Chen lấn ở biệt thự ca sĩ Ngọc Sơn: Còn nhiều hành vi xấu khi nhận quà từ thiện

Tấn Đạt
Tấn Đạt
27/11/2019 18:31 GMT+7

Từ câu chuyện chen lấn nhận quà tại nhà danh ca Ngọc Sơn vào ngày 26.11, nhiều người ngao ngán cho biết cũng đã từng chứng kiến nhiều kiểu hành vi tệ hơn thế khi nhận quà từ thiện

Chen lấn, đánh nhau, giả danh nhận quà từ thiện

Anh Võ Hoài Lâm, 19 tuổi sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức TP.HCM, cho biết hàng trăm người có mặt ở biệt thự của ca sĩ Ngọc Sơn tuy lúc đầu có hơi thiếu ý thức nhưng sau khi được ca sĩ Ngọc Sơn đứng ra kêu gọi thì đã xếp hàng để chờ tới lượt mình. “Nhưng mà mình thấy, mỗi người cần phải có ý thức, đâu phải đợi nhắc nhở mới xếp hàng ngay ngắn. Mỗi lần mình đi phát cháo với mấy anh chị trong trường đều có phát phiếu trước, nên mình nghĩ mỗi người đều có phiếu riêng, chậm hay sớm sẽ tới lượt mình thôi”, anh Lâm chia sẻ.
Thường xuyên đi phát gạo từ thiện vào những ngày cuối tuần nhưng chị Nguyễn Tuyết Anh ngụ, P.12, Q.10, TP.HCM luôn nhờ đến mấy chú dân quân để “canh gác”. Có ngày với 200 phần nhưng phải mất gần 4 tiếng mới phát xong. “Có hôm đi phát gạo ở chùa nhưng xô đẩy và đánh nhau dữ quá nên phải kêu mấy chú dân quân cho an toàn, một số đối tượng còn gây rối, ăn cắp đồ nữa”, Chị Tuyết Anh kể lại.
Anh Võ Quang Vinh, công tác tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.3, TP.HCM, cho biết còn có nhiều người thành lập nhóm chuyên “săn” các quà từ thiện rồi đi bán lại với giá rẻ. “Phát quà có giá trị thì không sao, chứ phát mấy hộp cơm có khi họ chê ra mặt”, Anh Vinh tâm sự.
Là người hay tham gia các chương trình công tác xã hội của trường. Cao Quốc Khải, sinh viên năm 3 Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM, cho biết không chỉ chen lấn mà còn có nhiều người giả danh người nghèo khổ để lấy quà. “Hành động của một số người giả danh để lấy quà từ thiện là thiếu văn hóa, là những người “nghèo” lòng tự trọng. Họ có đôi bàn tay lành lạnh, có sức khỏe sao không đi làm kiếm tiền mà đi lấy những phần quà mà đáng lẽ ra của những người khó khăn, tội nghiệp ngoài xã hội. Hành động đó đã làm mất đi nghĩa cử tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của những người tốt với những người có hoàn cảnh khó khăn thật sự”, Quốc Khải bức xúc

Làm sao để cho đúng người cần giúp?

Anh Hồ Thanh Long, 36 tuổi, làm việc tại số 123 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM, chia sẻ việc phát gạo giúp đỡ người nghèo của ca sĩ  Ngọc Sơn là một hành động đẹp, cần khuyến khích mọi người. Nhưng cách phát từ thiện theo kiểu ai tới trước thì còn, tới sau thì hết sẽ khó tránh khỏi tình trạng chen lấn xô đẩy, va chạm gây mất an ninh trật tự và không công bằng. Vì ai chứng minh được những người lấy gạo đó có thực sự khó khăn hay không (còn người già, người tàn tật nữa thì làm sao họ chen), chưa kể trường hợp cả nhà đi lấy gạo về xong bán lại...

Nên liên hệ chính quyền địa phương để họ cung cấp thông tin những hộ nghèo cần hỗ trợ, rồi sau đó cứ đi phát phiếu lãnh gạo, sẽ không có tình trạng chen lấn và công bằng hơn

Tử Văn

“Cho nên, nếu có phát gạo từ thiện như thế thì nên liên hệ chính quyền địa phương để họ cung cấp thông tin những hộ nghèo cần hỗ trợ, rồi sau đó cứ đi phát phiếu lãnh gạo, sẽ không có tình trạng chen lấn và công bằng hơn. Hoặc là sẽ trao cho một tổ chức xã hội nào đó có uy tín để họ làm thay chúng ta... Có như vậy thì công tác tổ chức sẽ không bị rối do chen lấn xô đẩy nữa”, anh Long chia sẻ.
Trong khi đó anh Lâm Văn Quốc Trọng, công tác tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.10, TP.HCM, kể : "Hôm đó đi phát gạo tại chùa Linh Quang ngay địa phương, khi phát gần hết quà nhưng thấy người nhận vẫn còn đông, kiểm tra phiếu mới tả hỏa là có phiếu giả rất nhiều. Trong khi đó ở đầu hẻm có một nhóm người đang chất gạo lên xe và chuẩn bị chạy".
“Các mạnh thường quân nên liên hệ đến cơ quan chính quyền hoặc Mặt trận Tổ quốc nơi mình làm từ thiện để phối hợp, nhằm tránh tình trạng mất an ninh trật tự và không phát đúng đối tượng. Vì cơ quan chính quyền là nơi nắm thông tin từng hộ dân, hộ nghèo, khó khăn...”, anh Trọng chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.