Chuyển đổi số là chủ đề được đề cập nhiều trong bối cảnh Covid-19 và trở thành ưu tiên hàng đầu, cấp thiết của nhiều doanh nghiệp. Bước sang năm 2023, các hoạt động nhằm số hóa tổ chức hoạt động càng được đẩy mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo biến động và kém tích cực. Nhưng thực tế tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp vẫn "đứng ngoài" công cuộc xây dựng một quốc gia số.
Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cuối năm 2022, 60% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận chưa làm chuyển đổi số vì rào cản chi phí. Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Tư vấn Chuyển đổi số khu vực miền Nam của Base.vn, doanh nghiệp nghĩ không thể chuyển đổi số vì thiếu chi phí hay nhân lực hoặc gặp vấn đề khác thì mới chỉ là “triệu chứng”, chưa phải căn nguyên.
“Họ chưa hiểu chuyển đổi số thực sự có thể tạo ra sự khác biệt”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trên thực tế có trường hợp chủ doanh nghiệp thấy bối cảnh thị trường thay đổi, chuyển đổi số được nhắc đến nhiều nên nhận định nội bộ cần thay đổi, phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, bản thân người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp lại chưa trả lời được tại sao đơn vị mình cần điều đó, cũng không xác định nếu áp dụng công nghệ thì thực trạng nội tại hiện giờ của công ty sẽ được cải thiện như thế nào.
“Khi chưa thể tìm ra câu trả lời đã muốn đi theo thị trường, chủ doanh nghiệp tất thấy rào cản đầu tiên của việc áp dụng công nghệ là một khoản chi phí”, vị chuyên gia nói thêm. Ông Tuấn Anh cho rằng để giải quyết được căn nguyên trên, bản thân người lãnh đạo cần biết chuyển đổi số thực sự mang lại lợi ích gì cho tổ chức của họ.
Ở từng giai đoạn, doanh nghiệp sẽ cần đến chuyển đổi số theo nhu cầu riêng để giải các bài toán khác nhau. Ví dụ, với đơn vị đang trong giai đoạn “sống còn” thì phải tập trung vào giải pháp tăng trưởng doanh thu, tăng trải nghiệm khách hàng. Lúc này, công nghệ cần chứng minh được khả năng hỗ trợ, nâng cao tính kết nối, phối hợp giữa các phòng ban trong doanh nghiệp để bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả hơn, giúp một nhân sự có thể làm được nhiều việc hơn.
Đối với doanh nghiệp đang phát triển sẽ tập trung vào bài toán về hệ thống và bộ máy bởi lúc này họ có xu hướng tuyển người ồ ạt, nhưng lại không tìm được một vị trí cụ thể mà người mới sẽ tiếp nhận. Đến khi quen với nhịp tăng trưởng, nhân sự làm được nhiều việc hơn, bộ máy vận hành trơn tru hơn, doanh nghiệp rơi vào tình trạng thừa người. Còn với đơn vị đã phát triển ổn định thì bài toán đặt ra là minh bạch thông tin, nâng cao hiệu suất, giúp đưa ra quyết định nhanh và chính xác hơn dựa trên dữ liệu.
Bình luận (0)