Người trưởng ấp hết lòng vì sự nghiệp giáo dục

11/10/2022 09:00 GMT+7

Đến xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang hỏi thăm anh Trưởng ấp nhiệt tình với công tác xã hội, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục thì hầu như ai cũng biết, anh là Nguyễn Văn Hiền (Tám Hiền).

Mặc dù kinh tế gia đình chỉ ở mức tạm đủ ăn nhưng anh đã làm được một việc mà đến những người giàu có, dư dả cũng chưa hẳn đã nghĩ tới đó là hiến đất xây trường học

Anh Tám Hiền trong khuôn viên sân trường

tgcc

Thật lòng mà nói, từ khi nước nhà độc lập cho đến nay, ấp tôi là địa phương di dời trường học nhiều nhất so với các ấp khác trong xã, lý do giản đơn là do ấp không có đất công để xây dựng trường học nên trường chỉ được cất tạm trên đất của dân. Vì vậy mà trường phải nhiều lần di dời từ chỗ này sang chỗ khác theo yêu cầu của chủ đất.

Những năm đầu trường chủ yếu làm bằng tre lá tạm bợ, sau làm bằng cây gỗ tốt hơn, mái lợp tôn nên dạo ấy việc di dời cũng không mấy khó khăn. Tuy vậy các vị lãnh đạo ấp đều tỏ ra ngán ngẫm, bởi mỗi lần di dời là mỗi lần vất vả, tốn kém nhiều chi phí và công lao động. Trải qua quãng thời gian trên 14 năm, khi thì trường học ấp tôi cất tạm trong khuôn viên nhà dân, địa thế chật hẹp, các sinh hoạt của học sinh ngoài giờ học đều bị hạn chế, có lúc cất nhờ trên đất chùa thì việc học lại bị ảnh hưởng bởi các buổi sinh hoạt tôn giáo với chuông mõ rền vang… Trước khó khăn đó, chính quyền ấp buộc phải di dời trường học đến cất trên phần đất công bên cạnh trụ sở ấp, diện tích nhỏ hẹp chưa đầy 100m2 chỉ đủ cho hai phòng học bán kiên cố, không có khoảng trống làm sân chơi cho các em. Nói chung là sau nhiều lần di dời, ấp tôi vẫn chưa có được một nơi lý tưởng để xây dựng một ngôi trường kiên cố để các em được học hành ổn định.

Cách nay khoảng 12 năm, từ khi được nhân dân trong ấp tín nhiệm bầu vào chức danh trưởng ấp, anh Tám Hiền cứ mãi đắn đo, suy nghĩ không biết phải làm sao có được quỹ đất để xây dựng một ngôi trường kiên cố với 8 phòng học làm trường điểm cho các ấp thuộc phía tây sông Ba Rài, đúng theo tiêu chuẩn của ngành giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng gia tăng của học sinh trong vùng. Nếu như không xây được trường học thì sẽ có một bộ phận các em học sinh nơi đây phải bỏ dở việc học do không có điều kiện về điểm trường trung tâm của xã (cách xa gần chục cây số) để học.

Từ những suy nghĩ đầy trách nhiệm và đạo lý của một đảng viên trẻ đang giữ cương vị trưởng ấp. Anh bèn đem chuyện muốn hiến 2 công (2000 m2 ) đất cất trường học ra bàn bạc cùng vợ con thì vợ anh phản đối quyết liệt. Điều đó cũng dễ hiểu bởi gia đình anh chị có tới 04 nhân khẩu, trong khi chỉ có 3,5 công (3500 m2) đất, số đất trên thời trẻ anh chị phải lao động cật lực, làm thuê, làm mướn vất vả lắm mới dành dụm mua được. Con cái còn đang tuổi ăn, tuổi học, cuộc sống gia đình còn lắm chật vật… Vợ anh cho biết, “nếu không có tiền mua thêm đất thì thôi, có đâu lại đi hiến đất như người giàu có” và còn trách anh sao không cập nhật thông tin thị trường. “Hiện nay ở nông thôn đất mặt tiền như của gia đình mình, mỗi công có giá trị hơn cả tỷ đồng, nếu hiến 2 công thì mất hơn 2 tỉ đồng”, chị nói. Số tiền ấy rất lớn đối với gia đình anh chị. Một số người còn mỉa mai anh là “anh hùng rơm”, nghèo đói không lo lại đi lo hiến đất, thay vì hiến đất họ khuyên anh bán số đất ấy lấy tiền gởi ngân hàng cho cuộc sống sung sướng, họ còn chỉ tên một số hộ trong ấp ruộng đất cò bay thẳng cánh, kinh tế khá giả mà họ còn chưa dám làm chuyện đó, huống hồ chi anh, họ khuyên anh nên nghĩ lại.

Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của dư luận, anh Tám Hiền vẫn giữ vững lập trường của mình, anh tìm mọi cách thuyết phục vợ con theo quan điểm “mưa dầm thấm sâu”. Anh thường xuyên phân tích những khó khăn của ấp về vấn đề trường lớp cho vợ con hiểu, đó là vấn đề bức xúc không chỉ của ban lãnh đạo mà của cả ngành giáo dục huyện nhà; chỉ cho chị thấy nếu không có trường lớp thì nhiều em học sinh phải bỏ học sớm, ảnh hưởng đến tương lai các em nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung. “Có trường học sau này con cháu mình cũng học hành ở đây chứ mất mát gì đâu”, anh nói. Rồi anh quay sang nêu những tấm gương điển hình giúp đỡ người nghèo góp phần cho xã hội tốt đẹp hơn vì mục đích vô vụ lợi, chỉ vì muốn đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho đời trong đó có việc bắc cầu, làm đường, xây nhà tình thương… Biết bao tấm gương người tốt, việc tốt đã làm những việc có ý nghĩa này hằng ngày trong xã hội ta. Đặc biệt là việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, là một đảng viên anh luôn thấm nhuần lời dạy của Bác :“Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Theo anh, hiến đất cất trường học là một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn. “Đối với tiền bạc dù có nhiều đến bao nhiêu, nếu sử dụng không đúng mục đích rồi cũng sẽ hết, trong khi đó nếu hiến đất cất trường cho xã hội thì đến trăm năm sau gương sáng ấy vẫn còn”.

Sau nhiều lần được anh bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phân tích thiệt hơn của việc hiến đất xây trường, chị nghe có lý và phần nào hiểu được giá trị, ý nghĩa việc làm của anh đối với xã hội nên cuối cùng đã đồng ý cho anh hiến đất cất trường. Và để bù đắp phần nào “thiệt thòi” của chị, sau khi trường xây xong, anh xin nhà trường cho chị mở điểm bán quà vặt nho nhỏ cạnh bên trường để chị vừa có được niềm vui, vừa kiếm thêm chút ít thu nhập cho cuộc sống hằng ngày.

Kỷ niệm chương do Bộ giáo dục và đào tạo tặng anh Tám Hiền

tgcc

Cuối cùng thì niềm vui cũng vỡ òa, năm 2011 một ngôi trường kiên cố, một trệt, một lầu với 8 phòng học cùng đầy đủ trang thiết bị học tập mang tên trường tiểu học Hội Xuân – Điểm ấp Hội Nghĩa đã được xây dựng trên phần đất do anh Tám Hiền hiến tặng, đáp ứng niềm mong mỏi bao ngày của chính quyền và hàng trăm hộ gia đình trên địa bàn ấp tôi và các ấp lân cận. Từ đấy trẻ em vùng sâu quê tôi đã được học tập trong một ngôi trường khang trang, bề thế với những điều kiện học tập tốt nhất.

Nhằm góp phần bảo quản tài sản cũng như giữ gìn trật tự, cảnh quan cho ngôi trường, ngoài giờ công tác, anh Hiền còn tự nguyện làm nhân viên, kiêm bảo vệ không công cho trường. Nhờ có anh mà “trật tự an ninh” luôn được đảm bảo tốt, khuôn viên sân trường luôn được anh vệ sinh sạch đẹp, những khóm hoa quanh sân trường nhờ bàn tay anh chăm chút cứ đua nhau khoe sắc, hàng phượng vĩ trong sân trường do anh trồng nay đã rợp bóng mát, thỏa sức cho các em nô đùa vào giờ chơi. Để khích lệ tinh thần học tập của các em, vào cuối mỗi năm học, anh còn trích một phần lương của mình mua những phần quà trao tặng các em là học sinh giỏi của các lớp, phần quà tuy giá trị không lớn nhưng đó là cả một tấm lòng của người trưởng ấp luôn hết lòng vì trẻ em.

Thật khó có thể kể hết những đóng góp của anh Tám Hiền cho ngành giáo dục địa phương. Tất cả xuất phát từ tình yêu trẻ thơ vô bờ bến, lấy niềm vui của các em làm niềm vui của chính mình. Những việc làm của anh được chính quyền và nhân dân xã tôi đánh giá rất cao và hết lời khen ngợi bởi anh đã sống đẹp – sống hết mình vì trẻ thơ, không xem tiền tài vật chất lớn hơn nhân nghĩa và đạo lý ở đời. Với những đóng góp ấy anh vinh dự được Bộ giáo dục và Đào tạo tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, cùng nhiều bằng khen, giấy khen do chính quyền tỉnh Tiền Giang trao tặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.