Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 25.10, lãnh đạo UBND H.Hóc Môn (TP.HCM) cho biết thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục quản lý và hỗ trợ phòng chống, dịch Covid-19 đã phát hiện 713 trường hợp khai thông tin không trung thực để nhận tiền gói hỗ trợ Covid-19 đến 2 lần.
P.Võ Thị Sáu, Q.3 tiến hành chi trả hỗ trợ đợt 3 cho người dân hồi tháng 9.2021 |
song mai |
Tại Bình Dương, có trường hợp các địa phương trong tỉnh đã chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 cho trên 22.900 người. Trong đó, TX.Tân Uyên chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 (nhận 2 lần) lên đến 22.000 người. Còn trên 900 người khác ở các huyện, thị khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về vấn đề này, UBND TX.Tân Uyên (Bình Dương), cho biết trong quá trình nhập liệu, cập nhật số liệu đã phát hiện 23.029 trường hợp trùng lắp. Qua đối chiếu, xác định chi hỗ trợ nhầm 2.044 người, đã thu hồi, số còn lại trùng danh sách.
Hỗ trợ tiền cho người lao động quay lại làm việc tại 4 tỉnh, thành phía Nam |
Chi nhầm là lỗi của hai bên
Theo Luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thục (Đoàn LS TP.HCM), tại TP.HCM, điều kiện được nhận gói hỗ trợ đợt 3 với mức 1 triệu đồng cho những người thực sự gặp khó khăn trên địa bàn được quy định rõ tại theo Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM.
Tại tỉnh Bình Dương, có hai chính sách riêng, gồm: hỗ trợ một phần tiền thuê nhà mức 300.000 đồng/người (theo Nghị quyết 04 ngày 6.8.2021 của HĐND tỉnh Bình Dương) và hỗ trợ lương thực, thực phẩm hoặc tiền mặt 500.000 đồng/người (theo Quyết định số 12 ngày 14.8.2021 của UBND tỉnh Bình Dương).
LS Thục cho biết, theo khoản 1, điều 2 của Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM thì nguyên tắc việc chi hỗ trợ là phải chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; trừ những đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ. Công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân. Đối với hai chính sách hỗ trợ của tỉnh Bình Dương được yêu cầu chi hỗ trợ khẩn cấp cho người khó khăn đang có mặt tại phòng trọ trong tháng 8.2021.
Theo LS Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM), việc chi nhầm tiền hỗ trợ Covid-19 là do áp lực và việc chi trả khẩn cấp nên trước hết là do lỗi của các cá nhân, cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện đã không nắm rõ quy định, việc triển khai không chặt chẽ hoặc có thể là lỗi của người dân do chưa nắm rõ quy định vẫn đăng ký, khai thông tin để nhận hỗ trợ.
Do đó, theo LS Cường, việc thu hồi tiền hỗ trợ chi nhầm cần triển khai trên tinh thần vận động tự nguyện. Về phía người dân không thuộc tiêu chí được hưởng gói hỗ trợ nhưng đã nhận hỗ trợ nên liên hệ với tổ dân phố, chính quyền địa phương để trả lại.
“Trường hợp người dân mặc dù đã nhận nhầm tiền hỗ trợ, nhưng sau đó xét thấy hoàn cảnh thật sự khó khăn thì có thể làm đơn đề nghị xem xét và có xác nhận của tổ trưởng khu phố nơi cư trú để cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ”, luật sư Cường cho biết thêm.
Có thể xử lý hình sự
Theo LS Cường, đối với những trường hợp cố tình không nộp tiền hỗ trợ đã nhận nhầm, phường, quận cần có đề nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn chi tiết về các biện pháp cưỡng chế để thu hồi ngân sách.
Trường hợp cố tình khai báo gian dối để nhận hỗ trợ nhiều lần và có dấu hiệu trục lợi thì đã có hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nếu số tiền hỗ trợ từ 2 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Covid-19 sáng 4.11: Cả nước 939.463 ca nhiễm, 833.675 ca khỏi | 4.800 công nhân chưa quay lại TP.HCM |
LS Thục cũng cho biết thêm, về trường hợp, cán bộ phụ trách tham gia chi trả tiền hỗ trợ đã có hành vi sơ suất, lơ là trong việc rà soát hồ sơ, thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra, đánh giá thì xử lý theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi cũng như hậu quả đã xảy ra mà cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét xử lý như: khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi việc…
Đối với trường hợp chi nhầm tiền gói hỗ trợ Covid-19, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 360 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 5 năm.
Bình luận (0)