Chuyển đổi số được xem là trọng tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam cũng như toàn cầu. Tầm quan trọng của xu hướng này được khẳng định trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, khi nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi cách vận hành truyền thống để trở nên thích hợp hơn với thời cuộc và thói quen tiêu dùng mới của xã hội.
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết kinh tế số sẽ đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược chuyển đổi số của TP.HCM |
chụp màn hình |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề "Bình an trong biến động số" do Báo Thanh Niên tổ chức mới đây, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã bắt đầu từ lâu và chuyển đổi số chính là bước thực hiện chủ trương công nghệ hóa quy trình làm việc một cách toàn diện hơn. Qua đó, cơ quan chính quyền, tổ chức cũng như doanh nghiệp sẽ hoàn thiện được sản phẩm, dịch vụ, tạo ra giá trị gia tăng, mở rộng trải nghiệm cho người dân.
Với 3 trụ cột chính là Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhấn mạnh thành phố xác định phát triển bền vững, hiện đại, trong đó kinh tế số đóng vai trò quan trọng.
“Chúng tôi đặt mục tiêu đưa kinh tế số đóng góp 25% GDP toàn thành phố vào năm 2025 và nâng lên 40% đến năm 2040”, bà Trinh chia sẻ.
Buổi tọa đàm với chủ đề "Bình an trong biến động số" sẽ được phát sóng vào ngày 10.1.2023 |
chụp màn hình |
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp gồm Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty CP Công nghệ Xelex, Công ty CP Dịch vụ du lịch và Thương mại Tugo, Công ty TNHH Lalamove Việt Nam đã chia sẻ "bí quyết" giúp họ chuyển mình thành công để bình an và vững vàng vượt qua giai đoạn Covid-19 khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Bảo - Giám đốc vận hành Công ty Tugo khẳng định là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, Tugo chịu ảnh hưởng ngay từ khi Covid-19 xuất hiện. "Khi đó chúng tôi đánh giá tình hình rất nghiêm trọng nên đã quyết định rút gọn quy mô, chuyển đổi thị trường kinh doanh từ nước ngoài về dịch vụ nội địa. Tugo từ những năm đầu thành lập đã xác định tập trung vào công nghệ số, tới 70 - 80% quy trình sử dụng công nghệ nên vẫn giữ mối kết nối với khách hàng và họ vẫn nhớ tới mình. Trong đại dịch, chúng tôi tận dụng các nền tảng trực tuyến gần như 100% để tăng kênh kết nối giúp nhân viên", ông Bảo nói.
Theo đại diện doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ giúp đơn vị củng cố được những thế mạnh nội tại mà còn giúp họ tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn, gia tăng niềm tin, sự ủng hộ dành cho thương hiệu. Ông Hoàng Công Nguyên Vũ - Phó tổng giám đốc ACBS cho biết: "An toàn và minh bạch là những yếu tố đặt lên hàng đầu đối với tài chính ngân hàng nên khi xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt liên quan tới công nghệ, chúng tôi luôn đặt bảo mật lên trên hết".
Đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số tại buổi tọa đàm |
chụp màn hình |
ACBS có sự hỗ trợ của đội ngũ CNTT từ ngân hàng mẹ (ACB). Ngoài ra, đơn vị còn thuê dịch vụ đánh giá hệ thống an toàn bảo mật từ bên thứ ba, đồng thời tạo ra những quy trình chặt chẽ về phân công nhiệm vụ của từng bộ phận công việc. Hãng cũng thường xuyên gửi báo cáo và cập nhật thông tin bảo mật tới khách hàng để chia sẻ kiến thức giúp người dùng có thể yên tâm với lựa chọn của họ và tự bảo vệ dữ liệu, tài khoản cá nhân.
"Chúng tôi chưa để xảy ra trường hợp thiệt hại nào cho khách hàng", ông Nguyên Vũ nhấn mạnh.
Bước qua năm 2023, chuyển đổi số tiếp tục được xem là chương trình mục tiêu quốc gia. Mỗi ngành nghề, dịch vụ sẽ có những định hướng riêng và hoạt động với "chuyển đổi số hay là chết" bởi nếu không thay đổi phương thức hoạt động, kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ tự thấy mình không còn phù hợp với biến động mới, từ đó bị đào thải trên hành trình tới thành công.
Cuối buổi tọa đàm, bà Trung Trinh nhận định đối với năm 2023, các ngành nghề, lĩnh vực đã làm chuyển đổi số thời gian qua sẽ tiếp tục phát huy được vị thế, vai trò của mình.
"Du lịch, y tế, giáo dục, ngân hàng, dịch vụ CNTT sẽ tiếp tục phát triển vì liên quan tới thói quen của người dùng. Họ đang chuộng thanh toán điện tử và sẽ tiếp tục sử dụng hình thức giao dịch này. Kế đến là các lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến bởi mặt hàng này muốn hay không thì cả doanh nghiệp lẫn người dân đều phải sử dụng. Nội dung số cũng tiếp tục phát triển và khi thúc đẩy chuyển đổi số sẽ hình thành được xã hội số, người tiêu dùng thay đổi hành vi, thói quen để thích ứng với tiện ích", lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận định về xu hướng diễn ra năm 2023.
“Bình an trong biến động số” là chủ đề của buổi tọa đàm xoay quanh chủ đề chuyển đổi số do báo Thanh Niên tổ chức. Tham gia chương trình có bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM; ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS); ông Hoàng Công Nguyên Vũ, Phó tổng giám đốc ACBS; ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Xelex và ông Nguyễn Minh Bảo, Giám đốc vận hành Công ty Tugo.
Chuyển đổi số được xem là trọng tâm của cuộc Các mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam cũng như toàn cầu. Bước qua năm 2023, chuyển đổi số tiếp tục được xem là chương trình mục tiêu quốc gia.
Bình luận (0)