Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen

Chiếc kiềng ba chân 'bất ly thân' của mẹ

02/09/2023 21:12 GMT+7

Gia đình tôi đã nhiều lần dời nhà, bao giờ trong những lần dịch chuyển ấy, mẹ đều cố gắng mang theo bằng được chiếc kiềng ba chân. Đó là vật dụng bất ly thân của mẹ mà từ ngày bà nội còn sống, bao bữa cơm gia đình đều nhờ có bếp mà đun nấu.

Có lần, thấy mẹ cứ khư khư mang theo chiếc kiềng ba chân, tôi nói với bà rằng: "Bữa nay nhà mình đâu còn thiếu thốn như xưa, nấu cơm đã có nồi cơm điện, nấu nước cũng có ấm siêu tốc… vừa tiện vừa đỡ mất công. Trời trưa nắng mà mẹ cứ phải lúi húi nhen nhóm bếp củi để nấu cơm, con thấy cực cho mẹ quá!". 

Thấy lúc tôi phàn nàn, mẹ chỉ cười “mẹ quen rồi!”. Mẹ nói thế, nhưng tôi biết là mẹ sợ tốn điện.

Chiếc kiềng ba chân 'bất ly thân' của mẹ - Ảnh 1.

Bếp than củi ở nhà tôi

TGCC


Cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm

Tôi nhớ những ngày xưa bé, khi gia đình còn khó khăn, để chị em tôi đến trường, mẹ đã phải tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu từ những thứ nhỏ nhất. Mỗi sáng, mẹ tranh thủ dậy sớm bắc nồi cám lợn, mẹ chỉ bật điện một lúc để nhóm bếp, khi lửa đã cháy, mẹ tắt điện và tận dụng ánh sáng từ bếp củi để làm những việc khác.

Tôi cứ nghĩ, do ngày ấy khó khăn quá nên mẹ phải tính toán tiết kiệm đến từng thứ chút nhỏ nhất. Ấy nhưng, đến bây giờ, khi chị em tôi đã trưởng thành, nhà cũng có đủ thứ tiện nghi như máy giặt, máy nước nóng, ấm siêu tốc… mà tôi vẫn chưa một lần thấy mẹ dùng ấm siêu tốc để nấu nước, bật máy nước nóng để tắm, hay giặt áo quần bằng máy giặt…

Mẹ bảo mẹ ở nhà không làm gì thì mẹ làm những việc ấy, vận động một chút cho nó khỏe chân khỏe tay. Mỗi sáng, mẹ dậy sớm chất bếp củi, nấu mấy siêu nước nóng cho vào phích rồi hãm ấm chè xanh đủ cho cả nhà dùng trong ngày. Mỗi mùa lạnh, chiều đến mẹ đun cả một nồi nước to với đủ thứ lá hương nhu, chanh, sả… để mọi người đi làm về có tắm.

Chiếc kiềng ba chân 'bất ly thân' của mẹ - Ảnh 2.

Bếp than củi thường được sử dụng ở quê để tiết kiệm điện

PHẠM XUÂN THỊNH

Tôi hỏi mẹ: “Mẹ làm vậy mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu tiền điện hở mẹ?”. Mẹ nói mẹ không biết, nhưng cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm, mình tiết kiệm không chỉ cho mình mà còn cho cả người khác, tuổi trẻ các con ra ngoài cống hiến xây dựng quê hương, chung tay phát triển xã hội này nọ, mẹ già rồi mẹ không làm được việc lớn như các con, mẹ nghĩ cứ chăm chút cho gia đình mình tốt là góp công cho xã hội, cho quê hương rồi, mỗi người, mỗi nhà tắt bớt một bóng đèn không cần thiết là cũng góp phần để người khác có điện dùng.

Có lần, mẹ đưa cho tôi 200 ngàn, mẹ nhờ chuyển đóng giúp tiền điện cho mẹ và nhà bác Xoa. Bác Xoa là hàng xóm của tôi. Bác sống một mình không con cái, mẹ nói: “Mẹ không dùng ấm siêu tốc, máy nóng lạnh... nhờ vậy mẹ đóng tiền điện được cho cả nhà mình và nhà bác Xoa mà không vượt chi tiêu gia đình”.

Cho đến khi có chồng con, tôi mới thấm thía rằng mẹ đã đúng. Trong gia đình trăm thứ phải chi tiêu, mỗi thứ một chút sẽ thành nhiều. Vợ chồng tôi bàn với nhau tiết kiệm.

Về điện, chúng tôi lắp đặt những thiết bị tận dụng năng lượng mặt trời để tiết kiệm điện. Mỗi lần đun nấu tôi tận dụng nước nóng từ bình năng lượng mặt trời để nấu, nước nóng sẵn sẽ nhanh sôi, đỡ tốn điện hơn. Những ngày cuối tuần được nghỉ, vợ chồng tôi thường cho con đến sở thú hay trang trại cây trái, vừa để con gần gũi với thiên nhiên, cũng vừa hạn chế được việc sử dụng điện khi ở nhà.

Chiếc kiềng ba chân 'bất ly thân' của mẹ - Ảnh 3.

Nhà tôi lắp thêm bồn nước lớn để gom nước mưa từ mái nhà dùng để lau sàn nhà, rửa chén bát, đồ đạc... mà không cần sử dụng điện để bơm nước

TGCC

Ngoài bồn đựng nước từ giếng khoan, nhà tôi lắp thêm một bồn nước lớn để gom nước mưa từ mái nhà, bồn nước mưa ấy sẽ dùng để lau nhà, rửa chén bát, đồ đạc… Những khi con cái muốn ăn đồ nướng, thay vì dùng bếp điện, tôi chủ động nướng bằng than, đồ nướng vừa thơm ngon, vừa đỡ tốn điện, cả nhà lại có thời gian quây quần bên nhau…

Các con tôi bây giờ tuy bé, nhưng đều có thói quen tắt điện, quạt… khi ra khỏi phòng. Con hay bảo: “Con tiết kiệm điện để các cô chú điện lực không phải lên lịch luân phiên cúp điện khi nắng nóng nữa mẹ ạ!”.

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.