Con gái tôi nói rằng, nên đặt thêm cây cọ quét để người ăn không phải cho ngón tay vào hộp nước. Rồi nó mở tủ lấy ra hai cây cọ hình thằng người màu vàng tươi đặt tựa vào hộp nước trông hay hay, như kiểu đứng thảnh thơi có chút bất cần của tay lãng tử hết thời. Cây cọ quét bằng silicon, tôi mua đã lâu trong một hội chợ hàng giảm giá, chỉ vì nó đẹp. Tôi đoán nó nhiều công dụng khi làm bếp để phết nguyên liệu gì đó lên bề mặt món ăn, nhưng về nhà tôi nó chỉ có nhiệm vụ duy nhất là dùng phết dầu ăn vào những cuốn chả giò trước khi cho vào nồi chiên không dầu.
Cho phép tôi lan man một chút về cái sản phẩm mà công dụng của nó đôi khi nhập nhằng giữa tên gọi chiên và nướng. Bởi, cái tên chính xác dịch ra tiếng Việt của cái nồi là chiên mà nhiệm vụ của nó lại là nướng với dòng khí nóng luân chuyển cực nhanh, mạnh và đều. Người đời đôi khi muốn làm rõ nghĩa một từ hay một cụm từ lại khoác thêm cho vật vài tên gọi khác nữa. Và thế nên chữ - nghĩa có dịp đi xa hơn, người ta còn gọi nó là chiên không dầu, chiên không khí, chiên chân không…, càng lúc càng xa cái công nghệ mà nhà sản xuất kỳ vọng vào nó: chiên như nướng, nướng như chiên.
Trở lại với giấc mơ. Tôi đang lo lắng khi trên bàn ăn lỏng chỏng vài thứ mà tôi không biết sẽ đãi thực khách ra sao thì mọi người lục tục bước vào. Cuối cùng, hai người bạn cùng lớp với tôi thời đại học đem đến những món ăn lấp đầy khoảng trống trên bàn. Bạn tôi còn cẩn thận mang theo những chiếc ly uống rượu lớn, thật sang trọng. Tôi đọc ở đâu đó, triết lý của người sành rượu là với chai rượu ngon, chỉ cần một dụng cụ mở nút chai và đặc biệt chiếc ly phù hợp nhất. Đừng tưởng cái ly vô tri vô giác. Nó nói lên được hương vị hoàn toàn khác nhau cho dù cùng một loại rượu nếu được rót vào những chiếc ly có hình dạng khác nhau. Do đó, nguyên tắc đầu tiên để thưởng thức rượu trọn vẹn chính là ly.
Trong giấc mơ của tôi, những ly rượu bằng thủy tinh trong suốt, có chân đế cao, sóng sánh màu vang đỏ. Ai đó nói loáng thoáng, thật là đúng điệu, độ cao của ly cho phép rượu đi thẳng xuống phía sau miệng để tối đa hóa hương vị.
Món đầu tiên là patê gan ngỗng. Mọi người vừa uống, vừa nhâm nhi và trầm trồ “thật tuyệt, thật tuyệt”. Phần tôi thì ngược lại, trong những giấc mơ ăn uống, tôi luôn cảm giác cổ họng mình khô và đắng.
Những món tiếp theo tôi không nhớ được và không hiểu hai thứ bánh tráng, rau sống để ăn với món gì!
Đang hồi những câu chuyện rôm rả nhất, cười giòn nhất tôi thức giấc bởi chuông báo thức từ điện thoại của đứa con trai phòng bên cạnh. Dù nó đã đóng cửa phòng nhưng tiếng chuông vẫn vang lên bằng thứ âm thanh sắc và nhọn. Tôi nhiều lần than phiền thằng con về việc này bởi không bao giờ nó dậy nổi vào bốn giờ sáng khi đêm nào cũng thức quá khuya, và giờ đó là lúc ngủ say nhất.
Mỗi đêm tôi thường chập chờn “on - off” ít nhất hai lần. Tôi ngủ vào lúc 9 giờ tối hay trễ hơn chút. Khoảng 12 giờ tôi thức một lần, và một lần nữa thường là 2 giờ 30 sáng. Tôi hay dỗ giấc ngủ tiếp bằng cách mở YouTube nghe gì đó (không xem) và 4 giờ sáng có tiếng chuông báo thức. Những lúc chưa kịp ngủ lại, tôi tức lắm. Bảo thằng con chỉnh giờ báo thức nhưng rồi chỉ được vài bữa. Nó cho rằng, đặt chuông báo 4 giờ để dậy vào lúc 5 giờ. Đôi khi ước mơ của người này làm khổ người khác là vì thế!
Những giấc mơ đẹp để tiếc nuối như đêm qua với tôi là hiếm. Có những giấc mơ mà khi thức làm tôi ngơ ngác hồi lâu, mình đang ở đâu, vừa nãy làm gì. Có những giấc mơ khiến hoảng hốt, vã mồ hôi và thực sự tạ ơn Chúa, chỉ là giấc mơ.
Tôi có một người bạn mà triết lý về nỗi ám ảnh vào buổi hoàng hôn của anh không phải sex, không phải ăn mà là giấc ngủ và những giấc mơ. Anh cho rằng, những giấc mơ tham gia phần lớn vào cuộc sống của đời người. Đâu phải không có chủ ý khi câu chuyện về ông vua và gã ăn mày hoán đổi cuộc sống cho nhau bằng những giấc mơ mỗi đêm. Từ cổ chí kim, bao nhiêu sách vở đã giải mã giấc mơ, bởi không phải là mơ mà là có thật, hiển hiện trong đời sống con người ở một khung giờ sống khác khung giờ hoạt động. Giấc ngủ là thước đo sức khỏe con người. Không phải luôn là câu đầu tiên vị bác sĩ hỏi bệnh nhân: “Ông, bà, cô… ngủ có được không?” khi đến khám bệnh và chấm dứt liệu trình điều trị cũng lặp lại câu hỏi đó hay sao?
Thỉnh thoảng, thức giữa chừng về sáng, tôi hay mở Facebook và đọc nhiều câu cảm thán từ những dòng trạng thái tuyệt vọng về giấc ngủ. Biết chủ nhân bên đó đang thao thức có khi là nỗi ám ảnh triền miên, hay bực bội, lo lắng, hay bất lực buông xuôi phó mặc…
|
Một người bạn khác của tôi thường xuyên bị stress bởi giấc ngủ không trọn vẹn. Anh kể, từ mấy chục năm nay, chưa bao giờ anh ngủ một đêm quá năm giờ. Đêm nào cũng chập chờn thức giấc ba, bốn lần và dỗ giấc ngủ trở lại rất khó. Có những đêm không hiểu là mơ hay thực mà trong đầu anh giai điệu của dương cầm trải dài hết bài này đến bài khác. Anh nhẩm theo lời bài hát đưa đêm về sáng hồi nào không hay. Lại có những đêm cũng không ranh giới thực - mộng, trí óc anh miên man hồi tưởng về những ngày còn bé. Đi học về, chơi đá banh thế nào, cùng lũ bạn chạy xe đạp đến nhà một cô bạn gái, chỉ đứng ngoài ngõ ngó vô một lát rồi ào ào kéo đi. Những món ăn mẹ nấu, bóng người mẹ nghiêng nghiêng trên vách trong gian bếp lúc chiều muộn trông thật buồn bã. Chuyện cãi vã giữa bố mẹ đôi lúc cảm tưởng họ sắp giết nhau đến nơi.
Hay, lần gần nhất khi anh nhận được tin người cô ruột mất trước sinh nhật 101 tuổi hai ngày. Đêm ấy anh mơ thấy năm 10 tuổi, chuyến đi xa đầu tiên trong đời là đến nhà cô. Một ngôi nhà nhỏ trên đồi nhìn xuống biển, có con đường lát đá đi lên vòng vèo rất đẹp. Thức giấc, suy nghĩ của anh lại tiếp tục với năm 20 tuổi đưa bạn gái về nhà cô trong một kỳ nghỉ hè rồi sau đó chia tay vì anh bỏ trường đại học, bước xuống cuộc đời. Lăn lóc nơi này nơi kia gần 10 năm, anh trở lại trường cũ. Cô bạn ngày nào đã trở thành giảng viên và anh làm học trò. Cuối cùng anh cũng không có được tấm bằng đại học vì chán. Học chẳng để làm gì khi đầu óc không còn trong veo nữa mà lấm láp, chai sần quá nhiều cát bụi, sỏi đá đường đời.
Lại có hôm không ngủ được, càng sốt ruột giấc ngủ càng bỏ đi không một hứa hẹn sẽ trở lại, anh bỗng nghĩ về những người bạn cũ và sắp xếp thứ tự độ tuổi, quãng thời gian anh gặp những người bạn ấy. Cứ thế lan man một danh sách dài đến sáng mà anh không biết mình ngủ hay thức và hình ảnh bạn bè lần lượt hiện ra có phải là trong giấc mơ hay không?
Một người bạn khác của tôi có tật ngủ mớ. Chị kể rằng, trước khi lên tiếng ú ớ, chị biết rõ đang nằm mơ. Chị nghe ngoài phòng khách tiếng gõ bàn phím lóc chóc của đứa con trai và chị đang gặp nguy hiểm, một tên trộm hay một kẻ nào tấn công và chị cần người giải cứu. Chị cố gắng ú ớ thật to vì chị biết có thể đứa con trai đang đeo headphone không nghe thấy. Mãi thật lâu, nó mới chạy vào lay mẹ dậy. Tỉnh giấc mơ, đầu tiên luôn là cảm giác mệt mỏi, rã rời. Chị nói, điều rất lạ là biết rõ trạng thái khủng hoảng ấy và bật lên tiếng kêu nhưng không thể tự vùng dậy được vì thật ra có ai tấn công mình đâu, chỉ là giấc mơ thôi mà!
Thỉnh thoảng tôi cũng bị như vậy. Ngày xưa mẹ tôi thường gọi là “mộc đè”. Tôi giải thích với bạn rằng chị đã có một ngày làm việc mệt nhọc và mang trạng thái ấy vào trong giấc ngủ, hay có thể tư thế nằm của chị bị ép phần nào đó của cơ thể khiến máu lưu thông không tốt, có người đánh thức mới thoát ra được.
Bạn tôi hỏi: “Vậy thật hay mơ, khi mình biết rất rõ xung quanh mình lúc ấy?”. Tôi không trả lời được bởi đó cũng là điều tôi băn khoăn.
Tôi có những giấc mơ liên quan đến thì tương lai. Chẳng hạn đêm trước tôi mơ gặp lại một bạn học cũ thời bé. Thế là sáng hôm sau tôi nhận được email của bạn ấy, do tình cờ qua một người khác. Hay có lần, tôi mơ thấy mái tôn nhà tôi bị thủng một lỗ rất to, trời mưa nước đổ lênh láng xuống nhà phải dỡ tôn làm lại. Hôm sau, tôi nhận điện thoại của anh tôi cho biết anh đang coi thợ tháo mái nhà để lắp hệ thống điện mặt trời!
Ngoài giấc mơ, tôi còn có một linh cảm không thành hình. Mơ mơ hồ hồ một sự kiện gì đó có thể xảy ra. Thế là trong một thì tương lai gần, có sự việc liên quan xảy ra thật. Tuy nhiên, giải thích thế nào đây khi nếu tôi xoáy vào nó và phân tích hay xem xét kỹ càng thì việc ấy sẽ không xảy ra.
Trở lại giấc mơ đẹp ở trên. Thức giấc hồi lâu, tôi mở điện thoại vào trang Facebook. Hiện ra đầu tiên là tấm hình một bàn tiệc mà ai đó vừa post lên. Tôi chú ý có cây cọ quét hình thằng người màu vàng tựa vào hộp nhúng bánh tráng. Trên bàn có hai chai vang đỏ cùng bộ ly mà tôi không thể nào nhầm lẫn được dù chỉ thoáng trong mơ. Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Tôi có những giấc mơ lặp lại như tiếp nối một câu chuyện, nhưng không thể nào kể lại rành mạch câu chuyện đó. Sự việc tái diễn khá nhiều lần, đến nỗi trong mơ tôi thuộc lòng đường đến một nơi nào đó, tôi sẽ vượt qua cánh đồng, dòng sông, có thể nước biển dâng lên, tôi sẽ gặp vài người rất quen nhưng không biết tên.
Bạn tôi cho rằng những giấc mơ thường nằm ngoài sự điều khiển của người mơ. Có những giấc mơ tỉnh táo trong đó người mơ nhận ra rằng họ đang mơ, đang trải qua những cảm xúc mãnh liệt như phát ra tiếng kêu cứu chẳng hạn. Một người bình thường có thể mơ vài giấc mơ mỗi đêm và họ thường không nhớ gì đến nó khi tỉnh dậy. Giấc mơ cũng là một phần của cuộc sống như làm việc, ăn, giải trí mỗi ngày. Đừng quan trọng hóa giấc mơ bởi không phải nó là mơ mà là một hoạt động của trí óc lúc ngủ và cả khi không ngủ được.
Vấn đề là tỉnh táo nhìn nhận sự việc và phân tích nó một cách khoa học. Bởi không ai đủ khả năng làm việc đó nên người ta thường nhầm lẫn giữa thực và mộng, giữa ảo và thật, giữa chữ nghĩa và hành động, giữa phim ảnh và đời thường… Cũng biết đâu rằng, bàn tiệc mà ai đó vừa post trên Facebook, lại chẳng là hình ảnh tôi đã nhìn thấy trước khi mơ, vào một lúc nào đó mà đầu óc tôi không chú ý nhưng mắt tôi đã lướt qua?
Điều quan trọng hơn, con người cần phải mơ để cân bằng cuộc sống vì ai cũng phải sống và sống đủ phần mình.
Chỉ là giấc mơ thôi mà. Và, ngay cả một sự việc có thật xảy ra trong quãng thời gian dài hay ngắn, có thể ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực, tai ương, bệnh tật, nỗi đau buồn, một thảm họa đã qua, một lần ta đứng trước vực thẳm… Đến lúc nhớ lại, chúng ta thường thốt lên lời bàng hoàng hay rùng mình kèm theo tiếng thở dài: như một giấc mơ qua.
Bình luận (0)