Chi tiết việc ông Colin Powell qua đời vì biến chứng Covid-19

19/10/2021 10:04 GMT+7

Sự ra đi của cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell vì biến chứng liên quan đến Covid-19 hôm 18.10 đã góp phần hé lộ nguyên nhân đằng sau nguy cơ tử vong vì căn bệnh này dù tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19.

Một người cao tuổi được tiêm nhắc ở bang Michigan hôm 29.9

reuters

Gia đình của cựu Ngoại trưởng Powell cho biết ông được tiêm đủ mũi vắc xin Covid-19. Ông qua đời ở tuổi 84 tuổi và đã được điều trị đa u tủy xương, một dạng ung thư mới, theo Reuters.

Bà Peggy Cifrino, trợ lý lâu năm của ông Powell, cho hay nhà cựu ngoại giao đã tiêm mũi hai vắc xin Pfizer/BioNTech vào tháng 2. Lẽ ra ông được tiêm nhắc theo lịch hồi tuần trước, nhưng mắc Covid-19 trước khi tiêm. Ông cũng được điều trị bệnh Parkinson giai đoạn đầu.

Trước cái chết của ông Powell, các nhà khoa học nhấn mạnh vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ hữu hiệu trước bệnh Covid-19.

Cựu ngoại trưởng Mỹ qua đời vì biến chứng Covid-19, vì sao vẫn nên tin tưởng hiệu quả vắc xin?

“Không có gì là hiệu quả 100%”, tờ The New York Times dẫn lời bác sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục về Vắc xin tại Bệnh viện Nhi đồng ở Philadelphia (bang Pennsylvania).

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nguy cơ nhập viện ở người được tiêm đủ vắc xin chỉ bằng 1/10 so với những người không tiêm mũi nào, và nguy cơ tử vong thậm chí thấp hơn.

Dựa trên số liệu của 40 tiểu bang, báo The New York Times kết luận người tiêm đủ vắc xin chỉ chiếm từ 0,2 đến 6% số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ.

Trong số hơn 187 triệu người Mỹ được tiêm đủ vắc xin, 7.178 người thiệt mạng vì Covid-19, theo CDC. Khoảng 85% số trường hợp xảy ra ở người từ 65 tuổi trở lên.

“Tử vong do Covid-19 dù tiêm đủ mũi vẫn xảy ra, nhưng xác suất này cao hơn ở một số nhóm bệnh nhân”, bác sĩ Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới của Đại học Y Baylor ở thành phố Houston (bang Texas). Những người cao tuổi nằm trong số này.

Bên cạnh đó, cựu Ngoại trưởng Powell cũng được điều trị đa u tủy xương, dạng ung thư xảy ra tương bào (một dạng tế bào bạch cầu). Tương bào tạo ra kháng thể và đóng vai trò chủ chốt trong hệ miễn dịch.

Bệnh ung thư trên và quá trình điều trị, bao gồm hóa trị, liệu pháp miễn dịch và steroid, đều có thể tăng nguy cơ mắc Covid-19 ở bệnh nhân dù tiêm đủ mũi.

Theo một báo cáo đăng trên chuyên san Cancer Cell hôm 18.10, các nhà nghiên cứu phát hiện một số bệnh nhân bị chứng đa u tủy xương cũng xảy ra tình trạng đáp ứng tế bào T kém sau khi tiêm mũi vắc xin thứ hai.

Người bị ung thư tiêm vắc xin Covid-19 có hiệu quả không?

Tế bào T (còn gọi là tế bào lympho T) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nhóm tế bào này còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng ở người nhiễm Covid-19.

Trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ Samir Parekh của Trường Y Icahn thuộc Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York (bang New York) cũng thông báo kết quả cho thấy tiêm nhắc mang đến hiệu quả vô cùng hứa hẹn đối với nhóm bệnh nhân mắc chứng đa u tủy xương. Ông khuyên những người thuộc nhóm này nên tiêm nhắc ngay lập tức để tăng cường hiệu quả bảo vệ trước bệnh Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.