Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: 'Ai không học thì đi đâu, chẳng nhẽ lang thang?'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/09/2023 13:00 GMT+7

Nhiều phụ huynh phản ánh với phóng viên Báo Thanh Niên thắc mắc khi nhà trường chèn môn 'tự nguyện' với giờ chính khóa. Vậy nếu con họ không học thì cháu đi đâu, làm gì, ai quản lý?

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: 'Ai không học thì đi đâu, chẳng nhẽ lang thang?' - Ảnh 1.

Anh N.V.Đ (trái) phụ huynh có con học lớp 1, Trường tiểu học K.Đ, Q.Bình Tân, TP.HCM trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên ngày 22.9

THÚY HẰNG

Tạo ra khoảng cách, sự phân biệt trong trường học

Như chị A., phụ huynh có con học tiểu học tại Q.12, TP.HCM cho biết cô giáo đã gửi thời khóa biểu dự kiến, trong đó, xen giữa các môn bắt buộc ở cả buổi sáng và chiều thì có các môn tự nguyện như bơi lội, ismart, kỹ năng sống, STEM (lớp chưa họp phụ huynh nên hiện tại con chưa học các môn này). "Nhưng nếu tôi không đăng ký cho con tôi học các môn 'tự nguyện' trên, thì không biết trong thời gian chính khóa trên, các con sẽ ngồi ở đâu, làm gì, ai quản lý các con, bởi vẫn chưa đến giờ tan học?".

Chị A. nói thêm, năm học trước khi con chị học lớp 1, trong thời khóa biểu mỗi ngày cũng có môn bơi, ismart, tin học tăng cường. Trong lớp có phụ huynh đăng ký cho con học, cũng có bé không đăng ký học. Các môn này đều có phòng học chức năng riêng, có máy lạnh, bơi thì học ở hồ bơi của trường, bạn nào không học thì ngồi tại lớp. "Nhưng bé ngồi ở lớp làm gì, có ai trông coi hay dạy gì các con trong những giờ đó không, tôi cũng băn khoăn?", chị A. thắc mắc.

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: 'Ai không học thì đi đâu, chẳng nhẽ lang thang?' - Ảnh 2.

Thời khóa biểu của con chị Cẩm Tiên, H.Hóc Môn

NVCC

Chị Cẩm Tiên, phụ huynh một học sinh lớp 1 tại trường tiểu học công lập ở H.Hóc Môn, TP.HCM cho biết: "Trong thời khóa biểu của con tôi, mỗi ngày cháu học 7 tiết, một tuần học 35 tiết. Năm nay, ngoài các môn chính khóa - những môn quy định chính thức trong chương trình giáo dục, tôi thấy có cả môn STEM, môn kỹ năng sống - các môn có mức thu riêng theo nghị định 04/2023 của HĐND TP.HCM trong thời khóa biểu. Tôi thắc mắc là những em nào đăng ký môn học này thì ra phòng riêng học, vậy những em không đăng ký học thì ngồi chơi không ở lớp hay sao?".

Anh N.V.Đ, phụ huynh có con học lớp 1, Trường tiểu học K.Đ, Q.Bình Tân, TP.HCM người gặp gỡ PV Báo Thanh Niên chiều 22.9 để nói về những bất cập trong thời khóa biểu của trường con anh, khi chèn môn "tự nguyện" vào giờ chính khóa, thì đặt vấn đề Sở GD-ĐT TP.HCM đặt nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 là xây dựng trường học hạnh phúc.

Nhưng nếu cứ "xen kẽ" các môn "tự nguyện" giữa vào các môn chính khóa tạo ra những khoảng cách, sự phân biệt trong trường học, khi bé thì đi học, bé không có tiền thì ngồi không, vậy thì học sinh đi học có thể hạnh phúc được không?

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: 'Ai không học thì đi đâu, chẳng nhẽ lang thang?' - Ảnh 3.

Thời khóa biểu của con anh V.Đ, lớp 1 có các tiết kỹ năng sống, STEM, 6 tiết tiếng Anh mỗi tuần

NVCC

Bạn đọc Báo Thanh Niên bức xúc

Sáng nay, 23.9, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên bức xúc gửi những ý kiến phía dưới các bài viết phản ánh tình trạng chèn môn "tự nguyện" vào giờ chính khóa ở các trường học.

Bạn đọc Hồ Hồ nói: "Nhà trường lồng ghép vào các tiết chính khóa trong thời khóa biểu là mục đích buộc phụ huynh phải đăng ký dù không muốn... vì nếu không học thì các con lang thang trong giờ các bạn đã đăng ký học".

Phụ huynh Phạm Tú nói: "Cần kiểm tra lại các trường để tránh tình trạng này, bây giờ kinh tế khó khăn làm tăng gánh nặng cho phụ huynh".

Có "hoa hồng" không?

Đáng chú ý là "tâm thư" của một độc giả lấy tên hiển thị là phamvancong@moet.edu.vn, mới gửi về Báo Thanh Niên. Độc giả này nói hiện nay hầu hết các trường tiểu học đều đưa các loại hình dạy tiếng Anh tăng cường, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục STEM thông qua các trung tâm. Đây có thể nói là các loại hình giáo dục rất tốt đối với học sinh. Nhưng cách làm của các nhà trường thì lại không tốt. Độc giả này đặt vấn đề liệu có "hoa hồng" từ các trung tâm gửi lại cho hiệu trưởng?

Theo bạn đọc này, bình thường, nếu không phải thông qua các trung tâm thì mỗi tiết dạy "thêm" ở tiết 4 buổi chiều (tăng thêm so với quy định dạy 7 tiết/ngày), nhà trường chỉ thu khoảng 5.000 đồng. Nhưng nếu thông qua trung tâm thì số tiền một tiết đó có thể tăng gấp 3-6 lần (giáo dục kỹ năng sống và STEM các trung tâm thu 60.000 đồng, dạy tiếng Anh là 130.000 đồng một tháng 4 tiết, mỗi tuần 1 tiết). Số tiền tăng thêm đó hiệu trưởng giải thích với giáo viên rằng phải trích lại phần trăm cho các trung tâm. Thực chất là các trung tâm chỉ được một số trong đó, còn lại vào túi ai…

Độc giả này cũng thẳng thắn nói nếu xếp các tiết "tự nguyện" như tiếng Anh, STEM vào tiết chính khóa sẽ gây khó cho phụ huynh và học sinh khi không tham gia. "Sẽ rất ngại cho phụ huynh khi thấy con mình không được học mà phải ra ngoài, sẽ rất tủi thân cho những học sinh khi gia đình không có điều kiện để đăng ký học. Việc làm này cũng phần nào gây sức ép bắt buộc phụ huynh phải tự nguyện tham gia đăng ký cho học sinh mà trong lòng thì vô cùng bức xúc".

Bạn đọc này cũng khẳng định giáo dục STEM là hoạt động trong Chương trình GDPT 2018 (theo công văn 909 của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 8.3.2023), do đó không thể để thông qua các trung tâm để dạy thêm STEM trong trường.

Phần trao đổi của cô giáo chủ nhiệm lớp 1, Trường tiểu học K.Đ với phụ huynh là anh N.V.Đ. Anh này đã hỏi cô giáo nếu con không học tự nguyện thì bé đi đâu?

CHỤP MÀN HÌNH

Vẫn có thể sắp xếp các môn "tự nguyện" vào giờ ngoại khóa

Bạn đọc lấy tên hiển thị là phamvancong@moet.edu.vn đề xuất Chương trình GDPT 2018 đã có yêu cầu cụ thể về thời lượng đối với các khối lớp trong một tuần (khối 1-2 là 25 tiết, khối 3 là 28 tiết, khối 4-5 là 30 tiết). Đa số các trường tiểu học hiện nay đang thực hiện dạy 32 tiết/tuần (9 buổi, nghỉ chiều thứ năm để sinh hoạt chuyên môn). Như vậy, khối nào cũng thừa ra từ 2 đến 7 tiết.

"Chúng tôi đề nghị, nếu các trường không dạy các tiết rèn hoặc tiết tự chọn thì các tiết thừa ra đó có thể thay bằng các tiết giáo dục STEM và không được thu tiền của phụ huynh. Còn nếu trường nào đã dạy đủ các tiết rèn như toán, tiếng Việt, tiếng Anh và tự chọn (tiếng Anh, tin học) thì có thể cho các trường đó dạy hoạt động giáo dục STEM vào các tiết 4 buổi chiều và có thu tiền như đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Còn việc dạy tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài, vì người nước ngoài đến dạy trực tiếp thì bắt buộc phải thông qua các trung tâm, tuy nhiên không thể xếp các tiết đó vào 7 tiết dạy chính khóa mà phải xếp vào tiết 4 các buổi chiều để những học sinh không tham gia có thể về sớm.

Bạn đọc này cũng đề xuất, tùy các môn học, nhà trường sẽ để chính giáo viên trong trường tiểu học được dạy các môn ngoài giờ chính khóa này - mà không phải thông qua trung tâm. Điều này vừa tránh hiện tượng "chia hoa hồng", vừa giúp những giáo viên tiểu học đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống có được cơ hội cải thiện đời sống bằng những tiết dạy thêm chính đáng bằng sức lao động mà mình bỏ ra.

"Nhà trường hoàn toàn có thể thu gọn số học sinh đăng ký vào một số lớp để học vào tiết 4 các buổi chiều như đối với các hoạt động giáo dục kỹ năng sống và STEM. Hiện có 4 buổi chiều thì có thể dạy 1 tiết kỹ năng sống, 1 tiết STEM, 1 tiết tiếng Anh, còn lại 1 tiết cho học sinh trải nghiệm thông qua các mô hình câu lạc bộ là rất phù hợp. Vì những lý do nêu trên, chúng tôi tha thiết đề nghị Bộ trưởng xem xét và giúp đỡ chúng tôi. Nếu Bộ GD-ĐT làm được việc này, chúng tôi khẳng định số người bỏ nghề sẽ giảm đi đáng kể. Nếu cho phép giáo viên tiểu học được trực tiếp tham gia dạy tiết 4 các buổi chiều, chỉ cần thu của mỗi học sinh 100.000 đồng/tháng thì mỗi giáo viên có thể tăng thêm thu nhập từ 2-3 triệu đồng/tháng, phụ huynh cũng sẽ giảm được một nửa số tiền đóng góp so với việc phải thông qua các trung tâm như hiện nay", tâm thư viết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.