Chạy đua răn đe hạt nhân ở Biển Đông và lân cận

10/04/2023 06:15 GMT+7

Trong bối cảnh Trung Quốc được cho là đang đẩy mạnh răn đe hạt nhân ở khu vực Biển Đông và các vùng biển lân cận, Mỹ cùng các đồng minh cũng đẩy mạnh hợp tác để triển khai tàu ngầm hạt nhân tại Thái Bình Dương.

Hôm qua (9.4), Đài CGTN đưa tin dẫn tuyên bố từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh chỉ trích thỏa thuận 3 bên Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) về tàu ngầm hạt nhân (SSN) ở Thái Bình Dương để phục vụ chiến lược địa chính trị của Mỹ nhằm liên minh và gây đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh ở châu Á - Thái Bình Dương với sự răn đe quân sự.

Mỹ và đồng minh củng cố thế trận

Theo đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh cho rằng: "Hợp tác tàu ngầm hạt nhân AUKUS đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia có vũ khí hạt nhân chuyển các lò phản ứng và uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí sang một quốc gia phi vũ khí hạt nhân".

Cũng vào hôm qua, tờ South China Morning Post dẫn lời Thủ tướng Úc Anthony Albanese tự tin cho rằng ngay cả khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử vào năm 2024, thì thỏa thuận về tàu ngầm hạt nhân của AUKUS - vốn đạt được dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden - cũng sẽ không bị thay đổi.

Chạy đua răn đe hạt nhân ở Biển Đông và lân cận - Ảnh 1.

Tàu ngầm lớp Virginia thăm quân cảng HMAS Stirling vào tháng 11.2022

Đại sứ quán Mỹ tại Úc

Theo thỏa thuận thành lập AUKUS vào tháng 9.2021, thì đến thập niên 2030, Mỹ và Anh sẽ giúp hải quân Úc (RAN) xây dựng lực lượng ít nhất 8 SSN. Vào thời điểm trên, trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định: "Ước tính, một SSN hoạt động từ các bến cảng của Úc có thể thực hiện một cuộc tuần tra 77 ngày ở Biển Đông còn tàu ngầm động cơ diesel - điện lớp Collins (SSK) mà hải quân Úc đang sở hữu thì chỉ có thể đạt 11 ngày".

"Như thế, SSN giúp hải quân Úc năng lực duy trì hoạt động ở các vùng biển xa, nghĩa là Washington đang hỗ trợ đồng minh Canberra tăng cường năng lực ngăn chặn xung đột hoặc chiến đấu", TS Holmes nhận định.

Đến tháng 3 vừa qua, Reuters dẫn lời 4 quan chức Mỹ tiết lộ Canberra dự kiến sẽ mua từ 3 - 5 SSN lớp Virginia của Washington vào thập niên 2030. Kế hoạch này nằm trong thỏa thuận AUKUS. Liên quan thỏa thuận này, ngày 5.4, tờ Nikkei Asia đưa tin đô đốc Ryo Sakai, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, đã đến thăm quân cảng HMAS Stirling của Úc. Quân cảng này dự kiến là nơi đồn trú của các SSN mà Canberra sẽ mua, cũng như các SSN được Mỹ triển khai đến Úc từ năm 2027. Tại HMAS Stirling, đô đốc Ryo Sakai nhấn mạnh việc Canberra mua SSN là "diễn biến cực kỳ tích cực" và Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản sẽ tìm cách tăng cường hợp tác với Úc.

Tham vọng của Trung Quốc

Trong một diễn biến khác, Reuters đăng tải phân tích dẫn lại một báo cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh vũ khí hạt nhân.

Theo đó, Bắc Kinh thường xuyên duy trì ít nhất một tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo (SSBN) ở khu vực Biển Đông. Loại SSBN này của Trung Quốc được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-3 có thể chứa đầu đạn hạt nhân và đủ sức bắn đến Mỹ. Thông tin này do tướng Anthony Cotton, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, đưa ra tại một phiên điều trần ở quốc hội vào tháng 3 vừa qua. Trước đó, giới quân sự Mỹ dự báo Trung Quốc chờ đến khi SSBN loại Type 096 được biên chế thì mới triển khai JL-3 cho tàu này. Thế nhưng, Bắc Kinh đã đưa JL-3 vào loại SSBN hiện hữu mà không chờ đến khi hoàn thiện Type 096.

Đến nay, Bắc Kinh chưa phản hồi thông tin vừa nêu, nhưng thực tế thì nhiều bằng chứng cho thấy các SSBN của Trung Quốc từng hiện diện ở Biển Đông và di chuyển đến cả Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ phải lo ngại.

Trả lời Thanh Niên ngày 8.4, TS Holmes cho biết: "Tiêu chuẩn vàng cho khả năng răn đe hạt nhân là có thể tấn công hạt nhân đáp trả sau khi bị đối phương tấn công hạt nhân trước". Việc một quốc gia có thể đáp trả hạt nhân như vậy sẽ khiến các nước khác lo ngại. Chính vì thế, Bắc Kinh triển khai SSBN đến Biển Đông và mang theo các loại tên lửa đạn đạo có thể chứa đầu đạn hạt nhân và đủ sức bắn đến Mỹ.

Cũng trả lời Thanh Niên vào ngày 8.4, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) phân tích: "Nếu thông tin về động thái mới của Trung Quốc là đúng, thì đây là hành động của Bắc Kinh trước Washington và đồng minh".

"Đáng chú ý nhất trong thỏa thuận giữa Mỹ và đồng minh là AUKUS, nhằm tăng cường khả năng triển khai sức mạnh của Úc ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, bao gồm cả Biển Đông. Sẽ còn mất vài thập niên để Úc hoàn tất việc mua sắm và vận hành tàu ngầm hạt nhân với đầy đủ nhân lực. Để đối phó với kế hoạch đó, Trung Quốc muốn đạt được lợi thế chiến lược bằng cách triển khai các SSBN hoạt động ở Biển Đông. Điều này hướng đến việc đảm bảo khả năng tấn công đáp trả bằng hạt nhân", PGS Koga phân tích. 

Chạy đua răn đe hạt nhân ở Biển Đông và lân cận - Ảnh 2.

SCMP

Trung Quốc phát triển thủy phi cơ mới

Tờ South China Morning Post ngày 9.4 đưa tin Trung Quốc vừa phát triển một "tàu cánh" mới (ảnh) là dạng thủy phi cơ có thể di chuyển tầm thấp với tốc độ cao trong điều kiện thời tiết xấu ở Biển Đông. Máy bay này có thể lượn gần mặt nước kết hợp với phương tiện đệm khí, sử dụng động cơ cánh quạt và dòng không khí lướt qua cánh. Phương tiện có thể đạt tốc độ lên đến 240 km/giờ, bay 6 giờ liên tục, chở theo 12 người và có trọng lượng cất cánh toàn phần là 4,5 tấn.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang hoàn thiện thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600, có khả năng chở theo khoảng 30 binh sĩ cùng vũ khí, tầm bay hơn 4.000 km và tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ, được xem là loại máy bay hiệu quả để đổ bộ từ biển. 

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.