BẰNG ĐẠI HỌC LOẠI XUẤT SẮC, RỜI GIẢNG ĐƯỜNG…
Đ.H.N (24 tuổi) là cựu sinh viên một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. N. tốt nghiệp loại xuất sắc ngành quản trị kinh doanh với điểm số GPA (điểm trung bình các môn học) 3,67. Từ năm 3 đại học, N. đã được nhận vào làm việc tại một tập đoàn bán lẻ nổi tiếng ở Q.7, TP.HCM. Sau 2 năm làm việc, N. nhận lương hơn 25 triệu đồng/tháng.
"Đùng một cái", N. khiến gia đình, người quen bất ngờ khi nghỉ việc. Giải thích lý do, N. cho biết vì muốn tập trung đầu tư tiền ảo trên sàn B. hơn là làm việc tại tập đoàn. Tưởng câu chuyện của N. là "có một không hai", nhưng thực tế lại ngược lại. Không ít người trẻ chỉ thích nghiên cứu tiền ảo để đầu tư vì "quá chán ngán khi phải ngồi ở công ty 8 tiếng mỗi ngày" như chính họ thừa nhận.
"Cùng hội cùng thuyền" với N. có N.H.T (25 tuổi, ngụ tỉnh Long An), cựu sinh viên loại giỏi ngành kinh doanh thương mại của một trường ĐH ở Q.10, TP.HCM.
T. từng là nhân viên chính thức của một công ty phân phối quốc tế trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, nhận mức lương 17 triệu đồng/tháng cùng nhiều khoản thu nhập tăng thêm. Nhưng T. bỏ công việc ổn định ấy hơn một năm nay. Hằng ngày, T. cùng các thành viên trong "cộng đồng Crypto Việt Nam" (tên một nhóm chuyên thảo luận, chia sẻ thông tin về tiền ảo) đến quán cà phê để giao lưu, nghiên cứu về thị trường tiền ảo, cách đầu tư sinh lời. Ngoài sàn B., T. còn đầu tư vào các sàn F., H., với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng. Ngoài tiền cá nhân có được, khoản tiền lớn còn lại, T. đã vay mượn bạn bè, gia đình.
H.N.D (23 tuổi), cựu sinh viên ngành công nghệ thông tin một trường ĐH khá nổi tiếng ở TP.Thủ Đức, TP.HCM, cũng từng tốt nghiệp loại giỏi, có công việc ở công ty lớn mà nhiều người ao ước. Tuy nhiên sau khi đi làm 1 năm, D. dẹp bằng đại học và công việc ổn định với mức lương 15 triệu đồng/tháng sang một bên để chạy theo giấc mơ làm giàu với tiền ảo. "Mình từng đầu tư vào sàn K., R., C. Sau đó chuyển sang đầu tư vào 2 sàn B. và G.", D. kể 1,5 tỉ đồng là số vốn mà D. nạp vào, kèm theo kỳ vọng sẽ "đẻ" ra những khoản tiền gấp chục lần.
Ba trường hợp vừa kể chỉ là minh chứng cho thấy hiện nay có nhiều người trẻ tham gia các sàn giao dịch tiền ảo nhằm "nuôi" ước mơ làm giàu. Thực tế, từ lời giới thiệu của D., N., T., PV Thanh Niên nghe được nhiều trường hợp khác cũng chỉ thích đầu tư tiền ảo để sinh lời hơn là đi làm, mỗi tháng nhận lương. Thậm chí, có cả trường hợp đang là sinh viên cũng nghỉ học giữa chừng để "toàn tâm, toàn ý, toàn thời gian" đầu tư tiền ảo.
LAO ĐAO VÌ TIỀN ẢO
Với những người từng đầu tư vào tiền ảo, PV chẳng rõ họ thành công hay thất bại, có lời hay lỗ vốn. Tuy nhiên, hầu hết những người trẻ đã chia sẻ với PV đều thừa nhận "thất bại toàn tập".
D. ta thán: "Cuộc đời mình lao đao vì tiền ảo" còn N. rầu rĩ: "Sai lầm lớn nhất là nghỉ việc để theo con đường tiền ảo". Sở dĩ D., N. cùng nhiều người trẻ khác không rút vốn mà vẫn tiếp tục chấp nhận "chôn" vốn vào các sàn tiền ảo là vì hy vọng "ngày mai tươi sáng hơn", cũng như bởi "lỡ đâm lao thì phải theo lao".
N. kể tổng số tiền đầu tư, tức nạp vào sàn B., là khoảng 2,4 tỉ đồng. Trong đó có 1,5 tỉ đồng là được bố mẹ thưởng để mua nhà sau khi tốt nghiệp đại học. "Hiện tại, từ 2,4 tỉ đồng ban đầu còn khoảng 900 triệu. Tức lỗ 1,5 tỉ đồng. Giờ chỉ còn cách "chờ thời" thôi", N. than vãn.
Theo N., 1,5 tỉ đồng là số tiền tích góp mà N. phải làm việc với mức lương 25 triệu đồng/tháng trong 5 năm. "Nghĩ đến việc phải đợi đến chừng đó thời gian mới kiếm lại số tiền đã mất làm mình chán nản. Sau một thời gian nghỉ việc, kỹ năng chuyên môn của mình khó có thể đáp ứng được nhu cầu công việc ở các doanh nghiệp. Chưa kể nếu giờ xin việc lại, không dễ để có được mức lương đó", N. nói.
T. cũng cho biết rất hối hận vì từng quá mê đầu tư tiền ảo mà bỏ học. "Đó là quyết định tệ hại", T. nói và giải thích: "Mình bỏ cơ hội được nhận bằng đại học. Vừa tốn thời gian, lao tâm khổ tứ mà còn làm thiệt hại của gia đình gần 2 tỉ đồng". Hiện T. đang ôn luyện để thi lại đại học.
T.V.C (27 tuổi), cựu sinh viên ngành tài chính ngân hàng một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, kể mình từng tốt nghiệp ra trường với tấm bằng khá và làm nhân viên một ngân hàng ở Q.1, TP.HCM. Năm 2020, C. tham gia đầu tư tiền ảo ở sàn W. với số vốn khoảng 1 tỉ đồng. Thời gian đầu, "tiền đẻ tiền", sinh lời liên tục khiến C. càng đam mê nên kiếm thêm tiền để đầu tư. Đến năm 2021, sàn W. bị khóa không rõ nguyên nhân, C. rơi vào tình cảnh "mất trắng". "Thiệt hại 3 tỉ đồng. Với mình, đó là "học phí" quá đắt cho những ngày thiếu suy nghĩ chín chắn", C. kể.
Theo thạc sĩ Hoàng Thanh Tùng, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Kế toán (tỉnh Quảng Ngãi), thực tế cho thấy nhiều người khuynh gia bại sản vì đầu tư tiền ảo. Điều đó cho thấy "đời không như là mơ", giấc mộng làm giàu nhờ tiền ảo không phải muốn là có. Thậm chí có những vụ việc vì "ôm" cả đống nợ do thua lỗ khi đầu tư tiền ảo nên đã quẫn trí, gây ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến tù tội. Rồi không ít đối tượng lập ra các sàn tiền ảo, lôi kéo người tham gia, sau đó tự đánh sập sàn để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
"Chưa kể nhiều hội, nhóm chuyên nói về tiền ảo, kinh nghiệm đầu tư… để lôi kéo, dụ dỗ người chơi. Cũng có những website, ứng dụng mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài, những tập đoàn tài chính lớn trên thế giới để lừa đảo người chơi. Hiện nay nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo trên internet nên khi có tranh chấp thì đây là giao dịch vô hiệu… Nghĩa là đầu tư tiền ảo đầy cạm bẫy, tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Tùng nói.
Ông Tùng khuyến cáo người trẻ không nên chạy theo xu hướng đám đông, thấy người khác đầu tư tiền ảo cũng bắt chước. Đừng thiếu hiểu biết, hám lợi hay vì suy nghĩ muốn làm giàu nhanh chóng từ đầu tư tiền ảo mà nhẹ dạ, cả tin, hám lợi để rồi đánh mất sự tỉnh táo, đưa ra những quyết định sai lầm như nghỉ làm, bỏ học...
Bình luận (0)