Chạy ngoài đường hít phải nhiều khói xe ảnh hưởng sức khỏe thế nào?

10/10/2022 04:00 GMT+7

Do công việc đặc thù nên tôi hay chạy ngoài đường ở TP.HCM. Cho tôi hỏi hít phải khói xe nhiều ảnh hưởng sức khỏe thế nào? Triệu chứng khi hít phải khói xe quá nhiều như thế nào, có cách nào hạn chế hít khói xe khi đi ngoài đường không? Xin cảm ơn bác sĩ . ( V.Lâm , ở TP.HCM).

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Thúy Tường, khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời:

Trong cuộc sống tại các thành phố lớn, việc phải thường xuyên tiếp xúc với khói xe ô tô, xe máy, các hạt bụi mịn là điều không thể tránh được, đặc biệt là vào các giờ tan tầm. Trong khói xe chứa khá nhiều các chất độc hại ảnh hưởng đến bệnh lý đường hô hấp, mũi xoang, não bộ, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, đột quỵ, bệnh lý da, mắt, ung thư.

Nhiều tuyến đường ở TP.HCM thường xuyên kẹt xe, nhiều khói bụi

N.Tiến

Các chất tiêu biểu trong khói xe phổ biến như carbon dioxide (CO2), carbon monoxide (CO), nitric oxides (NO, NO2), sulfur dioxide, benzen… Tùy vào hàm lượng mà CO2 có thể ảnh hưởng tới sức khỏe từ nhức đầu, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bất tỉnh, có thể gây tử vong nếu hàm lượng cao. CO cũng là một trong những thành phần khí thải xe máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu hít phải CO nhiều khiến bạn bị nhức đầu, nôn mửa, mệt mỏi và có thể dẫn đến tử vong.

NO và NO2 ở liều lượng cao, chúng sẽ gây hại hệ mạch máu, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Sulfur dioxide có thể gây rối loạn hô hấp, ảnh hưởng xấu đến hệ hoạt động của cơ thể. Ngoài ra các phần tử cực nhỏ và các hợp chất hydrocarbons đa vòng có trong khí thải xe máy, cũng có thể gây tổn thương mô phổi và tăng nguy cơ gây ung thư.

Những người có sẵn bệnh nền ở phổi như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi hít nhiều khói bụi sẽ tăng nguy cơ bệnh vào đợt cấp, làm bệnh khó kiểm soát hơn.

Cách phòng tránh

Khi bắt buộc phải ra đường vào giờ đông xe, chúng ta có thể sử dụng khẩu trang đạt tiêu chuẩn chất lượng cản bụi mịn do cơ quan chức năng chứng nhận, ôm kín tối ưu gương mặt, có gọng mũi và van thở lọc 1 chiều khi ra đường (không phải khẩu trang y tế thông thường).

Cập nhật thông tin chất lượng không khí từ các nguồn tin cậy để chủ động phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm môi trường tăng cao. Ngoài ra để góp phần vào việc hạn chế ô nhiễm, mọi người có thể tắt xe máy khi chờ đèn đỏ, đi phương tiện công cộng, để giảm lượng xe cộ lưu thông trong nơi đông dân cư.

Bạn đọc có thể gửi những thắc mắc của mình cho chuyên mục này qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.