Chi vài triệu đồng là có bằng tiến sĩ: Trường đại học nói gì?

Hà Ánh
Hà Ánh
09/12/2023 06:06 GMT+7

Chỉ cần bỏ ra số tiền không lớn và trong thời gian ngắn, khách hàng dễ dàng mua được bất cứ bằng tốt nghiệp ở ngành nghề, trường học nào. Trước thực trạng này, các trường đại học nêu ra những cách nhận biết bằng giả.

Vụ việc ông Nguyễn Trường Hải sử dụng bằng cấp giả để làm giảng viên tại nhiều trường ĐH, CĐ cho thấy có nhiều bất cập trong việc quản lý, sử dụng văn bằng tốt nghiệp. Không chỉ làm giả bằng cấp, mà bằng cấp còn có thể được sao y công chứng để tạo niềm tin với các đơn vị tuyển dụng.

Chi vài triệu đồng là có bằng tiến sĩ: Trường đại học nói gì ? - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Từ vụ việc này, PV Thanh Niên đã tìm hiểu dịch vụ làm bằng cấp giả và ghi nhận những nơi này quả quyết làm giả bằng từ trung cấp, CĐ, ĐH lên sau ĐH ở bất cứ ngành nào. Chỉ cần chi 4 - 15 triệu đồng, có thể nhận ngay 1 bằng và 3 bản sao có công chứng. Đáng chú ý, để tăng sự hấp dẫn khi chào hàng, đối tượng còn cho hay "bằng thật của trường tuồn ra, chữ ký sống, mộc sống, công chứng thoải mái". Ví dụ, bằng tiến sĩ công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), chỉ với 6 triệu đồng để thông tin bằng cấp của khách hàng được nhập lên hệ thống của trường.

Chi vài triệu đồng là có bằng tiến sĩ: Trường đại học nói gì?

KHÔNG THỂ CÓ DỮ LIỆU TRÊN HỆ THỐNG NẾU BẰNG GIẢ

Phản hồi về việc này, PGS-TS Bùi Mai Hương, Trưởng phòng Quản trị thương hiệu - truyền thông Trường ĐH Bách khoa, khẳng định không thể có dữ liệu trên hệ thống nếu không có bằng thật. Cũng theo đại diện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trên website chính thức của trường có hệ thống tra cứu văn bằng, nhưng để đảm bảo thông tin cá nhân thì chỉ tra được khi có đầy đủ dữ liệu về thông tin học viên, sinh viên. Ngoài ra, bất kể đơn vị nào trong và ngoài nước muốn thẩm định bằng, chứng chỉ do nhà trường cấp thì cần gửi công văn chính thức theo quy định, trường sẽ trả lời trong vòng 1 - 3 ngày làm việc.

Không chỉ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, các trường ĐH khác đều cho biết từng bị làm giả văn bằng tốt nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết mỗi tuần trường nhận được văn bản yêu cầu xác minh văn bằng từ đơn vị sử dụng với vài chục trường hợp. Đáng chú ý, có khoảng vài phần trăm trong số đó sau khi xác minh được phát hiện bị làm giả. Có thể người học trong quá trình sử dụng văn bằng, ví dụ như khi photo đã bị lọt lộ thông tin quan trọng như số hiệu văn bằng, rồi bị lấy thông tin làm giả.

Chia sẻ về các văn bằng bị làm giả, tiến sĩ Nhân cho biết có nhiều trường hợp khác nhau. Có những văn bằng bị làm giả bằng số hiệu đúng của trường, nhưng khi tra cứu thông tin người học không chính xác. Khi bằng bị làm giả có sự trùng khớp cả số hiệu và các thông tin cá nhân khác, thì việc xác minh chỉ có thể thực hiện qua dữ liệu của trường.

Chi vài triệu đồng là có bằng tiến sĩ: Trường đại học nói gì? - Ảnh 2.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Trường Hải không có trong hệ thống dữ liệu của trường

CHỤP MÀN HÌNH

CÁCH NHẬN BIẾT VĂN BẰNG GIẢ

Tương tự, tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cũng cho biết quá trình xác minh văn bằng đã phát hiện những trường hợp làm giả bằng tốt nghiệp của trường. Nhìn bằng mắt thường có thể phát hiện ngay những sai sót, nhầm lẫn của bằng giả như: sai tên hiệu trưởng theo từng thời kỳ cấp bằng, bảng điểm để sai tên người ký, khác font chữ kiểu chữ, thậm chí sai tên ngành học như "công nghệ chế biến lâm sản" nhưng chỉ ghi "chế biến lâm sản".

Ông Phương nhấn mạnh: "Một số trường hợp tinh vi hơn, việc kiểm tra phải thực hiện dựa trên dữ liệu hồ sơ gốc. Việc 2 người cùng giống thông tin cá nhân, ngành học, trường học, năm tốt nghiệp thì vẫn có sự khác biệt về số hiệu văn bằng, kết quả học tập khác nhau".

Ngay với Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đơn vị bị ông Nguyễn Trường Hải làm giả bằng thạc sĩ và tiến sĩ công nghệ thông tin, cũng cho biết đây không phải hiện tượng hiếm gặp.

Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trường thường xuyên nhận được yêu cầu xác minh văn bằng tốt nghiệp người học từ các đơn vị sử dụng lao động bên ngoài. Kết quả xác minh cho thấy có không ít trường hợp sử dụng bằng giả.

Theo ông Quán, việc xác định một văn bằng giả không thể bằng mắt thường. Do đó, theo ông Quán, để hỗ trợ các đơn vị trong xác thực văn bằng người học, trường có nhiều cách. Ngoài việc phản hồi bằng văn bản với các đơn vị có văn bản yêu cầu xác minh, trên website của trường có công cụ tra cứu thông tin văn bằng với người từng học sau ĐH tại trường. Ngược lại khi tuyển dụng người tốt nghiệp ngoài trường, một khâu bắt buộc trong quy trình tuyển dụng là gửi văn bản yêu cầu xác minh tới đơn vị cấp bằng.

Tiến sĩ giả Nguyễn Trường Hải ghép ảnh nhận bằng tiến sĩ để tạo niềm tin?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.