Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 3.549 người tử vong và nước láng giềng Syria báo cáo ít nhất 1.602 trường hợp, theo báo The New York Times. Các đội cứu hộ đang chạy đua tìm kiếm người còn sống sau hai trận động đất mạnh và hàng loạt dư chấn xảy ra ở khu vực gần biên giới hai nước hôm 6.2. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp nhiều trở ngại vì thời tiết và những nguyên nhân khác.
Ba tháng "tình trạng khẩn cấp"
"Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa lớn nhất lịch sử tại khu vực này", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trên truyền hình hôm 7.2 về tình hình ở miền nam nước này sau động đất kép. Ông cũng ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng, theo tờ The New York Times.
Theo Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay, hơn 8.000 người đã được giải cứu từ đống đổ nát. Tuy nhiên, giá rét đang cản trở nỗ lực cứu hộ, do bão tuyết lớn đã bao phủ hầu hết miền nam Thổ Nhĩ Kỳ cũng như miền bắc Syria từ trước khi động đất xảy ra. Cơ sở hạ tầng hư hại cũng khiến các đội cứu hộ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vùng thảm họa. Theo Đài Al Jazeera, một số sân bay ở Gaziantep, tâm chấn động đất, và các địa phương xung quanh đã ngừng hoạt động hàng không dân dụng từ sáng 6.2 vì đường băng bị phá hủy. Một số tuyến đường cao tốc, đặc biệt là tuyến đường nối giữa Gaziantep và Hatay, cũng bị hư hỏng.
Song ông Oktay hôm 7.2 cũng cho biết thời tiết đã có chuyển biến để máy bay chở hàng cứu hộ có thể bay đến các thành phố gần nơi bị ảnh hưởng bởi động đất. 71 chuyến bay đã cất cánh từ Istanbul và đáp xuống các sân bay vẫn còn hoạt động ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì sao trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ-Syria gây thương vong, thiệt hại nghiêm trọng?
Cùng lúc, thành phố Adana đang dần trở thành trung tâm hậu cần cho các nỗ lực cứu hộ quốc tế. Tổng cộng, 3.000 đội tìm kiếm và cứu nạn từ Đức, Slovakia và Nga đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó di chuyển đến các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, bao gồm Hatay, Kahramanmaras và Adiyaman. Hơn 70 nước đã đề nghị giúp đỡ, theo ông Erdogan.
Khủng hoảng chồng khủng hoảng
Ngay cả trước khi động đất xảy ra, Liên Hiệp Quốc đã ước tính hơn 4 triệu người ở tây bắc Syria đang sống phụ thuộc vào viện trợ xuyên biên giới, trong khi hơn 70% dân số nước này cần đến hỗ trợ nhân đạo, tỷ lệ cao nhất kể từ khi nội chiến bùng nổ cách đây 12 năm. Song ngày 7.2, tuyến đường duy nhất vận chuyển hàng viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria đã phải tạm ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của động đất, theo Reuters.
"Đây là một cuộc khủng hoảng đè lên nhiều cuộc khủng hoảng khác tại khu vực bị ảnh hưởng", Reuters dẫn lời bà Adelheid Marschang, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói về tình hình tại Syria sau động đất, trong một cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 7.2.
Động đất chồng chất khốn khổ lên người dân Syria
Ông Raed al-Saleh, người đứng đầu lực lượng "Mũ bảo hiểm trắng" (White Helmets) hoạt động ở các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát tại Syria, cho hay họ không còn nhiều thời gian để giải cứu hàng trăm gia đình vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát. "Mỗi một giây trôi qua cũng là mỗi một giây có thể cứu lấy tính mạng ai đó và chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức nhân đạo hỗ trợ vật chất và ứng phó khẩn cấp với thảm họa này", ông nói với Reuters hôm 7.2.
Cũng trong cuộc họp ở Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này "đặc biệt quan ngại" về những khu vực bị ảnh hưởng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mà đến nay họ vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào. Trong khi đó, bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao về tình trạng khẩn cấp của WHO tại châu Âu, nói với AFP rằng số người chết trong thảm kịch có thể lên tới hơn 20.000.
Dư chấn xuất hiện "mỗi phút một lần"
Ông Orhan Tatar, quan chức của cơ quan ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7.2 cho biết miền nam nước này đã chứng kiến 285 dư chấn sau động đất hôm 6.2, với một số dư chấn có cường độ từ 5 độ Richter trở lên.
"Cứ mỗi phút lại có những chấn động mới xảy ra. Vì thế, chúng tôi yêu cầu người dân tránh xa các tòa nhà bị hư hại; đây là một cảnh báo cực kỳ quan trọng", báo The Wall Street Journal dẫn lời ông Tatar. Ông cũng cho biết hơn 5.700 tòa nhà khắp miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị san bằng trong động đất và độ mạnh của dư chấn có thể khiến thêm nhiều tòa nhà sụp đổ.
Theo các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ, chất lượng kém của các công trình xây dựng trước năm 2000, xuất phát từ việc thiếu quản lý, giám sát trong quá trình đô thị hóa ồ ạt, là một trong những nguyên nhân khiến số người chết vì động đất cao như vậy.
Bình luận (0)