Chỉ tăng xử phạt giao thông là không đủ

Tăng hình phạt cả hành chính và hình sự là cần thiết để ngăn ngừa vi phạm giao thông , nhưng chỉ tăng hình phạt là không đủ.

Chỉ tăng phạt thì không giảm được tai nạn

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức phiên giải trình về an toàn giao thông hồi tháng 3, qua đó, tôi cho rằng, tăng xử phạt hành chính và hình sự là cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông, nhất là hành vi gây tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông (sử dụng chất ma túy, dùng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác).
Bộ luật Hình sự năm 2015, tại điều 260 đã sửa đổi, bổ sung quy định mới nhằm xử lý nghiêm hành vi phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Mức phạt tù có thể từ 7 năm đến 15 năm nếu làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên.
Tuy nhiên, nếu chỉ tăng phạt thì không giảm được tai nạn, không nâng cao được ý thức của người tham gia giao thông. Bằng chứng là tình hình tai nạn thời gian qua vẫn rất nhức nhối, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng do lỗi chủ quan.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để phòng ngừa tai nạn giao thông có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải, tập trung vào các lĩnh vực: quy hoạch phát triển, xây dựng hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các loại hình vận tải. Siết chặt công tác quản lý vận tải, gắn chặt chẽ trách nhiệm của chủ doanh nghiệp vận tải với người điều khiển phương tiện được chủ doanh nghiệp thuê.
Chấn chỉnh công tác kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện và bảo vệ môi trường. Có kế hoạch xử lý những "điểm đen" tai nạn giao thông, những nút thắt ùn tắc giao thông. Thực hiện các giải pháp phát triển giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân.
Cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là hành vi lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác; trách nhiệm của chủ phương tiện vận tải, thiếu trách nhiệm quản lý để lái xe gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Phải quản lý tốt việc đăng ký phương tiện giao thông theo hướng gắn chặt chẽ trách nhiệm chủ sở hữu phương tiện giao thông với trách nhiệm quản lý, sử dụng xe. Chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và có biện pháp quản lý chặt chẽ người điều khiển phương tiện giao thông; điều tra làm rõ và kiên quyết xử lý nghiêm khắc các đối tượng gây tai nạn giao thông.
Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, nêu cao tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu khi thi hành công vụ. Phải kiên quyết xử lý những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động quản lý giao thông vận tải và quản lý trật tự, an toàn giao thông. Gắn trách nhiệm trực tiếp của cơ quan và thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước với lĩnh vực được giao quản lý nếu để xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
Ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ, hiện đại hóa công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhất là hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh nghiên cứu, tiến tới thực hiện xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống tài khoản ngân hàng.
Nếu cần phải chỉ ra nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông diễn biến phức tạp thì quả thật có rất nhiều, và nó cũng đã được chỉ ra ở nhiều văn bản, báo cáo.
Đơn cử, một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm sâu sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc trong chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư. Việc tổ chức thực hiện ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Tổ chức giao thông chưa hợp lý, zphát triển hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu vận tải.
Một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và trật tự, an toàn giao thông chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thậm chí sai phạm, tiêu cực. Tất nhiên, cũng không thể bỏ qua ý thức còn kém của người tham gia giao thông.
Ở khía cạnh quản lý nhà nước, tôi thấy rằng quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, còn chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay. Đây chính là điểm phải cải thiện đầu tiên, cả ở khía cạnh xây dựng và thực hành luật pháp.
Hình phạt phải đích đáng, nhưng việc áp dụng phải nghiêm minh, đi kèm với đó là tuyên truyền, giáo dục, mới có thể dần dần thay đổi được hành vi của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.