Chênh lệch hàng trăm triệu đô la xuất khẩu cát

Đình Tuyển
Đình Tuyển
25/04/2022 06:59 GMT+7

Rất khó ước tính lượng cát xuất khẩu có nguồn gốc từ VN, nhưng theo thống kê từ Liên Hiệp Quốc, có sự chênh lệch rất lớn giữa báo cáo xuất khẩu cát của VN và báo cáo nhập khẩu mặt hàng này từ các nước.

Tra cứu trên kho lưu trữ thống kê thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UN Comtrade Database) có thể thấy, trong 10 năm từ 2011 - 2020, báo cáo từ VN cho thấy kim ngạch từ xuất khẩu cát (Mã HS 2505, các loại cát tự nhiên, có nhuộm và không nhuộm...) là 212 triệu USD (gần 4.900 tỉ đồng). Thế nhưng các nước báo cáo nhập khẩu cát từ VN giai đoạn này trị giá gần 705 triệu USD (gần 16.000 tỉ đồng), chênh lệch tới 3,3 lần.

Sà lan siêu trọng của Singapore “ăn” cát ở một mỏ khai thác trên sông Hậu, TP.Cần Thơ, tháng 4.2009

Đình Tuyển

Mất cân đối nhiều nhất là các năm 2013, VN báo cáo xuất khẩu cát gần 30 triệu USD nhưng thế giới báo cáo nhập khẩu cát từ VN hơn 127 triệu USD. Năm 2014, báo cáo xuất khẩu cát từ VN chỉ 30,25 triệu USD nhưng con số nhập khẩu của các nước lên tới gần 152 triệu USD. Đến các năm 2018, 2019, 2020, giá trị xuất khẩu cát của VN giảm mạnh và chênh lệch thống kê xuất nhập khẩu cát cũng thu hẹp lại. Điều này có thể lý giải khi tháng 5.2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 602/TTg-CN về một số giải pháp tăng cường quản lý đối với tài nguyên cát, trong đó dừng xuất khẩu cát thô.

Giải thích về chênh lệch giữa báo cáo của VN và thống kê của Liên Hiệp Quốc, Tổng cục Thống kê từng cho rằng: Về lý thuyết, so sánh số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện theo “phương pháp tấm gương” (mirror approach). Theo đó, xuất khẩu của nước A sẽ phải tương ứng với nhập khẩu của nước B từ nước A. Tuy vậy, trường hợp tương ứng là rất hiếm do sự khác biệt về thời điểm, phạm vi, trị giá thống kê và nước đối tác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hoạt động gia công, mua đi bán lại hàng hóa giữa các nước phát triển mạnh thì chênh lệch số liệu ngày càng lớn, ngay cả khi các nước cùng áp dụng thống nhất phương pháp thống kê.

Một nguyên nhân phổ biến nữa là doanh nghiệp VN bán sản phẩm cho nước thứ 3, nước thứ 3 bán cho đối tác khác, nhưng xuất xứ hàng hóa vẫn được ghi nhận là VN.

Năm 2017, báo chí từng phanh phui vụ việc doanh nghiệp khai thác cát từ các dự án nạo vét ký hợp đồng xuất khẩu cát cho đối tác Singapore với giá hợp đồng là 4,6 USD/m3 loại cát biển nhiễm mặn. Nhưng giá cát doanh nghiệp khai báo với cơ quan hải quan khi xuất đi Singapore chỉ 1,3 USD/m3.

Riêng tại ĐBSCL, trao đổi với PV Thanh Niên, một cán bộ Cục Hải quan TP.Cần Thơ cho biết, trước những năm 2010, cát từ khu vực này xuất khẩu có năm lên đến hàng chục triệu mét khối. Nhưng sau năm 2010, tình trạng cát từ ĐBSCL chảy ra nước ngoài không còn khi Chính phủ có những giải pháp thắt chặt quản lý khai thác cũng như xuất khẩu loại tài nguyên này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.