Sống thẳng - Truyện ngắn dự thi của Phan Thị Nhung

12/06/2022 08:30 GMT+7

Quăng cái nón ở cuối hiên, chị Ngân đi vào trong nhà. Mười một rưỡi, mới chớm hè mà trời oi nồng oi nặc. Cái thứ thời tiết ngày nắng chiều tối mưa giông thế này, những người đi làm cỏ thuê như chị càng thấy nhọc nhằn.

Ngoài bãi đê giáp sông Hồng, người ta trồng những bãi cỏ voi cao ngút đầu người, rồi thuê cánh đàn bà trong làng không đi làm công nhân, cắt bỏ xuống ao cho cá ăn. Nói là cắt cỏ thuê, chứ cả cho lợn trại ăn, phát quang bờ bụi, dọn dẹp nhà cửa cho chủ đầm cũng phải làm cả. Tính ngày công 120 ngàn đồng, không bằng công nhân da giày, nhưng ai người ta tuyển những người như chị Ngân nữa, đã ngót bốn mươi, mắt nhìn đường kim may không còn rõ. Mồ hôi khô bết vào trán, cái áo bay bị cỏ voi xẻ rách vạt, chị với tay lấy chiếc ấm nhôm để chỏng chơ giữa nhà, sáng giờ ăn lưng bát cơm nguội đi làm từ năm rưỡi nên khát không để đâu cho hết. Ấy thế mà cái ấm đến một giọt nước cũng không còn. Ngó vào trong buồng, chị giật mình thấy màn chưa vắt lên, thằng con năm nay lớp mười một thế nào vẫn còn nằm thu lu trên giường.

- Ô hay, Quang! Sao mày còn chưa dậy hả con? Sao lại không đi học?

- Con đau đầu, con không muốn đi học!

Tiếng nó khàn đục, vốn cái thằng đang tuổi vỡ giọng, nghe đã ồm ồm, nay ốm càng thêm nặng. Ngoài cổng, có tiếng chí chóe của thằng Cương lớp 5 và con bé Nga lớp 2 vừa đi học về, nắng nôi thế mà không đứa nào mũ nón gì cả, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chạy liến thoắng vào trong nhà. Vớ lấy cái ấm nhôm đưa lên mồm tu lấy tu để, thấy không có nước, con bé phụng phịu:

Minh họa: Tuấn Anh

- Hết nước à mẹ ơi?

Chị không đáp lời con, lẳng lặng đi vào bếp đun nước, thổi cơm. Không rõ là mồ hôi hay nước mắt, cay xè cả sống mũi. Lúc mới sinh con bé Nga, nó hãy còn được sung sướng chiều chuộng lắm. Chồng chị, anh Kiên, khi ấy là tay buôn trái cây. Mùa nào thức ấy, giáp tết thì đánh hàng cam quýt táo, giữa năm thì buôn cau. Anh siêng năng, chịu khó, giỏi tính toán, chỉ có con xe Wave cũ mà len lỏi khắp chỗ. Người anh cũng vì thế mà đen quắt, gầy gò nhưng khỏe. Cái nghề trèo cau, nguy hiểm nhưng công cao, ngày có khi lãi bạc triệu. Anh chị có với nhau hai thằng con trai đầu, rồi cố thêm mụn con gái nữa là vuông tròn đủ nếp đủ tẻ. Nhà cửa cũng sắm sửa đâu ra đấy, nóng lạnh điều hòa, mỗi con một phòng rộng rãi, hàng xóm người khen anh chị khéo, người bảo số chị tươm. Rồi một ngày, đầu năm 2020, ông anh họ tận trên Hòa Bình về rủ rê anh đầu tư vào lan đột biến. Chẳng những anh, đến chị còn ham. Mà cũng chẳng riêng gì anh chị, cả cái làng này quay cuồng theo cơn sốt lan đột biến. Đám cưới đám xin, chỗ nào có cỗ bàn, câu chuyện của dân trong làng đều xoay quanh cơn sốt “cổ phần”. Một kie lan đột biến, chỉ như cái mầm khoai mà năm sáu trăm triệu, một người không đủ vốn mua, thì anh em rủ nhau góp vốn, góp “cổ phần”, vài ngày sau giá đã đẩy lên cả tỉ. Người ta bán một tỉ rồi người ta lại xoay vòng mua tiếp những loài lan với cái tên kiêu sa hơn: Năm cánh trắng đại ngàn, bạch tuyết… giá những tỉ mấy. Những người nông dân vốn chỉ quanh năm buôn thúng bán mẹt, ngày công một vài trăm ngàn mà giờ nói chuyện tiền tỉ như cách người ta đếm củ khoai, bơ thóc. Tiền như có ma lực, thắng đậm mấy vụ lướt sóng lan, lãi ba bốn trăm triệu, bằng tiền công đi hái cau cả vài năm trời, anh chị còn cắm sổ đỏ, chơi tất tay, thuê người làm giàn lan. Anh bỏ công bỏ của theo người anh em họ lên tận mạn Phú Thọ săn tìm những giống lan đột biến mới. Rồi cuối năm 2021 cơn sốt sập, anh chị cũng như nhiều người nông dân trong cái làng này không kịp tin rằng có một ngày những kie năm cánh trắng còn treo đầy trong giàn lan của anh sẽ rớt từ tiền tỉ xuống rẻ như mớ rau muống. Mất trắng, mất cả sổ đỏ, anh chị phải về ở tạm gian nhà cấp bốn của bố mẹ. Anh lao vào rượu mấy tháng nay. Tuần trước, anh phải vào bệnh viện huyện lúc giữa đêm, gan phù to, thận suy. Ra viện mấy hôm rồi mà người hãy còn phờ phạc, mệt mỏi. Nhưng anh kinh rượu hẳn, không dám động vào một giọt nào. Anh vốn cũng không phải tay nghiện rượu.

Chị Ngân bê mâm cơm đặt giữa nhà. Thằng Quang uể oải chưa chịu ra khỏi giường. Anh Kiên đã đi đâu về, cái dáng nhỏ thó, đen đúa, và khuôn mặt trầm ngâm, cầm cái đũa lên lại buông xuống, ngồi bó gối.

- Hay là thôi, anh đừng cố nghe ngóng hy vọng nữa. Làm gì có ai ở cái xã này bán được giò nào. Người ta tỉnh hết ra rồi, chả ai dại vào lan bây giờ.

Anh gắt lên:

- Còn đầy nhà như nhà mình, chết làm sao được! Nói như mẹ mày.

Câu chuyện bỏ dở, không ai thêm câu nào. Hai đứa nhỏ cắm cúi ăn. Chúng nó quen dần với những bữa cơm không còn thịt cá, và bố đâm ra cáu kỉnh thường xuyên. Chị đi vào giường thằng Quang, gặng hỏi sao con không ra ăn cơm. Thằng bé vốn ngoan, ít nói, từ ngày nhà có chuyện nó càng lầm lì hơn.

Đêm đã khuya lắm, tiếng ve râm ran càng làm lòng người thêm sốt ruột. Thấy chồng còn cựa mình chưa ngủ, chị khe khẽ:

- Tối mai họp xóm, em nghĩ rồi. Em sẽ xin không nhận hộ nghèo nữa. Em trả sổ cho ông xóm trưởng.

- Ô hay, mẹ mày gàn dở. Đầu năm đỡ được tiền mua ba cái thẻ bảo hiểm cho ba đứa, hôm rồi tôi đi viện cũng đỡ bao nhiêu. Tiền học phí cũng giảm được một nửa đấy thây.

Chị trào nước mắt:

- Việc trả sổ hộ nghèo, em đã suy nghĩ kỹ rồi anh ạ. Sáu bảy tháng nay rồi, mình cứ ôm mãi cái giàn lan, dù mình thừa biết nó chết hẳn rồi. Hôm nay thằng Quang nó không đi học, nó bảo với em nó xấu hổ đấy mình ạ. Hôm mình đi viện, người ta chụp ảnh nhà mình lên trên Facebook, người ta kêu gọi từ thiện. Rồi bữa trước có cái công ty gì về trao quà cho học sinh nghèo, người ta gọi con mình lên, bảo bỏ khẩu trang ra chụp ảnh. Ngày xưa bằng tuổi con, mà phải mặc quần áo rách đi học, mình cũng xấu hổ lắm chứ.

Chị thổn thức một hồi lâu. Từ khóe mắt nhăn nheo của người đàn ông, hai hàng nước mắt cũng chảy ra. Chị biết chồng đang lắng nghe, chị ngồi hẳn dậy:

- Em còn sức khỏe, em đi làm thuê được. Tối về em nhận đan thêm bèo tây chỗ chị Hảo nữa. Em xấu hổ vì em còn sức khỏe mà phải ngửa tay nhận sự giúp đỡ của xã hội. Em xấu hổ, vì em làm mẹ mà để con phải xấu hổ. Lúc mình cưới, mình cũng tay trắng. Anh cũng từ làm lụng mà xây được nhà được cửa cho mẹ con em. Anh cũng từng trèo bao nhiêu gốc cau, đánh bao nhiêu chuyến hoa quả để các con được ăn được học. Mình mất mát nhiều, nhưng mình còn đôi bàn tay lao động. Em muốn đứng thẳng lưng mà sống để các con noi theo.

Cả đêm ấy, hai vợ chồng không ngủ. Tiếng đồng hồ chậm chạp từng khắc qua đi. Rất lâu. Cả nửa đời người lam lũ cứ như hiện ra trước mắt anh, rõ từng ly từng tí, bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu sương gió. Tận đến gần sáng, mệt quá chị mới thiếp đi. Đến khi có tiếng gà gáy, chị nghe tiếng chồng gọi:

- Mình dậy nấu cơm cho con ăn đi học đi. Tôi tra dầu lại cho cái xe máy, vào mùa cau rồi. Nay tôi đi mua cau đây mình. Thằng Quang dậy đi học đi con, nghỉ hôm qua thôi, nay phải đi học lại. Sắp thi cuối năm rồi đấy nhỉ. À, nay mình nghỉ buổi làm đi, gọi người vào dỡ cho tôi cái giàn lan đi. Cân theo sắt vụn mà bán.

Chị Ngân vội vã búi lại mái tóc rối, thoăn thoắt ra khỏi giường. Nắng đã sắp chiếu xiên mặt người.

Thể lệ: Cuộc thi viết chủ đề SỐNG ĐẸP lần II

Tiếp nối thành công từ cuộc thi viết Sống đẹp năm 2021, Báo Thanh Niên tổ chức cuộc thi Sống đẹp lần II - 2022, với sự đồng hành của hai thương hiệu Tôn Đông Á và One IBC.

Cuộc thi tiếp tục là dịp để người Việt trong và ngoài nước gửi gắm, chia sẻ, lan tỏa những câu chuyện nhân văn, tinh thần sống đẹp - quên mình, tình nguyện, xung phong, những nghĩa cử “thương người như thể thương thân”, góp phần truyền dẫn thêm những năng lượng tích cực để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đặc biệt lần này có thêm một thể loại dự thi là truyện ngắn.

Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam (không giới hạn độ tuổi) đều có thể tham dự gửi bài viết. CBCNV, cộng tác viên Báo Thanh Niên và đơn vị tài trợ được tham gia hưởng ứng và nhận nhuận bút theo quy định nhưng không được xét giải.

Thể loại:

- Ký sự, phóng sự, ghi chép

- Truyện ngắn

Nội dung bài viết dự thi:

- Với thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép: Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực.

- Với thể loại truyện ngắn: Được sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc, nghĩa cử... có thật hoặc hư cấu; nội dung lan tỏa cảm hứng sống đẹp.

Quy cách bài viết dự thi:

- Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) dưới 1.600 chữ với phóng sự/ký sự/ghi chép và dưới 2.000 chữ với truyện ngắn;

- Bài viết dự thi thể loại ký sự, phóng sự, ghi chép bắt buộc phải có hình ảnh hoặc video nhân vật kèm theo; với thể loại truyện ngắn khuyến khích gửi kèm hình minh họa, chú thích rõ nguồn;

- Bài viết dự thi (bao gồm cả hình ảnh/video, hình minh họa) là sáng tác chưa tham gia bất kỳ cuộc thi nào, chưa được in vào tập sách riêng của tác giả và các tuyển tập chung cho đến khi cuộc thi kết thúc;

- Sử dụng ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và không vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam;

- Bài viết có thể đánh máy, in trên giấy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4;

- Bài viết gửi về phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại;

- Mỗi tác giả có thể gửi nhiều bài viết, ở cả 2 thể loại nhưng phải thống nhất chỉ họ tên hoặc bút danh.

Hình thức gửi bài dự thi: Gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep2022@thanhnien.vn hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết SỐNG ĐẸP 2022); thời hạn: đến hết ngày 31.7.2022.

Giải thưởng:

*Với thể loại: Ký sự, phóng sự, ghi chép

- Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:

01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.

02 giải nhì: Mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.

03 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.

05 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.

01 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Trị giá 5.000.000 đồng

01 giải bài viết truyền cảm hứng Sống đẹp (có thể không dành riêng nhân vật nào): Trị giá 5.000.000 đồng

- 05 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.

* Với thể loại: Truyện ngắn

01 giải nhất: Trị giá 30.000.000 đồng.

01 giải nhì: Trị giá 20.000.000 đồng.

02 giải ba: Mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.

04 giải khuyến khích: Mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.