Chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật có thể bị phạt 20 triệu đồng

Phan Thương
Phan Thương
14/04/2020 13:57 GMT+7

Từ 15.4.2020 nhiều quy định mới có hiệu lực. Trong đó, trách nhiệm người sử dụng mạng xã hội cũng được quy định chi tiết, mở rộng hơn với hành vi " cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật ...".

Phạt 20 - 30 triệu đồng với hành vi tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân

Giữa tháng 4.2020, nhiều quy định mới sẽ có hiệu lực thi hành. Trong đó, trách nhiệm người sử dụng mạng xã hội cũng được quy định chi tiết, mở rộng hơn với hành vi "cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống..."
Từ ngày 15.4, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, sẽ có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định 174/2013), trong đó cụ thể hóa và “ưu tiên” một mục để quy định các hành vi vi phạm thông tin trên mạng.
Trong đó, Điều 101 Nghị định 15/2020, về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội nêu xử phạt đối với tổ chức 10 - 20 triệu đồng (cá nhân mức phạt bằng 1/2) hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, hoặc hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…”; tương tự, phạt tiền 20 - 30 triệu đồng với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt người, tổ chức sử dụng lao động trả lương không đúng hạn

Cũng từ ngày 15.4, Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thay thế NĐ 95/2013/NĐ-CP và NĐ 88/2015/NĐ-CP) sẽ có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý là quy định xử phạt từ 5 - 50 triệu đồng đối với người sử dụng lao động là cá nhân trả lương không đúng hạn cho người lao động; trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 2 lần, tức doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa là 100 triệu đồng.
Ngoài ra, từ ngày 20.4, tại Điều 15 Thông tư 01/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch nêu người chứng thực trên tờ khai lý lịch cá nhân không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.
Trước đó, từ ngày 1.4.2020, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng giải quyết được vấn đề gây nhiều tranh cãi trước đó rằng taxi công nghệ có cần phải gắn hộp đèn.
Theo đó, Điều 6 Nghị định nêu xe taxi được quyền lựa chọn gắn hoặc không gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe. Nếu lựa chọn gắn hộp đèn thì không phải dán cố định cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe; và ngược lại. 
Ngoài ra, xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi thì trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số; phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã căn cứ vào Nghị định 174/2013 để xử lý hàng loạt vi phạm liên quan đến chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 15.4.2020, Nghị định 15/2020 sẽ thay thế cho Nghị định 174/2013.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.