Tiếng rao lọt thỏm giữa khu biệt thự liền kề đẹp nhất nhì thành phố. Bà Hoa vừa đạp xe vừa ngắm những căn nhà khang trang, muôn hình vạn trạng của khu Đại An, không khỏi thầm nhớ ra nơi này trước đó còn là một vũng sình lầy mới được san lấp. Mà nói là mới, chứ hồi đó bà vừa sinh con Nhi, bây giờ nó đã hai mốt tuổi rồi còn gì. Nhớ đến con, lòng người mẹ lại xao động. Lấy chồng sớm, sinh con muộn. Con Nhi mới lên sáu thì bố đổ bệnh. Tiền của tích cóp sau đó theo ông xuống dưới cửu tuyền hết. Hai mẹ con bà theo người anh trai vào Nam lập nghiệp, làm đủ thứ nghề bưng bê, quét dọn. Được cái con bé ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, phụ mẹ được nhiều việc. Hai mẹ con gom góp tiết kiệm mãi mới mua lại được một căn phòng trọ nhỏ. Dù nhà chỉ có giấy tay, vỏn vẹn hai chục mét vuông nhưng ai cũng mừng cho hai mẹ con. Song hỷ lâm môn, vừa mua nhà xong, Nhi có giấy báo vào đại học. Mừng đó mà lo đó. Trăm khoản tiền chứ ít đâu. Để có tiền cho con đi học trường tốt theo đúng khả năng và nguyện vọng của nó, bà đã giấu con, bỏ nghề may nhàn nhã để theo nghề thu mua ve chai. Một công việc trông nhếch nhác và vất vả nhưng đổi lại thu nhập khá hơn. Nếu chịu khó, mỗi ngày bà cũng kiếm được một vài trăm, đủ chi dùng cho hai mẹ con.
Mười giờ trưa rồi. Giờ này ngày thường, nhiều người đi làm vắng hoặc bận chuẩn bị bữa trưa, có đi thêm cũng chẳng thu mua được gì nhiều. Nhưng hôm nay chủ nhật, người ta tranh thủ dọn nhà. Ngoài ra, tuần sau là đến hạn gửi tiền lên cho con nên bà Hoa cố thêm vài khu phố nữa dù hai cái sọt đằng sau đã lồng cồng những thùng bìa cạc tông, báo cũ.
Minh họa: Tuấn Anh |
- Ve chai, chị ve chai!
Bà Hoa quay ngay xe lại. Một người phụ nữ chừng trạc tuổi bà, thân hình thanh nhẹ trong bộ đồ đen nền nã, nửa mặt giấu sau chiếc khẩu trang, đang ngoắc ngoắc tay gọi bà. Bà Hoa dựng xe vào sát vỉa hè. Căn biệt thự cũ, rộng rãi nấp sau giàn hoa giấy và cây lộc vừng to đến cả vòng tay. Nền nhà hơi bừa bộn. Tấm biển đề tên “Công ty xây dựng An Nguyên” còn để trên bàn nên bà Hoa đoán chừng gia đình họ mới dọn tới. Bà nhanh nhẹn giúp người phụ nữ quét dọn và sắp xếp lại đồ dùng trong phòng. Người phụ nữ cũng phụ giúp bà bê những bao tải đồ phế liệu ra ngoài xe. Xong việc, bà Hoa lấy ra mấy chục ngàn gọi là có để trả cho chủ nhà nhưng người phụ nữ lắc đầu không nhận, còn đưa thêm cho bà hai trăm ngàn, gọi là công dọn dẹp. Chị còn dặn bà: “Nhà tôi neo người, chồng và con trai thường xuyên đi công tác xa, thỉnh thoảng chị ghé gom bớt đồ cũ giúp tôi”. Bà Hoa cảm ơn người phụ nữ rồi chất đống đồ ve chai nặng cả tạ lên chiếc xe “Thạch Sanh”, ngật ngưỡng đạp về. Trưa nắng, xe nặng nhưng bà không thấy mệt. Món hời vào giờ chót và nhất là thái độ tử tế của người chủ nhà khiến bà cảm thấy vui vui. Vậy là chỉ mai, mốt, bà sẽ có đủ ba triệu để gửi cho con Nhi chi tiêu tháng này.
Ăn trưa xong, chả kịp nghỉ ngơi, bà Hoa đã vội mở các bao tải để phân loại ve chai. Đầu tiên là thùng vỏ lon bia, sau đó là chai nhựa, sắt thép rồi giấy vụn và nhiều nhất là những bao tải sách cũ. Những cuốn sách dày, mỏng nhàu nát, giấy đã đen lại còn bị mối mọt cắn này, ngày xưa hẳn đã được nâng niu, lật giở nhiều lần. Bây giờ sách in nhiều quá nên không chỉ có sách cũ mới bị cân ký bán ve chai. Tiếc cũng chẳng có chỗ giữ. Bà Hoa tần ngần vuốt vuốt mấy cuốn sách, vẫn quyết định xếp những cuốn được đóng bọc cẩn thận hơn sang một bên. Bao giờ con Nhi về, nó sẽ đọc và lọc lại giúp bà. Biết đâu lại có những cuốn có giá trị. Từ bé nó đã là đứa ham đọc. Là sinh viên trường Báo chí, nó rất xót xa khi thấy những cuốn sách mới bị dồn chung vào với mớ giấy vụn, bán cho chủ vựa ve chai, mỗi ký ba ngàn đồng. Đang hình dung ra vẻ mặt rạng rỡ của con khi đọc được cuốn sách quý, bà Hoa bỗng phát hiện trong một cuốn sách dày, cũ có cái gì đó hơi cộm lên. Bà mở ra và nhìn thấy một chiếc túi nỉ màu đỏ nho nhỏ. Mở chiếc túi ra, bà Hoa giật mình: trong túi là một chiếc vòng vàng nhỏ. Một chiếc vòng vàng sáng bóng, sang trọng. Bà đưa lên miệng cắn thử. Chắc là vàng thật. Ấy là bà đoán thế chứ từ nhỏ đến giờ, bà mới chỉ cầm đến vàng có một lần nhân ngày cưới. Chiếc nhẫn vàng của mẹ chồng cho ngày đó, chỉ ba năm sau đã phải bán để lo thuốc men cho bà cụ. Từ đó tới giờ, bà chả bao giờ được sờ đến vàng lần nữa nên cắn thì cắn, bà cũng đâu thể phân biệt vàng thật, vàng giả. Bà Hoa nhắc nhắc chiếc vòng. Nó khá nặng. Nếu là thật, chắc nó đắt lắm. Nhưng sao vàng thật lại có thể nằm trong đó chứ. Suy nghĩ một chút, bà đem chiếc vòng vàng sang nhà chị Lan hàng xóm thân thiết. Chị xem qua, rồi bảo “Vàng thật. Chắc phải hơn hai chỉ, rẻ cũng phải hơn chục triệu đồng. Chúc mừng chị, phát tài thế này phải khao to đấy”. Bà Hoa cười gượng gạo. Đúng là có lần bà đi gom ve chai, nhặt được phong bì chưa bóc, tự nhiên có được triệu bạc nên bà đi mua cả chục ký chôm chôm về đãi hết bà con chòm xóm. Nhưng lần ấy bà đâu có biết tiền đó của ai, còn bây giờ… Bà trả chiếc vòng vào trong túi. Ý nghĩ thoáng qua, chiếc vòng vàng quý giá này nếu bán đi có khi đủ để lo tiền học phí cho con Nhi cả năm trời, mà mình nhặt được chứ có trộm cắp gì đâu. Nhà người ta giàu thế, chưa kể chiếc túi bị kẹp lâu đến mức gần như dính vào cuốn sách đã bị mối ăn mất mấy phần, có khi chủ nhà cũng chả biết đến sự tồn tại của nó nữa. Thế nhưng hình ảnh người đàn bà tốt bụng đã cho đồ ve chai lại còn giúp mang chúng ra xe lúc trưa khiến bà quyết định quay trở lại, bấm chuông căn biệt thự.
Vẫn là người phụ nữ lúc trưa ra mở cửa. Chị đã cởi bỏ khẩu trang để lộ khuôn mặt đẹp, thanh nhã rất tương xứng với dáng người. Dù hơi ngạc nhiên khi nhận ra bà Hoa nhưng chị vẫn tươi cười mời bà vào nhà. Bà Hoa đưa chiếc vòng ra, lúng búng giải thích về chuyện có được nó. Người phụ nữ lặng đi một lát. Sau đó chị dùng cả hai tay ôm lấy tay bà Hoa. Những giọt nước mắt nhè nhẹ lăn trên khuôn mặt đẹp đã có những vết chân chim của chị. Sau một lúc bớt xúc động, chị lau nước mắt, nói mình tên An và kể về lai lịch chiếc vòng.
Vào giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, ở gần ngã tư Hàng Xanh Sài Gòn, có một tiệm sách báo nhỏ. Chủ tiệm có một cô con gái rất xinh, sau giờ tan học cô thường ra tiệm phụ cha mẹ bán sách. Một chàng sinh viên văn khoa dáng nho nhã lịch thiệp hay canh giờ cô con gái ở đó để ghé tiệm thuê sách đọc. Trai tài gái sắc, từ là khách, họ chuyển sang là bạn, rồi yêu. Tình yêu vừa chớm thì chàng trai bị bắt vì tham gia phong trào sinh viên xuống đường. Nhờ gia đình khá giả, bỏ ra nhiều tiền chạy chọt nên chàng được thả. Sau đó chàng bị cha mẹ quản thúc tại nhà. Chiếc vòng vàng là món quà đính ước chàng trai gửi cô gái trước ngày trốn nhà lên bưng. Nhưng người liên lạc giúp chàng bị theo dõi, khám xét nên lá thư và cuốn sách có kèm vật đính ước đã bị thất lạc...
Tết Mậu Thân năm 1968, chàng trai trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn đã trở về tìm cô gái. Họ chỉ kịp sống với nhau một ngày đêm trọn vẹn rồi chàng trai lại phải ra đi. Khi chia tay, chàng hỏi về chiếc vòng đính ước nhưng cô gái không biết gì về nó cả. Chàng hứa sẽ tặng cô chiếc vòng khác vào ngày đất nước thống nhất, nhưng anh đã ra đi không bao giờ trở lại. Một mình cô gái với mầm sống đang tượng hình trong mình phải đối phó với bao biến cố xảy ra trong thời tao loạn, cũng không có thời gian tìm kiếm chiếc vòng thất lạc...
Người phụ nữ nghẹn ngào kể tiếp:
- Cô gái ấy là má tôi. Người thanh niên đó là ba tôi. Cho đến năm ngoái, trước lúc mất, má tôi vẫn nhắc tới chiếc vòng vàng có khắc hai chữ T - H lồng tên hai người. Vợ chồng tôi đã cố gắng tìm kiếm món kỷ vật đó theo lời trăng trối của má. Thế nhưng thời gian qua quá lâu, không có manh mối rõ ràng nên chúng tôi cũng đành bỏ cuộc. Ai ngờ nó lại nằm trong số sách cũ của người thân ba gửi cho má mà may mắn tôi đã giữ lại sau mấy lần chuyển nhà. Thật tình bao năm qua, chúng tôi đã gần như coi chiếc vòng vàng ấy là câu chuyện trong trí tưởng tượng của má. Vậy mà giờ đây, nhờ chị, nó lại hiện hữu như một phép màu. Chúng tôi thật lòng không biết đền đáp chị như thế nào. Thôi thì cũng là cái duyên, xin chị hãy cho tôi được quan tâm lo lắng cho chị như người thân trong gia đình.
Trong ngày đám cưới của con trai, bà An đeo chiếc vòng vàng vào tay Nhi, xúc động nói:
- Đây là kỷ vật của ông bà nội con để lại. Nó đã bị thất lạc suốt hơn nửa thế kỷ, trước khi được mẹ con tìm thấy. Bây giờ mẹ giao nó lại cho con. Chúc cho hai con trăm năm hạnh phúc!
Bình luận (0)