Rất nhiều người lao động (NLĐ) bị treo quyền lợi liên quan khám chữa bệnh, thai sản, trợ cấp thất nghiệp… chỉ vì chưa được đóng đủ tháng BHXH. Trong khi đó con số nợ BHXH không có chiều hướng giảm. Nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền để xử lý… Chính vì những lý do này, như nhiều chuyên gia phát biểu, "đã khiến nhiều NLĐ thiếu niềm tin".
Với bối cảnh đó, trong dự thảo luật BHXH, các bất cập trong công tác xử lý việc nợ, trốn đóng BHXH đã được nhận diện và những giải pháp mạnh mẽ hơn cũng được đề xuất như: phong tỏa tài khoản của chủ sử dụng lao động, tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH…
Người viết cho rằng ở góc độ chế tài, cần phải quy định chặt chẽ để quy trách nhiệm của người đứng đầu một DN bởi hiện nay các cơ quan chức năng vẫn gặp khó khăn khi xử lý vi phạm hành chính cá nhân (do quy định là phạt tiền "tổ chức vi phạm"). Điều này dẫn tới khó khăn khi muốn truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo điều 216 bộ luật Hình sự năm 2015 (dấu hiệu cấu thành tội này là người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên đối với số tiền trốn đóng từ 50 triệu đồng, hoặc trốn đóng cho từ 10 người; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng mà còn vi phạm).
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của mình, dự thảo quy định NLĐ có quyền khởi kiện về BHXH; đồng thời, các đơn vị như công đoàn, MTTQ cũng có quyền "khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH". Vế thứ nhất đã rõ, nhưng ở vế thứ hai, đòi hỏi các các tổ chức, đơn vị liên quan cần sâu sát và luôn song hành với quyền lợi chính đáng của NLĐ.
Bình luận (0)