đó là mở rộng đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp). Công trình có tổng vốn 2.300 tỉ đồng, mục tiêu thông xe cuối năm. Tuần nào cũng di chuyển qua khu vực này để về nhà ở H.Củ Chi, anh Trần Hoài Nam (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết trên trục đường từ Phan Văn Trị nối ra Quang Trung về Củ Chi, đoạn qua Dương Quảng Hàm thường xuyên ùn tắc khoảng 200 - 300 m do khu vực này "hội tụ" rất nhiều hàng quán, nhà thờ, cả kho vận của công ty chuyển phát… Nhu cầu di chuyển cao, đường hẹp nhưng nhiều xe tải, cộng với dòng xe hay dừng, đỗ mua đồ, ra/vào từ nhiều hướng nên rất dễ trở nên hỗn loạn. "Có những thời điểm đèn tín hiệu lỗi, người dân xung quanh phải chạy ra điều tiết nhưng cũng không thể nào giải quyết được ùn tắc nghiêm trọng. Cứ luồn ra được đoạn này thì đoạn khác lại kẹt cứng", anh Nam chia sẻ.
Thông tin từ chủ đầu tư, tiến độ thi công mở rộng đường Dương Quảng Hàm không được như kỳ vọng do vướng di dời và tháo dỡ các lô cốt từ Bộ Quốc phòng; bàn giao mặt bằng từ Q.Gò Vấp và việc thu hồi trụ điện từ ngành điện lực. Mục tiêu hoàn thiện dự án trong năm khó thành, song các đơn vị cũng đang phối hợp, nỗ lực tối đa để đưa dự án về đích trước Tết Nguyên đán, phục vụ bà con.
Phía đông TP, cầu Bà Dạt và cầu Giồng Ông Tố 2 của nút giao An Phú, đường Lương Định Của (đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao Trần Não)… đều là những công trình trọng điểm đang nỗ lực thi công hoàn thiện trước thềm năm mới để mở đường cho người dân TP về quê hoặc du xuân theo hướng qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Song, tiến độ này cũng đang gặp thách thức không nhỏ do công tác GPMB của TP.Thủ Đức còn chậm.
Rục rịch "siêu" dự án khơi thông cửa ngõ
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cũng đã tổ chức hội nghị tham vấn về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án hạ tầng đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Để hạn chế việc đầu tư dàn trải ảnh hưởng đến chi phí xã hội của người dân và doanh nghiệp, UBND TP.HCM đã lựa chọn ra một số dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để áp dụng cơ chế đặc thù này. 5 dự án được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2028 gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng QL13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng QL1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp QL22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục bắc - nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Điểm qua, đây đều là những dự án mở rộng trục đường chính liên kết TP.HCM với các tỉnh, thành lân cận thông qua các cửa ngõ phía đông, phía nam và phía bắc. Trong đó, QL13 là tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ, nhưng đã phải chịu cảnh ùn tắc kinh hoàng, chờ đợi dự án mở rộng hơn 2 thập niên chưa tìm thấy lối ra.
Theo báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án, trục cửa ngõ này dài 5,95 km (từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương) hiện chỉ rộng từ 19 - 26 m, với 10 nút giao thông (2 nút giao khác mức và 8 nút giao đồng mức) sẽ được định hướng xây dựng thành tuyến đường tốc độ cao, với bề rộng 60 m, đồng thời xây dựng đường trên cao dài 3,7 km từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước. Sau khi hoàn thiện (dự kiến vào 2030), L13 sẽ trở thành tuyến đường trọng điểm kết nối TP.HCM với các tỉnh phía đông và Tây nguyên, tăng cường kết nối giao thương hàng hóa, đột phá kinh tế toàn vùng.
Tương tự, dự án BOT trục đường Nguyễn Hữu Thọ từ Nguyễn Văn Linh tới H.Nhà Bè, và BOT cầu đường Bình Tiên đấu nối từ Q.6 sang tới nút giao Nguyễn Văn Linh (điểm đầu của QL50 hiện nay) đều nằm ở cửa ngõ phía nam TP. Như vậy, trong tương lai sẽ có 2 trục đường cửa ngõ của TP đấu nối vào tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, là trục Bắc - Nam mới và cầu đường Bình Tiên. Năm sau, TP sẽ khởi công cầu đường Nguyễn Khoái, cũng là trục Bắc - Nam thứ 3 kết nối khu nam TP với khu vực trung tâm. Có thể thấy trên bình diện chung, hệ thống giao thông khu vực phía nam TP sẽ hoàn thiện thêm một bước nữa.
Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm khẳng định quan điểm của Sở GTVT là không chờ đợi. Dự án nào thuận lợi, có thể làm sớm sẽ bắt tay vào triển khai ngay. Đơn cử, dự án nâng cấp đường trục bắc - nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành hiện đang thuận lợi có sẵn mặt bằng, chỉ cần có nhà đầu tư có thể khởi công ngay trong năm sau.
Bình luận (0)