Chi hơn 2 tỉ trồng 279 ha rừng, sau 5 năm thanh lý được... 52 triệu đồng

Gia Bách
Gia Bách
18/01/2019 20:40 GMT+7

Chi hơn 2 tỉ đồng trồng 279 ha rừng, sau 5 năm thanh lý được... 52 triệu đồng, và UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản xử lý số tiền này.

Ngày 18.1, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho hay, UBND tỉnh này vừa có văn bản xử lý số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng của Bộ Chỉ huy quân (CHQS) sự tỉnh.
Trước đó, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau có tờ trình xin sử dụng phần ngân sách thu từ thanh lý 279,64 ha rừng trồng năm 2012 không thành rừng.
Bộ CHQS tỉnh Cà Mau có báo cáo về thực hiện quyết định của UBND tỉnh, đơn vị này đã hoàn thành việc thanh lý rừng trồng không thành rừng tại khoảnh 5 và 6, tiểu khu 036, liên tiểu khu U Minh 1, thuộc ấp 14, xã Khánh Lâm, H.U Minh (Cà Mau) với giá trị lâm sản thu được 52.850.000 đồng (khối lượng lâm sản thu được 99,8 m3; sản lượng tận thu khoảng 84,9 m3).
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ CHQS tỉnh này nộp số tiền trên vào ngân sách nhà nước. Trường hợp Bộ CHQS tỉnh cần cải tạo môi trường, trồng bổ sung rừng tràm tại khu vực phát triển kém thuộc Sở Chỉ huy thống nhất (thuộc Bộ CHQS tỉnh Cà Mau), đề nghị đơn vị lập dự toán chi tiết, gửi Sở NN-PTNT, Sở Tài chính có ý kiến để trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trước đó, vào năm 2012, thực hiện thông báo số 39/TB-VP ngày 24.8.2012 về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Bộ CHQS tỉnh Cà Mau về quy hoạch Sở Chỉ huy thống nhất tỉnh Cà Mau; giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ thực hiện trồng rừng và bàn giao diện tích trồng rừng cho Bộ CHQS tỉnh quản lý với diện tích trồng rừng là 292,6 ha, tổng vốn đầu tư là 2,1 tỉ đồng.
Trong tờ trình xin thanh lý, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau nêu nguyên nhân được xác định số rừng trồng trên không thành rừng, vì đây là vùng trũng, thấp mặc dù đã kê liếp nhưng vẫn thấp hơn so với các vùng xung quanh. Ngoài ra, rừng non giai đoạn đầu gặp thời tiết mưa nhiều, kéo dài dẫn đến cây rừng bị ngập nước trong mùa khô. Chưa hết, thực bì và dây leo phát triển mạnh như cây sậy chiều cao từ 2 - 3 m; các loại dây leo bòng bong, dây mơ... phân bố theo từng cụm, che phủ rừng non, làm hạn chế sự phát triển của cây rừng.
Thêm nữa, đơn vị quản lý lâm phần nói trên là đơn vị vũ trang mới tiếp quản và mới thành lập (khu Sở Chỉ huy thống nhất tại khu vực rừng tràm) nên không có nguồn kinh phí đầu tư chăm sóc, cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh. Cây rừng sống ở môi trường ngập nước trong thời gian dài chết dần...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.