Chị thủ thư và những trang sách mượt mà

19/10/2022 09:00 GMT+7

17 tuổi mới được học những con chữ đầu tiên, nhưng bằng tình yêu với những trang sách, chị Trần Thị Mượt, 30 tuổi ở thôn Văn Quan (xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ) đã vượt lên số phận của một người khuyết tật để mở một không gian đọc miễn phí mang tên: Ước Mơ.

Liệt tứ chi và 4 bức tường vây chặt

8 giờ tối. Có mấy bạn nhỏ đậu xe trước cổng nhà, cất giọng gọi: “Chị Mượt ơi! Không gian đọc có cho đọc và mượn sách buổi tối không ạ?”. Chị Mượt từ trong nhà vội lăn xe ra tươi cười, trả lời: “Có nha các em. Các em là những con mọt sách của chị mà”.

Không gian đọc Ước Mơ khai trương năm 2019

tgcc

Niềm vui của chị Mượt đơn giản chỉ có thế. Mỗi lượt bạn đọc lại tiếp thêm động lực cho chị Mượt tâm huyết hơn với Không gian đọc Ước Mơ - đứa con tinh thần quý giá của chị.

Tuy Không gian đọc Ước Mơ mới thành lập năm 2019 nhưng tính đến nay đã có hơn 4 nghìn đầu sách với đa dạng thể loại như truyện thiếu nhi, sách văn học, sách kỹ năng sống, từ điển... Mỗi ngày, Không gian đọc Ước Mơ thu hút chục lượt bạn đọc và có hàng trăm bạn đọc mượn sách thường xuyên.

Quãng thời gian 3 năm chưa phải là dài nhưng vô cùng ý nghĩa với chị Mượt. Bởi những năm tháng trước, chị chỉ biết giam mình trong bốn bức tường nhà, buồn lạnh lẽo. Từ khi có không gian đọc, không chỉ giúp chị có thêm kiến thức, tự tin giao lưu với nhiều người hơn mà chị thấy cuộc sống ý nghĩa bội phần vì bản thân đã góp một phần nhỏ bé để lan tỏa văn hóa đọc nơi làng quê.

Chị kể, hồi nhỏ chị vốn sinh ra lành lặn. Được 1 tuổi, chẳng may bị ngã. Cú ngã mạnh gây chấn thương cột sống khiến chị bị liệt tứ chi, giọng nói méo mó. Thời gian đầu, chị chỉ có thể ngồi một chỗ. Sau này, khi có xe lăn thì chị cũng chỉ có thể luẩn quẩn quanh nhà, chẳng đỡ đần được gì cho bố mẹ.

Kể về tuổi thơ của chị Mượt, mẹ chị chốc chốc lại lau nước mắt. Cô Tấm nói: “Gia đình rất muốn cho cháu đi học nhưng đôi tay cháu rất yếu, bút cầm không vững nên đành phải cho cháu ở nhà”.

Còn chị Mượt nhớ lại: “Nhìn các bạn tung tăng đến trường còn mình thì ngồi nhà nhìn đồng hồ quay, tôi rất buồn. Tôi muốn được đi học, muốn được biết chữ nhưng số phận thật trớ trêu”.

Mãi tới năm 17 tuổi, em trai chị Mượt vào lớp 1 thì chị mới được tiếp cận với con chữ. Em trai lúc đó mới 6 tuổi chính là người trực tiếp dạy cô chị hơn mình 11 tuổi những con chữ đầu tiên. “Biết chữ, là niềm hạnh phúc đầu tiên của đời tôi” - chị Mượt nói.

Ý tưởng thành lập không gian đọc lúc... nằm viện

Học chữ muộn nên tốc độ đọc sách của chị Mượt chưa được nhanh. Nhưng chị Mượt rất thích đọc sách và luôn giữ một vài quyển sách bên mình để nhâm nhi, đọc mọi lúc mọi nơi.

Chị kể, trong một lần nằm bệnh viện điều trị, chị gặp một bạn tình nguyện viên của Không gian đọc Hy Vọng do anh Đỗ Hà Cừ thành lập ở TP.Thái Bình. Anh Cừ vốn là người khuyết tật nặng. Biết chị thích đọc sách, lại thấy chị có thể nhắn tin cho người thân bằng điện thoại, bạn tình nguyện viên đã lại gần, trò chuyện và cho chị mượn một cuốn sách.

“Bạn tình nguyện viên đã chia sẻ với tôi về nghị lực của anh Đỗ Hà Cừ và ý nghĩa của Không gian đọc Hy Vọng. Bạn ấy đã gợi ý cho tôi thành lập một không gian đọc miễn phí tại nhà để lan tỏa văn hóa đọc. Tôi rất hào hứng và đồng ý ngay. Từ đó, tôi kết nối với anh Cừ và được anh hỗ trợ thành lập không gian đọc”, chị Mượt tâm sự.

Chị Mượt (ngồi xe lăn) và các bạn đọc nhí

tgcc

Trong quá trình thai nghén không gian đọc, chị Mượt đã trở nên tự tin hơn khi chủ động đi vận động sách từ các nhà hảo tâm. Chị tự tin trình bày - tự tin thuyết trình trên mạng xã hội - tự tin viết mail để xin sách.

“Tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bố mẹ, bạn bè và đặc biệt là những thùng sách được của các nhà hảo tâm gửi về từ nhiều nơi khiến tôi hạnh phúc vô cùng. Từ nhỏ, tôi chẳng làm được việc gì và cũng không mấy người tin tôi làm được việc gì. Nhưng những cuốn sách được gửi về để xây dựng không gian đọc, tôi biết có nhiều người đã tin tưởng vào tôi và hy vọng sẽ sớm thấy không gian đọc của tôi được thành lập”, chị Mượt nói.

Với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, một không gian đọc với đầy đủ tủ sách, bàn ghế, quạt mát, sổ ghi mượn và hơn nghìn đầu sách ra đời mang tên Ước Mơ. Buổi lễ khai trương không gian đọc diễn ra vào đúng ngày 1.1.2019 và có sự tham dự của gần 100 khách mời là bà con lối xóm, bạn bè xa gần. Đặc biệt, tại buổi lễ khai trương, UBND xã Duyên Hải còn trao quyết định công nhận “Không gian đọc Ước Mơ” là thư viện tư nhân do chị Mượt quản lý.

“Tôi chọn cái tên Ước Mơ. Bởi ai cũng có ước mơ, những ước mơ rất đẹp. Chỉ cần cố gắng, nỗ lực hết sức, tôi tin mọi ước mơ sẽ trở thành hiện thực. Hoặc chí ít, cứ dám mơ đến những điều tốt đẹp đi đã, như thế là bạn đã thành công một nửa rồi”, chị Mượt tâm sự.

“Mỗi trang sách là một chương của cuộc đời”

Chẳng mấy ai tin cô gái 17 tuổi mới học chữ, đến nay đã trở thành một con “mọt sách”. Từ khi mở không gian đọc, chị Mượt duy trì đọc sách mỗi ngày. Mỗi cuốn sách chị đều đọc đi đọc lại vài lần, ngẫm nghĩ - chiêm nghiệm. Chị yêu thích nhất những cuốn sách truyền cảm hứng về nghị lực sống, đó như liều “dopping” cho người khuyết tật vượt lên số phận - sống có ích cho cộng đồng.

Ngoài quản lý không gian đọc Ước Mơ, chị Mượt còn tích cực tham gia Không gian Văn hóa đọc ở chùa Thiên Phúc (huyện Quỳnh Phụ), Không gian đọc Niềm Tin ở huyện Đông Hưng và các chương trình tặng sách tại chuỗi 18 tủ sách thuộc CLB Không gian đọc Hy Vọng, do anh Đỗ Hà Cừ làm chủ nhiệm.

Ngoài ra, chị Mượt không ngừng “nâng cấp” Không gian đọc Ước Mơ. Mấy tháng trước, do nhu cầu bạn đọc tăng, bố mẹ chị Mượt đã vay mượn tiền để chuyển không gian đọc sang căn phòng rộng rãi 16m2 và các đầu sách được sắp xếp khoa học hơn.

Vừa là bạn đọc thân thiết, vừa là tình nguyện viên tích cực của không gian đọc Ước Mơ, em Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 9 - Trường THCS Duyên Hải chia sẻ: "Từ khi chị Mượt mở không gian đọc, em rất vui và thường xuyên tới đọc sách, mượn sách. Nếu như trước kia phải lên thư viện huyện mượn sách thì nay em có thể mượn ngay trong làng và miễn phí. Ở đây, em được đọc những cuốn sách thú vị, nâng cao hiểu biết, tri thức. Ngoài ra, đến đây có chị “thủ thư” vô cùng đáng yêu, nhiệt tình và sẵn sàng kêu gọi nhà hảo tâm gửi tặng các đầu sách bạn đọc cần mà tủ sách còn đang thiếu. Ngưỡng mộ nghị lực của chị, em đã làm tình nguyện viên cho không gian đọc, em hy vọng, văn hóa đọc ở địa phương em sẽ ngày càng lan tỏa".

Ngoài bạn đọc nhí còn có rất nhiều người lớn đọc sách tại Không gian đọc Ước Mơ

tgcc

Hiện tại, chị Mượt cũng đang động viên một bạn khuyết tật để thành lập không gian đọc tại xã Dân Chủ (huyện Hưng Hà). Chị muốn giúp người khác như chính việc anh Đỗ Hà Cừ đã từng giúp đỡ chị.

Câu nói mà chị luôn tâm đắc nhất và dặn lòng là: “Tôi không may mắn khi xuất phát trên con đường gập ghềnh nhưng tôi sẽ đi hết con đường này để khám phá những điều thú vị trên đường đến đích”.

Phó chủ tịch UBND xã Duyên Hải, ông Nguyễn Xuân Đốc khi nói về chị Mượt hết sức trân trọng: "Chị Mượt là một người khuyết tật nặng nhưng bằng nghị lực vượt lên số phận nghiệt ngã, chị đã tự học chữ và mở một không gian đọc miễn phí cho người dân địa phương. Không gian đọc Ước Mơ đã góp một phần thúc đẩy văn hóa đọc ở xã Duyên Hải, hy vọng rằng, sẽ có nhiều nhà hảo tâm gửi sách về cho chị Mượt để không gian đọc phong phú thêm đầu sách và phục vụ nhu cầu bạn đọc ngày một tăng lên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.