Chi nửa tỉ đồng chăm đàn Poodle, cụ bà 'chính thức sống cho mình'

Đình Huy
Đình Huy
19/12/2022 09:31 GMT+7

Nhiều năm nay, người dân sinh sống ở phố cổ Hà Nội đều quen thuộc với hình ảnh bà Nguyễn Thị Kim Quý (trú Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày ngày chở một đàn chó cảnh trên chiếc xe tự chế, dạo khắp phố phường.

Lan tỏa tình yêu động vật

Khi bước sang tuổi xế chiều, nhiều người chọn cách nghỉ ngơi, sống sum vầy bên gia đình, con cháu, hưởng cuộc sống an nhàn nhưng bà Nguyễn Thị Kim Quý lại khác. Ở tuổi 71, bà chọn cách sống một mình trong căn nhà nhỏ, coi đàn chó Poodle là bạn.

Nhiều người thích thú chụp ảnh khi bà Nguyễn Thị Kim Quý dẫn đàn chó cảnh đi chơi quanh phố

Đình Huy

Bà Quý đang nuôi 13 chú chó Poodle. Mỗi ngày, bà phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho đàn chó ăn, uống, rồi bế chúng lên xe, sau đó đưa đi dạo những con phố ở gần hồ Gươm. Gặp ai bà Quý cũng nở nụ cười, thậm chí, nhiều người thấy lạ xin chụp ảnh, bà đều dừng xe, tạo dáng đáp ứng yêu cầu.

Bà Quý chia sẻ, đơn giản là bà muốn lan tỏa tình yêu động vật đến với mọi người. Dẫn đàn chó đi dạo, bà tỏ ra rất hạnh phúc khi được mọi người chào đón. “Tuổi tôi già rồi, tôi có tiền và có thể lựa chọn rất nhiều cách sống để an hưởng tuổi già nhưng những chú chó đã khiến tôi thay đổi”, bà Quý nói.

Kể về cái duyên với những chú chó, bà Quý cho hay, cách đây vài chục năm, bà đã bắt đầu nuôi những chú chó cảnh với số lượng ít. Khi có dịch Covid-19, nhiều người mang chó đến gửi nhưng hết dịch, họ không nhận lại nên số lượng chó cảnh của bà Quý tăng đột biến.

“Trong tổng số 13 con cún của tôi, đa phần bị bỏ rơi. Có những người không đủ điều kiện nuôi, tìm đến tôi nhờ nuôi hộ. Hay có những con bị nhốt ngoài chợ, nhìn thương tôi cũng bỏ tiền mua về. Khi mang về nhà, tôi đều chăm sóc chúng ở mức tốt nhất. Mùa đông, chúng có đầy đủ chăn đệm giữ ấm, mùa hè có điều hòa làm mát”, bà Quý chia sẻ.

Bà Quý cũng cho biết thêm: “Người ta nhìn thấy tôi nuôi nhiều chó cứ nghĩ là thiếu thức ăn rồi mang đồ ăn thừa sang cho. Tôi chỉ nhận cho họ vui thôi chứ không dùng. Mỗi chú chó của tôi đều có chế độ ăn riêng và được đổi món thường xuyên như xúc xích, thịt gà, trứng vịt lộn…”.

Đặc biệt, 13 chú chó Poodle, con nào cũng được trang điểm và thơm tho, sạch sẽ. Đa số được bà Quý đặt tên theo địa danh của Việt Nam. Thậm chí, một số con được bà lấy tên cháu mình để đặt bởi từ lâu bà Quý đã coi chúng là thành viên trong gia đình.

“Mỗi chú chó đều có tâm tư, xúc cảm như con người. Với tôi, vật nuôi chính là cầu nối giúp tình cảm của con người gắn kết lại. Những chú chó như chất xúc tác khiến con người ta có tình cảm hơn, nó có thể chia sẻ nỗi buồn, nỗi cô đơn, giống như bác sĩ chữa căn bệnh trầm cảm của mỗi người”, bà Quý tâm sự.

Để những chú chó không bị buồn, stress, ngoài việc dẫn chó đi dạo phố, bà Quý còn phải ôm đủ mỗi con ít nhất một lần trong ngày. Đến tối ngủ, bà lại cho “các con” lên giường ngủ cùng.

“Sống 50% cho mình, 50% cho cún

Bà Quý tiết lộ, mỗi ngày, bà phải chi từ 200.000 - 300.000 đồng chỉ để mua thức ăn cho 13 chú chó Poodle.

Ngoài việc chăm sóc, bà Quý cũng đau đầu khi nghĩ về phương tiện đưa 13 chú chó đi chơi. Thời gian đầu chỉ có 1 - 2 con bà Quý vẫn có thể dẫn chúng đi chơi. Tuy nhiên, đến khi có 6 - 7 con thì không thể. “Tôi đã tự thiết kế ra chiếc xe rồi đi hàn. Qua 5 lần sửa chữa, hết 50 triệu đồng, chiếc xe mới hoàn chỉnh để chở đàn chó đi chơi”, bà Quý nói và cho hay, đến nay đã tiêu hết 500 triệu đồng để nuôi được đàn chó đẹp như hiện tại.

Nhiều người từng hỏi, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên đàn chó cảnh thì thời gian bà dành cho mình khi nào?. Bà Quý chỉ cười nhẹ và đáp: “Tôi sống 50% cho mình, 50% cho cún”.

Kể về cuộc đời của mình, bà cho biết, bản thân sinh ra trong lúc đất nước đang kháng chiến chống Mỹ nên gia nhập quân ngũ từ rất sớm. Sau khi đất nước hòa bình, bà xuất ngũ rồi lập gia đình và bén duyên với nghề tạo mẫu tóc. Thế nhưng, khi công việc đang thăng tiến thì bà lại ly hôn chồng.

“Tôi đã thoát ly cuộc sống gia đình hơn 30 năm. Lúc mới ly dị, bản thân tôi đầy sự oán hận, chỉ biết mở đài thật to, khóc thật to trong phòng, nhưng khi ra ngoài bắt buộc phải nở nụ cười thật tươi khi gặp mọi người. Thời gian trôi đi, tôi ngày càng nhận ra chữ duyên trong cuộc đời, rồi cứ thế nỗi giận nguôi dần”, bà Quý tâm sự.

Bà Quý sinh được 2 người con gái, đến nay đã khôn lớn và thành đạt. Cả 2 người con đều khuyên mẹ về ở cùng nhưng bà Quý không chịu, bà thích cuộc sống độc lập. “Tôi tự tìm đến niềm vui của mình, không gây phiền cho các con. Tôi cũng tự chọn cho mình cách sống, giữ sức khỏe để con cái không phải lo cho mình. Bây giờ, tôi mới chính thức sống cho mình”, bà Quý chia sẻ.

Biết tính mẹ như vậy, 2 người con của bà Quý cũng không phản đối việc bà ở một mình, làm bạn với đàn chó. Trong tương lai, bà Quý bộc bạch vẫn sẽ tiếp tục với công việc như hiện tại. Ngoài ra, bà cũng mở thêm kênh YouTube để chia sẻ về công việc, cuộc sống hàng ngày.

“Ngày xưa tôi là nhà tạo mẫu tóc. Dù nay đã già, đã buông bỏ nhưng nghề đã ngấm vào máu nên tôi mở một kênh YouTube dạy làm tóc 0 đồng, truyền tải những kiến thức của mình cho mọi người”, bà Quý nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.