Chủ tịch Quốc hội: Sở, ngành chỉ trình cái gì dễ và có tiền để chi

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/09/2021 15:59 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có tình trạng các sở, ngành, địa phương chỉ trình các chính sách dễ (thực hiện) và có tiền để chi mà không tính đến việc huy động nguồn lực.

Chiều 13.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 3, cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội năm 2021.

69 văn bản trái luật, 60% văn bản chậm

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.
Bên cạnh đó, có 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật do Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng trình bày cũng nêu một hạn chế là việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn (chiếm 39,56%) và 55 văn bản ban hành chậm (chiếm 60,44%); trong đó, văn bản chậm ban hành lâu nhất là 1 năm 5 tháng, văn bản chậm ban hành ít nhất là 4 ngày, số văn bản chậm nhiều nhất là nghị định (35/55 văn bản); cơ quan chậm ban hành thông tư nhiều nhất là Bộ Tài chính (7 văn bản).
Trong số những văn bản nợ, có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
Ông Tùng cũng nêu rõ, vấn đề xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ.
"Báo cáo chưa chỉ ra cụ thể việc xem xét xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu đã thực hiện như thế nào; giải pháp mà báo cáo nêu ra là chưa đáp ứng được yêu cầu", ông Tùng nêu.

"Đọc cái báo cáo này thấy huề cả làng"

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, báo cáo của Chính phủ cho biết có 69 văn bản ban hành trái quy phạm pháp luật thì phải chỉ rõ “địa chỉ”, chỉ rõ “sai thì nó như thế nào?”.
“Một năm 69 văn bản trái quy phạm pháp luật thì tác động tới lĩnh vực đó thế nào, nguyên nhân chủ quan khách quan rao sao, xử lý trách nhiệm thế nào?”, ông Huệ nêu.
Ông Huệ cũng dẫn lại việc chậm ban hành các văn bản chi tiết mà cơ quan thẩm tra nêu và cho biết, lâu nay việc xử lý thường chỉ nhắc nhở, chứ chưa xử lý.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp

Gia Hân

“Đúng là cũng có đưa vào căn cứ lấy tín nhiệm nhưng khi lấy tín nhiệm thì có ai nghĩ tới chuyện ngành nọ, bộ kia nhanh chậm bao nhiêu đâu. Thực tế, Bộ trưởng Tư pháp chẳng xử lý gì cả”, ông Huệ chỉ rõ.
"Đó mới ban hành chậm, còn đây là ban hành sai cơ, trái quy phạm để người dân, doanh nghiệp thực hiện. Trách nhiệm thế nào? Tôi nghĩ có lẽ xem xét trách nhiệm cơ quan, tổ chức cụ thể”, ông Huệ nói và nêu vấn đề: 69 văn bản này sau đó đã sửa thế nào cũng cần làm rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ lũy kế từ trước tới nay đã có bao nhiêu văn bản trái luật được ban hành.
“Tôi băn khoăn nhất chỗ này. Tôi nghĩ hàng năm tập trung cái này thì hữu ích nhất và mới tăng cường được pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cơ quan công quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai? Trách nhiệm các đồng chí thế nào? Chính phủ phải báo cáo kỹ hơn, cơ quan thẩm tra phải bám vào mà truy. Đọc cái báo cáo này thấy huề cả làng cả”, ông Huệ nói.

"Người ta chỉ chọn trình cái gì dễ và có tiền"

Ông Huệ cũng nêu vấn đề, tới nay, Quốc hội đã ban hành khá nhiều cơ chế đặc thù cho các địa phương nhưng tổ chức thế nào thì chưa thấy Chính phủ có tổng kết, báo cáo Quốc hội, trong khi đó, Quốc hội vẫn đang tiếp tục ban hành các chính sách cho các tỉnh khác.
“Thường người ta chỉ chọn trình cái gì dễ. Thứ 2 là cái để có tiền mà chi thôi. Nắm chính sách là có quyền. Nhưng Quốc hội cho cơ chế đặc thù là động viên, khai thác các nguồn lực thì rất ít, rất chậm. Mà cái đó mới là cái quan trọng để mà cần phải có cơ chế đặc thù”, ông Huệ nói.
Dẫn ví dụ câu chuyên thu phí đỗ xe, theo ông Huệ, Quốc hội đã cho một số địa phương cơ chế đặc thù về thuê vỉa hè, quản lý chỗ đỗ xe nhưng triển khai thế nào thì chưa thấy báo cáo. “Mỗi năm bao nhiêu tiền. Đây là con số lớn khủng khiếp”.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét để Chính phủ báo cáo riêng về triển khai các nghị quyết về chính sách đặc thù cho các địa phương. “Cần phải có báo cáo để rút kinh nghiệm, để sau này có chỉnh sửa. Chứ ban hành rồi không thực hiên, thực hiện không đồng bộ, không tốt thì không ra làm sao”, ông Huệ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.