Chỉ có bằng Montessori thì không thể trở thành giáo viên mầm non

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
27/04/2021 07:48 GMT+7

Trả lời câu hỏi về việc khi hoàn thành khóa đào tạo tại các trung tâm đào tạo về Montessori có thể trở thành giáo viên mầm non hay không, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) khẳng định là 'không'.

Cả nước chỉ có một trường dạy tích hợp chương trình Montessori

Về việc nhiều trung tâm quảng cáo “chỉ cần học khóa đào tạo Montessori có thể trở thành giáo viên mầm non”, ông Nguyễn Bá Minh khẳng định: “Không có chuyện này”. Montessori có tôn chỉ riêng, và để trở thành giáo viên mầm non trước hết phải đáp ứng đủ yêu cầu của luật Giáo dục hiện nay là ít nhất phải tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non.
Theo ông Minh, bản thân Montessori là một chương trình và đi kèm với nó phải là điều kiện thực hiện. Trong đó có 2 điều kiện rất quan trọng là giáo viên và bộ giáo cụ. Hiện nay hầu hết các trường mầm non xưng danh giáo dục trẻ theo phương pháp Montessori đều chưa đáp ứng được yêu cầu này.
“Hiện nay, chúng tôi mới chỉ thẩm định cho một cơ sở mầm non ở Hà Nội được thực hiện chương trình tích hợp Montessori. Họ mua bản quyền chương trình của Ý, giáo viên và bộ giáo cụ đúng theo quy định, tôn chỉ của phương pháp này”, ông Minh cho biết.
“Để thực hiện chương trình Montessori thì các trường phải thực hiện chương trình tích hợp do Bộ GD-ĐT, Vụ Giáo dục mầm non thẩm định, cấp phép”, ông Minh nói rõ.
Chia sẻ về thực tế hiện nay có rất nhiều trường mầm non gắn mác là trường Montessori, ông Minh cho biết trong điều lệ khi thành lập các cơ sở phải minh bạch tên trường. Trong đó, không được xâm phạm bản quyền, minh bạch giữa chất lượng và tên trường (nếu tên đó đặt theo tên chương trình giáo dục).
Ông Minh cho biết: “Vấn đề này khá phức tạp, vì không ai cấm được việc các trường đặt tên riêng, do vậy nhiều trường đang lợi dụng điều này để đưa tên một phương pháp vào tên riêng khi đặt tên trường. Bộ đang nghiên cứu để tạo một hành lang pháp lý để các địa phương cơ chế quản lý vấn đề này”.

Về Montessori, đây chỉ là một phương pháp giáo dục, không được xem là tiêu chuẩn bằng cấp khi tuyển dụng

Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM)

Chia sẻ về vấn đề này, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Mầm non (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho biết: “Bất kỳ trường nào khi tuyển dụng cũng đều phải tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn đầu vào, là phải có bằng sư phạm mầm non. Còn về Montessori, đây chỉ là một phương pháp giáo dục, không được xem là tiêu chuẩn bằng cấp khi tuyển dụng”.

Chỉ là một phương pháp giáo dục...

Thạc sĩ Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế (thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cho biết Montessori là phương pháp sư phạm giáo dục trẻ dựa trên nghiên cứu của bà Maria Montessori (1870 - 1952), một bác sĩ và nhà giáo dục người Ý.
Tại Việt Nam, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là đối tác chính thức của Hiệp hội Montessori quốc tế (AMI) từ năm 2012 đến nay.
“Hoàn thành khóa học, học viên sẽ được nhận chứng chỉ do AMI cấp, và giá trị của chứng chỉ này dựa trên danh tiếng của AMI mà được công nhận chứ nó không phải là bằng cấp chính quy”, bà Nguyễn Anh Quân nói.
Còn thạc sĩ Trần Thị Thu Hòa, cố vấn chuyên môn của hệ thống một trường mầm non lớn ở TP.HCM, cho biết trường bà cũng ứng dụng phương pháp Montessori trong các hoạt động của trẻ. Tuy nhiên đây chỉ là một trong nhiều phương pháp giáo dục, và bà khẳng định phương pháp nào cũng có ưu và nhược điểm riêng.
“Không có nhiều trường mầm non áp dụng bài bản theo phương pháp Montessori nguyên bản hay trường Montessori chuẩn như quảng cáo. Hiện nay, ở Việt Nam các trường mầm non vẫn có thể áp dụng một số phương pháp giáo dục mới để lồng ghép vào các tiết dạy hay các hoạt động giáo dục cho trẻ”, bà Hòa chia sẻ.
Bà Lương Thị Hồng Điệp cho hay trường nào có đủ điều kiện thì có thể áp dụng thêm phương pháp giáo dục Montessori vào quá trình dạy nhưng thường có một số nơi họ chỉ quảng cáo vậy thôi, chứ khi kiểm tra thực tế thì có trường không hề dạy theo phương pháp này. “Cho dù trường công lập hay ngoài công lập, nếu chưa được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT để tích hợp thì trường vẫn phải dạy theo chương trình chung. Do vậy chỉ được vận dụng phương pháp, còn trường nào đưa nguyên chương trình vào là không đúng”, bà Điệp nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.