Chiếc áo hải quan điện tử đã chật?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/08/2024 06:17 GMT+7

Tổng cục Hải quan vừa kiến nghị đưa quy trình xử lý sự cố của ngành vào luật, hoặc trước mắt có thể xây dựng thông tư mang tính dự phòng để khi cần thì có thể áp dụng ngay trong thời gian nhanh nhất.

Hải quan cần hỗ trợ truy cập hệ thống thông tin chuyên ngành

Tại cuộc họp giao ban công tác tài chính tháng 7 (vừa diễn ra ngày 9.8), Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ chia sẻ thông tin về việc xử lý hệ thống hải quan điện tử gặp sự cố vào tối 6.8, đã khôi phục cơ bản ngay sáng 7.8. Tuy vậy, đến hôm qua (11.8), Hệ thống công nghệ thông tin hải quan và hệ thống Một cửa quốc gia mới được khôi phục hoàn toàn. Từ sự việc lần này, lãnh đạo cơ quan hải quan thừa nhận vấn đề quan trọng là vẫn còn thiếu hành lang pháp lý để xử lý các tình huống phát sinh như vừa qua. 

Ông Thọ kiến nghị Bộ Tài chính cho ngành hải quan nghiên cứu, bổ sung nội dung liên quan đến cơ chế, quy trình xử lý các trường hợp cấp bách, phân cấp giải quyết tình huống. Về lâu dài, các quy định này sẽ được đưa vào luật Hải quan sửa đổi, còn trước mắt, ngành đề nghị xây dựng một thông tư mang tính dự phòng có thể áp dụng ngay.

Chiếc áo hải quan điện tử đã chật?- Ảnh 1.

Tổng cục Hải quan đang xây dựng quy trình xử lý chung để đảm bảo hướng dẫn cán bộ, công chức thực hiện khi xảy ra sự cố

Ng.Nga

Là tình huống xảy ra khá hãn hữu, song cũng có lúc cần có quy định nhất quán để các ngành cùng áp dụng trong tình huống khẩn cấp… Chúng tôi kiến nghị xây dựng thông tư hướng dẫn nhằm cụ thể hóa hơn để khi có tình huống xảy ra, có cơ chế phối hợp để triển khai nhanh nhất có thể.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, sự cố xảy ra đối với hệ thống hải quan điện tử và cổng thông tin Một cửa quốc gia trong thực tế là tình huống vô cùng hãn hữu, ít gặp. Ngay khi có sự cố, Tổng cục Hải quan đã ra văn bản gửi đến các cơ quan cảng biển, hãng tàu, đơn vị vận tải… và các cơ quan liên quan để có sự phối hợp xử lý tốt nhất. Mục đích là không gây ách tắc các chuyến bay, chuyến tàu; hạn chế tối đa việc chậm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Tuy vậy, do tình huống bất khả kháng, khi chuyển trạng thái từ làm thủ tục hải quan điện tử sang thủ công thì ít nhiều gặp khó khăn hoặc các cơ sở pháp lý không tương thích, nên cơ quan tiếp tục gửi công văn đến các bộ, ngành liên quan nhằm giải quyết các thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia.

"Là tình huống xảy ra khá hãn hữu, song cũng có lúc cần có quy định nhất quán để các ngành cùng áp dụng trong tình huống khẩn cấp. Trong thực tế, đã có Nghị định 08/2025 quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan do Chính phủ ban hành, có thể áp dụng thực thi. Chúng tôi kiến nghị xây dựng thông tư hướng dẫn nhằm cụ thể hóa hơn để khi có tình huống xảy ra, có cơ chế phối hợp để triển khai nhanh nhất có thể", đại diện Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Ngay sau kiến nghị của Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các cơ quan hải quan, thuế phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề công nghệ thông tin. Cụ thể là xây dựng hệ thống dự phòng, phương án xử lý với tình huống khó khăn, cấp bách nhất.

Chiếc áo cũ đã chật

Trong thực tế, hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS là hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi, quan trọng nhất của Tổng cục Hải quan, do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại và được triển khai cách đây hơn 10 năm, từ tháng 4.2014. Nhiều ý kiến cho rằng công nghệ đã hoạt động 10 năm, đến nay có thể đã lạc hậu và không đủ quy mô để thực hiện khối lượng công việc ngày càng tăng cũng như các tình huống phát sinh. Trước đó, năm 2020, Tổng cục Hải quan đã xây dựng đề án tái thiết kế tổng thể Hệ thống công nghệ thông tin ngành. Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu về ứng dụng, khắc phục các hạn chế. Từ 2014-2022, ngành đã phải xây dựng và duy trì thêm khoảng 20 hệ thống vệ tinh hoạt động song song. Tuy vậy, thỉnh thoảng vẫn xảy ra tắc nghẽn do lượng tờ khai tăng đột biến.

Chẳng hạn như cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu phản ánh hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS luôn bị tê liệt khiến quá trình thực hiện các thủ tục điện tử gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp không thể giao hàng đúng kế hoạch. Lúc đó, Tổng cục Hải quan lý giải hệ thống VNACCS/VCIS bị quá tải tại nhiều thời điểm là do số lượng tờ khai trị giá thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đến hệ thống tăng mạnh, ảnh hưởng quá trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Các tình huống quá tải chủ yếu phát sinh với tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ tăng mạnh. Số lượng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu trị giá thấp gửi tới quá lớn, dẫn đến hệ thống phải tốn rất nhiều tài nguyên, thời gian để tiếp nhận, xử lý số liệu cũng như phản hồi cho doanh nghiệp. Tuy vậy, với sự cố mới nhất thì phía hải quan không nói rõ lý do.

Trong thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu qua hải quan ngày càng tăng mạnh. Trong 7 tháng của năm 2024, năm được đánh giá khó khăn nhưng kim ngạch cũng đã tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái, trong khi 90% thủ tục hải quan được xử lý bằng phương pháp điện tử. TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nhận xét dự án hải quan điện tử do Chính phủ Nhật tài trợ từ 10 năm trước đã giúp ngành hải quan thực hiện rất tốt "cuộc cách mạng về cải cách hành chính". 

Ngay khi hệ thống được đưa vào sử dụng, công chức ngành hải quan đã áp dụng và triển khai rất nhanh, vướng mắc ở đâu gỡ đến đó và có thể nói được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Cho đến nay, hải quan điện tử vẫn được đánh giá là chuyển đổi số sớm và nhanh nhất so với nhiều ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, sau 10 năm, số lượng giao dịch qua cổng này lớn hơn trước rất nhiều. Như chiếc áo khi ta lớn lên sẽ trở nên chật chội, không vừa nữa. Rõ ràng sẽ có những lỗi hệ thống mà khi đã xảy ra, có thể không xử lý được. Đơn giản nhất là quá tải và có gia cố thêm cũng không tương thích dữ liệu…

"Trong thực tế, việc nâng cấp hay chắp vá phần mềm là không thể được bởi liên quan bản quyền, hay việc thiết lập thêm hệ thống vệ tinh hoạt động song song cũng rất khó bởi yếu tố tương thích. Thế nên, nói gì thì nói, cần có hệ thống hải quan điện tử khẩn cấp tạm thời để xử lý các tình huống này. Trước mắt, đề xuất của Tổng cục Hải quan là hoàn toàn hợp lý, nên có thông tư hướng dẫn nhanh gọn cho tình huống khi hệ thống hạ tầng bị quá tải, gặp sự cố và sự cởi mở, kết nối dữ liệu giữa bộ ngành. Thứ hai, phần mềm hải quan điện tử VNACCS/VCIS là được cho không từ Chính phủ Nhật Bản, VN nhận nhưng cũng không được phép sửa đổi bởi nếu làm được, ngành hải quan đã làm từ lâu rồi. Nên chăng, cơ quan chức năng có thể liên hệ hợp tác nào đó với phía Nhật, nhờ giúp hỗ trợ nâng cấp trong giai đoạn này có được không?", TS Nguyễn Minh Thảo nêu quan điểm.

Cách đây mấy năm, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xây dựng hệ thống hải quan điện tử kết nối với các bộ ngành quản lý khác để chia sẻ dữ liệu chuyên ngành cũng như mức độ, quy mô hệ thống mới kịp thời phù hợp với tốc độ gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu. Đó là nhiệm vụ nhiều thách thức. Thách thức từ kinh phí cho đến việc kết nối dữ liệu với nhau là không đơn giản, bởi hệ thống hải quan điện tử sẽ không còn là hệ thống của ngành mà bắt buộc liên kết với 12 bộ ngành khác và kết nối với các tổ chức đánh giá về tính phù hợp. Tại quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 của Chính phủ ban hành tháng 5.2022, Chính phủ cũng nhấn mạnh vấn đề này. Thế nên, giải pháp căn cơ và lâu dài là ngành phải xây dựng hệ thống hải quan điện tử mới kết nối với các bộ chuyên ngành khác.

TS Nguyễn Minh Thảo, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.