Chỉ rõ địa chỉ, xử lý trách nhiệm 69 văn bản trái luật trong năm 2021

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/09/2021 06:44 GMT+7

Từ tháng 10.2020 - 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.

Chiều 13.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 3, cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội năm 2021 của Chính phủ. Trong báo cáo trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết từ tháng 10.2020 - 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung. Bên cạnh đó, có 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý con số 69 văn bản “trái pháp luật” này và cho rằng báo cáo của Chính phủ cần phải chỉ rõ địa chỉ cũng như trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong vấn đề này. “Một năm, 69 văn bản trái pháp luật thì tác động tới lĩnh vực đó thế nào? Nguyên nhân chủ quan khách quan ra sao? Xử lý trách nhiệm thế nào?”, ông Huệ nêu.
Ông Huệ dẫn lại tình trạng chậm ban hành các văn bản chi tiết thi hành luật mà cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu và cho biết, lâu nay việc xử lý đối với vấn đề này thường chỉ nhắc nhở, chứ chưa xử lý trách nhiệm cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng so với việc ban hành chậm thì việc ban hành văn bản sai, trái luật để người dân, doanh nghiệp thi hành càng cần phải xử lý trách nhiệm. Ông Huệ đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ 69 văn bản trong năm 2021 vừa qua trái luật thì đã được sửa đổi như thế nào; đồng thời báo cáo từ trước tới nay đã có bao nhiêu văn bản trái luật được ban hành.
Ông Huệ cũng nêu vấn đề, tới nay, Quốc hội đã ban hành khá nhiều cơ chế đặc thù cho các địa phương (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...) nhưng tới nay việc tổ chức thế nào thì chưa thấy Chính phủ có tổng kết, báo cáo Quốc hội, trong khi đó Quốc hội vẫn đang tiếp tục ban hành các chính sách cho các tỉnh khác, dự kiến tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét Nghị quyết chính sách đặc thù cho Thanh Hóa. “Tôi ở địa phương, tôi cũng biết, thường người ta chỉ chọn trình cái gì dễ, thứ 2 nữa là cái để có tiền mà chi thôi. Nắm chính sách là có quyền. Nhưng Quốc hội cho cơ chế đặc thù là động viên, khai thác các nguồn lực thì rất ít, rất chậm. Mà cái đó mới là cái quan trọng để mà cần phải có cơ chế đặc thù”, ông Huệ nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để Chính phủ báo cáo riêng việc triển khai các nghị quyết về chính sách đặc thù cho các địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.