'Chém gió" tại Shark Tank thu nhập 1 tỉ đồng/tháng, Startup nhận kết cục không ngờ tới

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/08/2022 21:22 GMT+7

Shark Hưng cho rằng Startup Vũ Tiến đang ‘tay không bắt ...Shark’, còn Shark Hùng Anh băn khoăn về những 'lợi thế' của chàng trai sinh năm 1995. Để thuyết phục các “cá mập’ tại Shark Tank , Vũ Tiến khẳng định thu nhập 1 tỉ đồng mỗi tháng.

Startup Huỳnh Vũ Tiến có một màn chào hỏi khá hài hước tại Shark Tank mùa 5 bằng tiểu phẩm tại quán café Nectar - thương hiệu mà anh gọi vốn. Sinh năm 1995, Vũ Tiến đã có quyết định ngừng việc học đại học và khởi nghiệp mở quán café nhượng quyền thương hiệu vào năm 2015.

Dàn các “cá mập’ tại Shark Tank mùa 5

Shark Lê Hùng Anh - nhân tố bí ẩn của Shark Tank mùa 5 trên VTV3

Các Shark luôn làm cho không khí Thương vụ bạc tỉ nóng lên

Shark Tank

Với số vốn đầu tư ban đầu 1,2 tỉ, anh tiết lộ thời điểm ra mắt quán café của anh luôn “sôi sục” trong cộng đồng giới trẻ và thậm chí trào lưu đó vẫn còn tới hiện tại - chính là trend “coffee take away”. Khoe kinh nghiệm 10 năm trong ngành pha chế, Vũ Tiến đến Shark Tank mùa 5 để kêu gọi 5 tỉ cho 25% cổ phần Nectar Coffee, đồng thời đưa ra thông tin thu nhập gần đây nhất của mình là 1 tỉ đồng mỗi tháng nhờ dạy pha chế.

Shark Hưng cho rằng Vũ Tiến đang ‘tay không bắt Shark’ còn Shark Hùng Anh không khỏi băn khoăn về lợi thế của chàng trai sinh năm 1995 này. Vì vậy để thuyết phục các "cá mập", Vũ Tiến đưa ra rất nhiều quan điểm cá nhân về chất lượng của sản phẩm thuộc các thương hiệu đồ uống nổi tiếng tại Việt Nam. Vũ Tiến nhận định thị trường hiện tại là một cơ hội rất lớn cho mình. Anh khẳng định mình đang có trong tay sản phẩm đồ uống mạnh nhất, ngon nhất thị trường.

Vũ Tiến đưa ra những con số dự định như: Doanh thu một ngày rơi vào khoảng 30-35 triệu với vị trí đắc địa, lãi 200 - 300 triệu 1 tháng, 1 năm đến 2 năm sẽ hoàn vốn. Shark Hưng ngay lập tức chỉ ra sự bất hợp lý với những con số dự tính này. Ông cảm thấy cực kỳ hồi hộp với dự án của Vũ Tiến và từ chối đầu tư, kèm lời chúc anh thành công.

Shark Hùng Anh cũng chia sẻ và dành lời góp ý cho Startup trẻ tuổi: “Mình làm ăn đừng nên quá tự tin. Bạn có thể thành công 1 lần, 2 lần chứ không thể thành công mãi mãi” và ông cũng là người tiếp theo từ chối đầu tư.

Shark Hùng Anh tự mình thưởng thức sản phẩm của Startup

Shark Liên (phải) đưa ra lời khuyên dành cho Vũ Tiến hãy nghiêm túc trong công việc dù là việc nhỏ nhất

Shark Tank

Shark Liên đưa ra lời khuyên dành cho Vũ Tiến hãy nghiêm túc trong công việc dù là việc nhỏ nhất. Nếu năm sau anh đứng ở đây với một vài cửa hàng, quán café, có thể bà sẽ đồng hành nhưng thời điểm hiện tại, bà từ chối đầu tư.

Shark Bình tiếp tục lật lại thông tin thu nhập 1 tỉ/tháng của Vũ Tiến tỷ lệ nghịch với sự nổi tiếng của anh trong nghề bartender. Shark thẳng thắn cho rằng Vũ Tiến có tài năng “chém gió thành bão mà bão là thiên tai”. Là một người đánh giá cao sự thành thật của các Startup, Shark Bình khuyên Vũ Tiến nên biết khiêm tốn và đừng ‘lộng ngôn’ trước khi khởi nghiệp mà phải... bớt chém gió trước khi gặp lại để ông đầu tư.

Kết cục, dù Startup Vũ Tiến không nhận được deal nào từ các Shark, tuy nhiên anh cũng đã có những trải nghiệm đáng nhớ và nhiều lời khuyên bổ ích đến từ những bậc doanh nhân uy tín, thành công.

Mở két vàng lấy Golden Ticket để giành quyền thương lượng

Xuất hiện trong vai trò Startup và mang đến bất ngờ cho các Shark là một cái tên quen thuộc: Hệ thống Anh Ngữ Á Châu, với hai đại diện là Nguyễn Đình Hải, nhà sáng lập, và Trương Kiều Oanh - Giám đốc, đồng sáng lập.

Thành lập năm 2005 với phương châm “Giáo dục từ tâm”, Á Châu đã phát triển hơn 20 chi nhánh với số lượng học viên đang theo học là 12.000 học viên. Sứ mệnh của Á Châu là giúp đỡ cho trẻ em vùng ven, trẻ em có điều kiện kinh tế chưa tốt vẫn có cơ hội học tập trong môi trường chuyên nghiệp. Á Châu cũng là trung tâm được hội đồng khảo thí Cambridge Anh Quốc cho phép tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ của Đại học Cambridge ngay tại cơ sở của hệ thống. Startup đến đây để kêu gọi 100.000 USD đổi lấy 1% cổ phần Hệ thống Anh Ngữ Á Châu.

Ngay từ những năm đầu thành lập, Á Châu đã nhắm vào phân khúc thị trường vùng ven giúp cho các em học viên có điều kiện thấp vẫn tiếp cận được ngôn ngữ chuẩn. Á Châu đã tồn tại trên chặng đường hơn 15 năm, đặc biệt là sau đại dịch, Á Châu vẫn duy trì và phát triển được 20 chi nhánh của mình. Á Châu muốn đem đến Shark Tank một mô hình kinh doanh với một thương hiệu đã được định hình và đã tạo được lợi nhuận. Con số thật, con người thật và giá trị thật.

Shark Hùng Anh đặt câu hỏi rằng hiện tại đang lãi như vậy đi gọi vốn làm gì, Startup chia sẻ muốn kêu gọi vốn để mở rộng thêm 6 chi nhánh, giúp các trẻ em vùng ven cũng như là các tỉnh. Và mục đích chính nhất Startup cần đồng hành cùng các Shark là để giúp Á Châu chuyển đổi số.

Shark Hưng là người đầu tiên ra deal. Ông sẽ đầu tư cho Á Châu 1 triệu đô cho 10% cổ phần với điều kiện là giá trị doanh nghiệp sau khi kiểm toán phải là 150 tỉ. Ông cũng khẳng định rằng, Đây là cái deal hiếm hoi mà tôi không mặc cả đấy nhé!”.

Shark Liên là người ra quyết định tiếp theo: “Nhiều nơi ở trên TP.HCM, tôi đều thấy thương hiệu Á Châu, và định hướng của các bạn thì tôi cũng rất thích, vì tôi vẫn được mệnh danh là bà ngoại của cộng đồng. Cái tên Á Châu đến được đây là tôi cũng rất thích, tôi cũng dự định có thể sẽ đầu tư vào các bạn, nhưng tôi cảm thấy chưa yên tâm, vì thế nên tôi không đồng hành cùng các bạn”.

Sau khi đắn đo và cân nhắc, Shark Erik biết rằng Shark Hưng muốn đầu tư 1 triệu đô, nên ông quyết định không đầu tư, để cho Startup làm việc với các Shark khác.

Hệ thống Anh Ngữ Á Châu với hai đại diện là Nguyễn Đình Hải (phải) - nhà sáng lập và Trương Kiều Oanh (trái) - Giám đốc, đồng sáng lập

Shark Hưng là người đầu tiên ra deal đầu tư cho Á Châu 1 triệu đô

Cuối cùng Á Châu chốt deal với Shark Hùng Anh (giữa) tại Thương vụ bạc tỉ mùa 5 là 1 triệu đô để sở hữu 12% công ty, đồng thời được nhận thêm 100 triệu từ Golden Ticket

Shark Tank

Shark Hùng Anh cũng đưa ra quyết định của mình. Ông đề nghị đầu tư 1 triệu đô để sở hữu 12% công ty, hoặc 1 triệu rưỡi đô để sở hữu 20%. Shark Bình chia sẻ ông có đầu tư vào giáo dục, khoảng 30 cơ sở trên toàn quốc, những cơ sở lớn dạy về công nghệ steam lập trình cho trẻ em. Ông đưa ra mức offer 1 triệu đô cho 11% cổ phần với nhiều sự hỗ trợ vì ông đã và đang làm nghề giáo dục nên có kinh nghiệm.

Sau khi Startup hội ý, chị Oanh cho biết mình vẫn rất khó để lựa chọn deal. Lúc này Shark Hùng Anh quyết định bước ra mở két vàng lấy Golden Ticket để giành quyền thương lượng với Startup.

Nhìn thấy sự quyết liệt của shark Hùng Anh khi ông còn chưa kịp viết vào Golden Ticket, Kiều Oanh đã đưa ra quyết định hợp tác với ông: “Shark Hùng Anh chuyên về công nghệ và Á Châu đang cần chuyển đổi số nên Shark Hùng Anh sẽ giúp chúng tôi”, Kiều Oanh cho biết.Và Á Châu đã chốt deal với Shark Hùng Anh tại Thương vụ bạc tỉ mùa 5 là 1 triệu đô để sở hữu 12% công ty, đồng thời được tặng thêm 100 triệu từ Golden Ticket của Shark Lê Hùng Anh - nhân tố bí ẩn của Shark Tank mùa 5 trên VTV3.

Tại Shark Tank Việt Nam mùa 5, nhà sáng lập Lê Minh Đức còn giới thiệu nền tảng công nghệ bất động sản Remaps, cung cấp cho người dùng các tiện ích để biết tiềm năng, tham khảo giá, có cộng đồng người mua người bán và môi giới, số liệu thống kê để phân tích và nhận định.

Shark Bình quyết định từ chối đầu tư nhưng ông ngỏ ý rằng nếu Shark Hùng Anh mời, ông có thể tham gia và Minh Đức đồng ý nhận đầu tư tối thiểu 10 tỉ đồng cho tối đa 40% cổ phần của Shark Hùng Anh.

Startup cuối cùng xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 11 là Nguyễn Châu Linh - nhà sáng lập Thư viện 100 năm thuộc Tập đoàn Hành trình Kim cương. Chị đến chương trình để kêu gọi đầu tư 5 tỉ cho 5% cổ phần nhưng phải đành ra về tay trắng do "không thuộc về nhau". Theo Shark Erik, ông đánh giá Startup đang có nhiệm vụ nâng cao cộng đồng. Tuy nhiên điều đó lại không phù hợp để một quỹ đầu tư mạo hiểm tìm kiếm lợi nhuận có thể đầu tư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.