Chỉ số năng lực cạnh tranh: Quảng Ninh vững ngôi đầu, TP.HCM giảm sâu

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/04/2023 16:22 GMT+7

Quảng Ninh lần thứ 6 giữ vững ngôi đầu trên bảng xếp hạng trong khi đó, đầu tàu kinh tế cả nước là TP.HCM tụt 13 bậc, về vị trí 27.

Ngày 11.4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh là địa phương lần thứ 6 liên tiếp giữ vững ngôi đầu trên bảng xếp hạng PCI với 72,95 điểm, và là năm thứ 10 nằm trong nhóm địa phương có chỉ số PCI cao. Chỉ số PCI do VCCI công bố từ năm 2005, được xem là một trong những chỉ báo đánh giá khả năng xây dựng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương.

Chỉ số năng lực cạnh tranh: Thừa Thiên Huế nâng hạng, TP.HCM giảm sâu - Ảnh 1.

Chỉ số năng lực cạnh tranh của TP.HCM và Hà Nội năm 2022 giảm sâu

ND

Khác với các năm trước, PCI 2022 chỉ đề cập 30 địa phương có điểm số cao nhất. Trong tốp 10 địa phương có chỉ số PCI 2022 cao, VCCI đặc biệt lưu ý những địa phương có sự thăng hạng đáng lưu ý. Trong đó, Bắc Giang được xem là "hiện tượng" do năm đầu tiên vào tốp 2 với 72,8 điểm. Địa phương này cũng đã vượt 29 bậc so với năm 2021. Theo kết quả PCI năm nay, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.

Tại khu vực miền Trung, so với PCI 2021, Đà Nẵng tụt 5 hạng, đạt 68,52 điểm. Đứng đầu khu vực miền Trung, năm đầu tiên, tỉnh TT- Huế vươn lên có chỉ số PCI 69,36 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2021.

Theo VCCI, Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư". Trong những năm qua, tỉnh này đã vận hành thành công Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA Quảng Ninh) với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp… Nhờ những nỗ lực này, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực, cụ thể, trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá "cán bộ Nhà nước giải quyết công việc hiệu quả" và 91% ý kiến đồng ý "thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định".

Chỉ số năng lực cạnh tranh: Thừa Thiên Huế nâng hạng, TP.HCM giảm sâu - Ảnh 2.

PCI 2022 chỉ đề cập 30 địa phương có điểm số cao nhất

VCCI

Nhờ vậy, năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất cả nước với khoảng 2,1 tỉ USD. Ở vị trí thứ 2 trong bản xếp hạng là Bắc Giang, khảo sát cho thấy, 92% doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Giang cho biết "các cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp dùng luật để khởi kiện khi có tranh chấp". Vị trí thứ ba thuộc về TP.Hải Phòng với điểm số 70,76 điểm. Đánh giá của doanh nghiệp tại địa phương này là "UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh" và 92% doanh nghiệp cho biết "các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh". Đây là những chỉ tiêu mà TP.Hải Phòng thuộc nhóm tốt nhất cả nước.

Tuy nhiên, trong khi nhiều địa phương có cải thiện thứ hạng PCI, TP.HCM lại giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27 với 65,86 điểm; Hà Nội tụt 10 bậc, xếp vị trí thứ 20 với 66,74 điểm; Cần Thơ giảm 7 bậc, xếp thứ 19 với 66,94 điểm. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng, chỉ số PCI tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước tụt hạng là "thách thức rất lớn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.