Chia rẽ giữa các CLB về phương án thi đấu V-League

Đăng Khoa
Đăng Khoa
30/03/2020 08:56 GMT+7

Ngày mai 31.3, hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo VFF, VPF, ban điều hành giải cùng đại diện các CLB sẽ diễn ra nhằm bàn thảo phương án thi đấu V-League trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước sau 15.4 hoặc 1.5.

Trước khi có cuộc họp này, nhiều đại diện CLB đã lên tiếng phản đối rằng thời điểm này cả nước đang tập trung chống dịch, không nên bàn V-League đá lại theo cách nào. Một số CLB thậm chí còn cho cầu thủ về nhà theo chỉ thị của Thủ tướng là tránh tụ tập đông người và người dân nên ở nhà là tốt nhất để giữ gìn sức khỏe, chống lây lan dịch bệnh.
Thế nhưng VFF, VPF lại viện lý do không thể chần chừ chờ hết dịch mới quyết định V-League sẽ thi đấu tiếp như thế nào vì phải có phương án cụ thể để giải đấu kết thúc trước 31.10, đảm bảo cho đội tuyển có thời gian và cầu thủ có phong độ tốt nhất tập trung cho 2 sự kiện lớn cuối năm là vòng loại World Cup 2022 (3 trận trong tháng 10 và 11) và AFF Cup 2020 (23.11 - 31.12).
Chính vì có tranh cãi như vậy nên bầu Đức của HAGL thẳng thắn cho biết đội bóng phố núi sẽ không tham gia hội nghị và cũng không bỏ phiếu quyết định hình thức thi đấu theo gợi ý của VPF là đá tập trung tại khu vực phía bắc. 3 đội bóng khác là Becamex Bình Dương, Nam Định và Quảng Nam cũng phản ứng hình thức thi đấu tập trung này và yêu cầu chờ hết dịch mới đá như lịch đã ban hành (bắt đầu từ vòng 3) và thi đấu trên sân không khán giả.
Trong khi đó, CLB TP.HCM, Sài Gòn, SHB Đà Nẵng và Hải Phòng chưa đưa ra ý kiến nhưng có vẻ cũng không mặn mà với việc thi đấu tập trung. Chỉ có 6 đội Hà Nội, Viettel, Thanh Hóa, Than Quảng Ninh, SLNA và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đồng ý đá tập trung. Cũng dễ hiểu vì các đội này sợ cầu thủ nghỉ lâu đánh mất phong độ và 4/6 đội này có lợi thế sân nhà nên dễ dàng ủng hộ phương án của VPF.
Xem ra sự chia rẽ này sẽ khiến VPF khó đạt được sự đồng thuận tổ chức phương án thi đấu tập trung. Có lẽ giải pháp hữu hiệu nhất là V-League nên đá theo lịch cũ nhưng dồn thời gian lại 4 - 5 ngày/trận thay vì một tuần/trận và chỉ nên bắt đầu khi Chính phủ, Bộ VH-TT-DL và Tổng cục TDTT cho phép đá lại khi câu chuyện Covid-19 đã thực sự an toàn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.