Con trâu nhà ông Vạn - Truyện ngắn dự thi của Lục Mạnh Cường

14/08/2022 08:30 GMT+7

Một con gió thổi từ phía thung lũng lên. Mát rượi. Liêm dừng lại hít hà. Có mùi ngô non thơm dịu trong gió.

Cao nguyên đá đang mùa xanh mát. Ngô, cỏ voi và những loại cỏ khác đón những cơn mưa mùa hạ vươn lên xanh ngắt. Liêm xốc lại chiếc quẩy tấu. Con dao quắm đang lúc lắc bên hông. Hôm nay, bố mẹ đi vắng cả. Chị Dua bận ôn bài. Chị chuẩn bị thi vào lớp mười dưới huyện.

Liêm tạm biệt lớp sáu rồi. Liêm có cả mùa hè trên mảnh nương xanh biếc này. Hôm nay, Liêm lên nương chặt cỏ cho bò. Hai con bò nuôi nhốt trong chuồng. Mọi lần, những bó cỏ voi đều “chạy” từ trên nương về trên lưng của bố. Thế nhưng từ hôm qua, Liêm bảo với bố để mình chăm hai con bò. Bố cười: “Lưng con còn nhỏ lắm. Không đủ sức nuôi hai con bò đâu”. Liêm cũng cười: “Không sao. Con đi hai chuyến. Mỗi chuyến một bó cỏ là đủ rồi”. Vậy là chiều nay, Liêm lên nương thật sớm. Mặt trời mới đi hơn nửa đường một tí. Nắng vàng soi cái bóng tròn ủm dưới chân Liêm. Có tiếng sột soạt từ mảnh nương ngô bé của Liêm. Liêm lắng tai. Không nghe thấy gì. Có lẽ là tiếng gió. Liêm ngồi xuống, bỏ quẩy tấu khỏi lưng. Mảnh nương ngô bé này Liêm xin mẹ làm từ vụ trước. Mảnh nương nho nhỏ chỉ trồng được chừng nửa bơ hạt giống. Đất ở đây tốt. Ngô cho bắp to, chắc hạt. Đầu vụ này, trong tiết học trải nghiệm, cô bảo các bạn mang hạt giống đến lớp. Các bạn đổi hạt giống cho nhau đem về trồng. Liêm đổi với Dình được nửa bơ hạt giống ngô nếp trắng. Cô bảo: “Đây là giống ngô bản địa thơm, dẻo, rất ngon. Chỉ có điều bắp hơi bé, năng suất không cao. Vì thế nhiều người không muốn trồng. Cô sợ vài năm nữa, giống ngô bản địa này tuyệt chủng mất”. Giọng cô buồn buồn. Liêm đứng dậy, giọng chắc nịch: “Em sẽ nhân giống. Em trồng trên mảnh nương bé của em. Em lấy những bắp tốt nhất làm giống. Rồi em sẽ chia giống cho các bạn. Các bạn sẽ trồng trên những mảnh nương lớn. Rồi chúng em sẽ mang xuống chợ bán. Bán được nhiều tiền thì bố mẹ sẽ cho chúng em trồng. Không sợ các giống ngô lai chiếm hết đất sống của giống ngô này nữa…”. Cô giáo mỉm cười. Đôi mắt cô sáng rực. Cả lớp cũng cười.

minh họa: tuấn anh

Liêm đem giống ngô này về trồng trên mảnh nương nhỏ. Những mầm ngô xanh xanh nhú lên. Rồi cao ngang đầu gối. Liêm miệt mài làm cỏ, bón phân, bắt sâu. Nếu không phải nước quá hiếm, có lẽ Liêm còn gùi nước lên tưới cho nương ngô. Không phụ lòng Liêm, nương ngô lớn nhanh, tươi tốt. Chả mấy đã cao vượt đầu Liêm. Rồi ra hoa, ra bắp. Rồi bắt đầu kết hạt…

Chợt có tiếng sột soạt. Rồi răng rắc như tiếng thân ngô gãy… Liêm giật mình đứng dậy, chạy sâu vào nương ngô. Bàng hoàng. Một vùng ngô gãy rạp. Một con trâu đang ngấu nghiến nhai những thân ngô, lá ngô. Nó vừa nhai, vừa giằng, vừa giật. Thân hình to lớn quay ngang dọc. Bốn cái chân dẫm đạp lên những thân ngô bụ bẫm đang nằm rạp trên mặt đất. “Con quỷ! Tao giết mày…”. Liêm nghiến răng kèn kẹt. Con trâu quay lại.

Con trâu nhà ông Vạn. Liêm biết nó. Cái sợi dây thừng buộc mũi nó đang kéo lê trên mặt đất. Liêm túm lấy sợi dây giật mạnh. Con trâu phản kháng. Nó há mồm, đưa lưỡi ngoặm thêm một khóm ngô. Liêm cuộn dây thừng vào tay giật mạnh. Cuối cùng, con trâu cũng phải quay đầu đi theo Liêm. Liêm lôi nó ra buộc ở cây đào đầu nương. Liêm cố buộc thật cao, thật sát. Cái mũi con trâu bị kéo hếch lên phía cành đào. Liêm quay lại nương ngô. Gần nửa nương ngô gãy rạp. Những thân ngô bị gặm ngang nham nhở. Những bắp ngô non mập mạp rơi vãi trên đất. Liêm cuống cuồng đỡ những thân ngô lên. Nhưng chẳng thân ngô nào đứng thẳng được nữa. Liêm vừa buông tay là chúng đổ gục xuống. Đau đớn, thất vọng… Liêm ngồi bệt xuống. Những thân ngô non đang ứa nhựa. Nước mắt Liêm trào ra. Thương vườn ngô quá! Bao nhiêu công sức vất vả chăm sóc. Bao nhiêu hy vọng vào vườn ngô giống… Vậy mà giờ đây… Mắt Liêm nhòe đi. Những cây ngô cũng như đang khóc cùng với Liêm.

Lâu lắm Liêm mới đứng dậy. Liêm nhìn về phía con trâu. Liêm rút con dao quắm. Đôi mắt đầy thù hận. Một vết dao dọc trên mông trâu. Vết dao sâu hoắm. Vết thương làm phần thịt đỏ au phía trong lòi ra. Máu chảy ròng ròng ướt đẫm đùi trâu. Liêm rùng mình. Liêm buông con dao xuống. Con trâu vẫn đang ngoe nguẩy đuôi trước mặt Liêm. Nó không có vết thương nào. Vết thương đó là trên mông con bò nhà Liêm. Con bò mới lớn. Ông Vạn chém nó vì nó ăn một chút cỏ voi nhà ông. Liêm ôm cổ con bò khóc trong lúc bố khâu vết thương trên mông nó. Bố lấy thuốc sát trùng đổ lên vết thương cho con bò. Từ đó bố “nuôi bò trên lưng”. Bố không thả rông hai con bò nữa. Hằng ngày, bố cắt cỏ, gùi về nuôi bò. Bố không qua nhà ông Vạn chửi mắng như những người khác vẫn làm. Liêm hỏi bố tức giận không? Bố gật đầu. Liêm hỏi bố tại sao không chửi mắng, bắt đền. Bố chỉ cười. Bố nhỏ nhẹ: “Ông Vạn sống một mình. Chỉ có một con trâu làm bạn. Thằng con trai của ông ấy hư hỏng. Ông ấy không dạy được nó. Nó buôn thuốc phiện qua biên giới. Nó bị người ta bắn chết. Ông ấy buồn bã, cô đơn và trở nên cay nghiệt. Gia đình mình còn đủ người. Có bố mẹ, có hai con. Mình nên thương ông ấy nhiều hơn là ghét. Bố tin sự yêu thương của mọi người sẽ làm ông ấy thay đổi. Chỉ khi người ta không cô đơn, không hằn học thì mới hết cay nghiệt”. Liêm không hiểu lắm những điều bố nói nhưng tin ở cách làm của bố. Đôi khi, bố bảo Liêm đem cho ông Vạn mấy bơ gạo nếp mới xát hay một ít rau rừng… Liêm mang lên tận cầu thang cho ông. Liêm không sợ ông như trước nữa. Có lần ông còn cảm ơn nó.

Liêm nhìn về phía con trâu. Nếu như Liêm chém nó… Nó chẳng làm gì được Liêm đâu. Liêm buộc nó vào gốc đào chắc lắm. Nhưng nếu thế chắc nó đau… Như con bò nhà Liêm. Con bò khóc suốt. Nước mắt nó chảy mấy ngày liền. Liêm đau lòng mà chẳng biết làm sao. Mãi hơn hai tháng nó mới lành được… Con trâu này mà bị chém chắc nó sẽ chết thôi. Ông Vạn không biết chăm sóc nó như bố. Ông ấy sẽ đau lòng như Liêm lúc nhìn con bò bị chém ấy. Mà không phải tại ông ấy thả rông đâu. Con trâu này tuột thừng khỏi chỗ buộc thôi. Nó còn kéo thừng đến tận đây mà. Thôi, mình dắt về trả cho ông ấy vậy. Liêm thở dài đứng dậy thu dọn đám ngô. Liêm bẻ bắp bỏ vào quẩy tấu, bó thân ngô thành một bó lớn buộc ngang miệng quẩy tấu. “Coi như mình bẻ ngô sớm để luộc. Mình sẽ chia cho mỗi nhà một ít để thưởng thức hương vị đầu mùa. Hôm nay đãi hai chú bò ăn sang một chút. Thân ngô non thơm phức nhé bò…”.

Liêm vừa dắt con trâu ra khỏi nương thì gặp ông Vạn. Ông đang dáo dác ngó ngược xuôi. Ánh mắt ông hoảng hốt khi nhìn vào mảnh nương ngô nhỏ của Liêm. Liêm khẽ đưa dây thừng trâu vào tay ông. “Con trâu của ông bị tuột thừng, đi lạc. Cháu bắt được nên dắt về. Lần sau ông buộc cẩn thận. Nó đi lạc thì khó tìm lắm ông ạ”. Ông Vạn cầm lấy dây thừng từ tay Liêm. Môi ông mấp máy. Ông định nói gì rồi lại thôi. Liêm đặt quẩy tấu xuống lấy mấy bắp ngô ra, đưa cho ông. “Hôm nay cháu bẻ ngô về luộc. Giống ngô này bắp bé mà thơm, dẻo và ngọt lắm ông ạ. Cháu biếu ông mấy bắp. Ông cầm cho cháu vui, ông nhé”.

Liêm địu ngô ra về. “Cũng nên tự thưởng cho mình những bắp ngô ngon. Lát nữa mình đem ra nhà biếu cô giáo mấy bắp. Còn nửa nương ngô vẫn đủ chia cho các bạn làm giống mà”. Liêm cười khẽ. Gió sau lưng mát rượi. Liêm không biết, ông Vạn đang nhìn theo nó. Gương mặt khắc khổ của ông giãn ra. Hình như ông mỉm cười...

Gia hạn nhận bài dự thi SỐNG ĐẸP lần II đến hết ngày 30.9.2022

Được phát động từ ngày 26.3.2022, cuộc thi viết Sống đẹp lần II do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của Tôn Đông Á và One IBC, đã nhận được ngày càng nhiều bài dự thi chất lượng. Thời gian qua, nhiều câu chuyện người tốt việc tốt, những gương mặt truyền cảm hứng, những nghĩa cử vì cộng đồng đã được lan tỏa trên các kênh Báo Thanh Niên. Nhằm đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, BTC quyết định gia hạn nhận bài dự thi đến hết ngày 30.9.2022.

Cuộc thi tiếp tục là dịp để người Việt trong và ngoài nước gửi gắm, chia sẻ, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, tinh thần sống đẹp - quên mình, tình nguyện, xung phong, những nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, góp phần truyền dẫn thêm những năng lượng tích cực để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt, lần này có thêm một thể loại dự thi là truyện ngắn.

Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam (không giới hạn độ tuổi) đều có thể tham dự gửi bài viết. CBCNV, cộng tác viên Báo Thanh Niên và đơn vị tài trợ được tham gia hưởng ứng và nhận nhuận bút theo quy định nhưng không được xét giải.

Thể loại:

- Ký sự, phóng sự, ghi chép

- Truyện ngắn

Nội dung bài viết dự thi:

- Với thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép: Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực.

- Với thể loại truyện ngắn: Được sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc, nghĩa cử... có thật hoặc hư cấu; nội dung lan tỏa cảm hứng sống đẹp.

Quy cách bài viết dự thi:

- Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) dưới 1.600 chữ với phóng sự/ký sự/ghi chép và dưới 2.000 chữ với truyện ngắn;

- Bài viết dự thi thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép bắt buộc phải có hình ảnh hoặc video nhân vật kèm theo; với thể loại truyện ngắn khuyến khích gửi kèm hình minh họa, chú thích rõ nguồn;

- Bài viết dự thi (bao gồm cả hình ảnh/video, hình minh họa) là sáng tác chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào, chưa được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi cuộc thi kết thúc;

- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và không vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam;

- Bài viết có thể đánh máy, in trên giấy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4;

- Bài viết gửi về phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại;

- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài viết, ở cả 2 thể loại nhưng phải thống nhất chỉ họ tên hoặc bút danh.

Hình thức gửi bài dự thi: Gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep2022@thanhnien.vn hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết SỐNG ĐẸP 2022); thời hạn: đến hết ngày 30.9.2022.

Giải thưởng:

* Với thể loại: Ký sự, phóng sự, ghi chép

- Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:

01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.

02 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.

03 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.

05 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

01 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng

01 giải bài viết truyền cảm hứng Sống đẹp (có thể không dành riêng nhân vật nào): Trị giá 5.000.000 đồng

- 05 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.

* Với thể loại: Truyện ngắn

01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.

01 giải nhì: Trị giá 20.000.000 đồng.

02 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.

04 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.