Chỉ người giàu chiến thắng khi kinh tế thế giới phục hồi

26/11/2016 16:41 GMT+7

Đây là nhận định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo CNN, OECD nhận định trong báo cáo mới công bố rằng người nghèo, những cá nhân chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính, đang bị bỏ lại phía sau khi kinh tế thế giới phục hồi.
“Thành quả thực sự của đợt phục hồi kinh tế không được chia sẻ đồng đều”, OECD cho hay. Top 10% những người có thu nhập thấp nhất tại các nền kinh tế phát triển có thu nhập giảm 16,2% từ năm 2007 đến năm 2010. Thu nhập của nhóm 10% người kiếm nhiều tiền nhất chỉ giảm 4,6% trong cùng giai đoạn.
Việc kinh tế phục hồi cũng dẫn đến kết quả thiếu công bằng. Giai đoạn 2010 - 2014, thu nhập của nhóm 10% đáy chỉ tăng 1,6% so với tốc độ đi lên 5,2% của nhóm người hưởng thu nhập cao nhất. Kết quả cuối cùng là sự bất bình đẳng thu nhập lên cao hơn. Lương bổng của nhóm 10% người kiếm tiền nhiều nhất phục hồi lại trước mức khủng hoảng vào năm 2014, trong khi cùng năm đó, những người nghèo nhất kiếm được ít hơn 14% so với những gì họ từng có thời tiền khủng hoảng.
Dữ liệu của OECD chỉ ra rằng Mỹ thuộc hàng các nước bất bình đẳng nhất. Người Mỹ có thu nhập thuộc top 20% đang kiếm nhiều tiền hơn 8,7 lần so với những người có thu nhập thuộc nhóm 20% dưới cùng.
Các nước Bắc Âu như Iceland, Na Uy và Đan Mạch có mức bất bình đẳng thu nhập thấp nhất trong những nước phát triển. Top 20% người kiếm tiền nhiều nhất chỉ hưởng thu nhập nhiều hơn 3,5 lần so với nhóm 20% người kiếm tiền ít nhất. Giới lãnh đạo toàn cầu đồng ý rằng bất bình đẳng thu nhập là vấn đề lớn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Trung Quốc, lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới kêu gọi thêm hành động để đảm bảo tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn.

tin liên quan

Đâu là nơi tốt nhất để trở thành người giàu?
Nếu mục tiêu đời bạn là làm giám đốc điều hành hưởng lương cao, Mỹ là nơi tốt nhất. Song nếu ước mơ của bạn là giàu hơn so với mặt bằng chung xã hội, Nam Phi và Ấn Độ là hai điểm đến lý tưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.