Chè, thơ và nơi lưu giữ ký ức

09/05/2013 14:27 GMT+7

Có lẽ tên gọi "thạch chè Hiển Khánh" cũng thân thuộc với nhiều người như tên gọi của chợ Bàn Cờ vậy. Tiệm chè ra đời vào năm 1959 bởi hai đồng sở hữu là bà Trần Nghệ và ông Nguyễn Quý Quyền. Về sau, hai người giao tiệm lại cho chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh (con ông Quyền) tiếp quản. Tên quán “Hiển Khánh” cũng là tên của một ngôi làng ở Hải Dương, quê của bà Trần Nghệ. Ban đầu, tiệm chè Hiển Khánh mở ở Đa Kao, gần rạp Cầu Bông nhưng quá chật nên ông Quyền mở thêm một tiệm nữa ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) từ năm 1965 và duy trì đến bây giờ cho đến ngày nay. Tiệm Hiển Khánh ở Đa Kao thì không còn nữa. “Tôi chứng kiến có những ông bố dẫn con mình đến ăn chè và nói với con ngày xưa ba má mới quen nhau thường ngồi ở đâu, rất thú vị. Tôi hiểu rằng, quán chè còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm học sinh rất khó phai mờ, vì vậy, quán của tôi cố gắng giữ nguyên những hình ảnh câu thơ, nét chữ từ ngày xưa để có nơi đi về cho người ưa kỷ niệm”, chị Minh chia sẻ.

 Chè, thơ và nơi lưu giữ ký ức 1
Linh hồn của thạch chè Hiển Khánh là nước đường cát có thả hoa lài

Có lẽ tên gọi "thạch chè Hiển Khánh" cũng thân thuộc với nhiều người như tên gọi của chợ Bàn Cờ vậy. Tiệm chè ra đời vào năm 1959 bởi hai đồng sở hữu là bà Trần Nghệ và ông Nguyễn Quý Quyền. Về sau, hai người giao tiệm lại cho chị Nguyễn Thị Nguyệt Minh (con ông Quyền) tiếp quản. Tên quán “Hiển Khánh” cũng là tên của một ngôi làng ở Hải Dương, quê của bà Trần Nghệ.

Ban đầu, tiệm chè Hiển Khánh mở ở Đa Kao, gần rạp Cầu Bông nhưng quá chật nên ông Quyền mở thêm một tiệm nữa ở đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) từ năm 1965 và duy trì đến bây giờ cho đến ngày nay. Tiệm Hiển Khánh ở Đa Kao thì không còn nữa.

“Tôi chứng kiến có những ông bố dẫn con mình đến ăn chè và nói với con ngày xưa ba má mới quen nhau thường ngồi ở đâu, rất thú vị. Tôi hiểu rằng, quán chè còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm học sinh rất khó phai mờ, vì vậy, quán của tôi cố gắng giữ nguyên những hình ảnh câu thơ, nét chữ từ ngày xưa để có nơi đi về cho người ưa kỷ niệm”, chị Minh chia sẻ.

Chắc nhiều người rất tò mò, không biết quán chè Hiển Khánh có gì hay mà thu hút nhiều người đến như vậy. Thời của bà Nghệ những năm 70 thế kỷ trước, món thạch chè rất đơn giản và chỉ có đúng ba món: thạch trắng cắt sợi, chè đậu xanh và chè kho ướp lạnh. Hồi đó ở Sài Gòn, chỉ có một quán duy nhất là Hiển Khánh bán món chè này.

 Chè, thơ và nơi lưu giữ ký ức 2
Bánh lá gai

Chè, thơ và nơi lưu giữ ký ức 3
Bánh phu thê

Linh hồn của món chè là nước đường cát có thả hoa lài, do vậy, khi ăn chè, hương hoa lài cứ phảng phất và có một mùi thơm rất khó quên. Chị Minh công nhận rằng, bây giờ hoa lài của quán không thơm bằng hoa lài trước đây, đó là do cách trồng hoa đã thay đổi, chị không có cách gì can thiệp được. Chứ ngày xưa, hương hoa lài thơm lắm, thơm đến nao lòng, chính mùi hương này đã để lại dấu ấn trong khách tới ăn chè.

Món thạch, chè đậu xanh từ lúc mới mở tới bây giờ vẫn y nguyên hương vị. Nếu muốn ăn kiểu xưa, khách đến quán có thể gọi thạch rưới nước đường ướp hoa lài, hoặc thạch cộng với đậu xanh cũng rưới nước đường ướp hoa lài. Sau khi Hiển Khánh xuất hiện khoảng 10 năm thì Sài Gòn mới có thêm những quán khác bán món thạch chè giống như vậy.

Những món bánh nhỏ xinh cũng lưu luyến thực khách qua bao năm nay. Là bánh lá gai, bánh phu thê, bánh đậu xanh… cùng những vần thơ không phai nhòa theo năm tháng được treo hai bên tường:

Bánh lá gai
Da đen có tấm lòng vàng
Dùng làm đám cưới biếu làng ngày xưa
Dù ai đi sớm về trưa
Ghé vào Hiển Khánh mà mua bánh này
Bánh này ý nghĩa hay hay
Trông thời đen mướt không thay lòng vàng

Bánh phu thê
Bánh ăn nên vợ nên chồng
Ăn vào con cháu Lạc Hồng mến nhau
Từ Nam Quan đến Cà Mau
Yêu nhau ta nhớ dặn nhau nên dùng
Tứ thân phụ mẫu kính chung
Mối tình khắn khít khắp vùng đều khen

 Chè, thơ và nơi lưu giữ ký ức 4
Nhãn nhục trong chè thạch nhãn là loại ngon nhất từ Hưng Yên

Thơ chè hoa quyện cùng nhau, chắc là chỉ có ở thạch chè Hiển Khánh. Có giai thoại kể lại rằng, khách của quán còn có thêm nhiều học sinh của trường Gia Long và Petrus Ký (trường Minh Khai và Lê Hồng Phong bây giờ) đến ăn chè, học sinh nào đối được câu đối chủ quán sáng tác treo trên tường thì được tặng bánh, tặng chè.

Chị Minh được má giao cửa hàng từ 20 năm nay, sau khi tiếp nhận quán, chị sáng tạo ra thêm nhiều món chè mới được khách rất ưa chuộng như thạch sen nhãn, sâm bổ lượng, thạch thốt nốt, tổng cộng khoảng 20 món chè…Điều tôi khâm phục nhất là quán vẫn giữ được phong cách dùng hoa lài tươi thả vào nước đường để tạo hương cho món chè chứ không dùng hương liệu. Chị Minh kể, mỗi tháng, chị mua khoảng 1 triệu tiền hoa lài. Khi cơn lốc trà trân châu, chè Thái Lan tràn về Sài Gòn, quán có vắng hơn, doanh thu có thấp đi nhưng nhìn chung, lượng khách quen tới quán vẫn ổn định vì họ ưa hương vị tự nhiên hơn là hương liệu, ưa vị đường không quá ngọt của chè ở đây.

Bí quyết những món chè ngon và quà vặt ngon ở quán còn nằm ở khâu chọn nguyên liệu. Nhãn nhục dùng nấu chè được chị Minh chọn loại ngon nhất từ Hưng Yên, đậu xanh chọn loại đắt tiền nhất, hạt sen và củ sen mua ở Đồng Tháp, hạt thốt nốt dùng loại của Thái Lan. Món bánh gai đặt người Bắc ở vùng Hố Nai Biên Hòa làm theo tiêu chuẩn chị Minh đặt ra, bánh xu xuê (phu thê), bánh đậu xanh nướng đặt người Huế làm.

 

Tôi kêu một ly chè thạch chan nước đường ướp hoa lài, như cách đây 54 năm. Thạch giòn giòn, nước đường nấu khéo thơm mát, thoảng mùi hoa lài. Lấy một bông hoa lài ngậm ở đầu môi, tôi thấy một mùi thơm thật quyến rũ, như đưa mình trở về những ngày xưa cũ... Cây hoa lài nằm đâu đó ở một góc vườn thơ, không phô trương mà lặng thầm tỏa hương thơm ngát cả đêm.

P.V

Chè, thơ và nơi lưu giữ ký ức 5 

Thạch chè Hiển Khánh
718 Nguyễn Đình Chiểu, phường 01, quận 03
Mở cửa: sáng từ 9h đến 12h30 trưa, chiều từ 3h đến 10h tối
Giá: Chè thạch trắng, đậu xanh (12.000đ/chén), sâm bổ lượng, thạch sen nhãn (17.000đ/chén), các món khác từ 7.000 đ đến 20.000 đồng

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.