Chiếm đoạt, ăn chặn tiền cứu trợ, có bị pháp luật xử lý ?

Phan Thương
Phan Thương
22/10/2020 14:22 GMT+7

Lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm cứu trợ người dân vùng lũ, kẻ gian đã chiếm đoạt, ăn chặn tiền cứu trợ khiến dư luận bức xúc

Hiện Công an H.Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) đang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông để điều tra một người có hành vi chiếm đoạt tiền của gia đình nạn nhân Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế).
Chị Lê Thị Thu Thảo (24 tuổi, ở xã Nam Nung, H.Krông Nô, Đắk Nông) cho biết chị đã đến Công an H.Krông Nô trình báo về việc bị kẻ xấu lừa gạt, chiếm đoạt tiền hỗ trợ, cứu trợ trong tài khoản.
Chị Thảo là vợ anh Trần Văn L. (25 tuổi, trú xã Nam Nung), một trong hai người tử nạn trong sự cố thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) mới được tìm thấy đầu tiên
Theo chị Thảo trình bày, ngày 20.10, một người đàn ông gọi điện hỏi thăm, chia buồn cùng gia đình chị Thảo, người đàn ông ở đầu dây bên kia gửi vào tin nhắn kèm một đường link và đề nghị chị nhập thông tin để gửi tiền ủng hộ.
Trong lúc đang đau buồn vì chồng mất, nên chị Thảo không để ý và làm theo hướng dẫn của người đàn ông kia. Không ngờ, chỉ sau vài phút, chị Thảo bị mất 100 triệu đồng trong tài khoản. 
Thời gian qua, nhiều trường hợp chiếm đoạt, ăn chặn tiền cứu trợ cũng đã bị báo chí, cơ quan chức năng phanh phui, xử lý.

Có thể bị xử lý hình sự

Về hành vi chiếm đoạt, ăn chặn tiền cứu trợ của nạn nhân do thiên tai, lũ lụt, nhiều chuyên gia pháp luật khẳng định đó là hành vi bị phạm luật nghiêm cấm, sẽ bị xử lý.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), để câu chuyện thiện nguyện càng tốt đẹp hơn, việc công khai, minh bạch sử dụng số tiền cũng sẽ được người dân lưu tâm. Nếu không, những người liên quan có thể sẽ vướng vào những vấn đề pháp lý.
Cụ thể, luật sư Tuấn cho biết hành vi chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, căn cứ theo quy định tại Điểm c Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, luật sư Tuấn còn cho rằng tùy theo tính chất và mức độ của hành vi chiếm đoạt thì xử lý có khác nhau, ví dụ mục đích kêu gọi, huy động tiền, hàng…đối với cá nhân, sau đó nhằm chiếm đoạt hết thì hành vi đó có thể phạm vào “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có mức án cao nhất là từ 20 đến chung thân.
Tương tự, với hành vi ăn chặn tiền cứu trợ, luật sư Nguyễn Minh Cảnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng nếu tiền ăn chặn từ 2 triệu đồng trở lên thì người chiếm đoạt có thể bị xử lý về tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư Cảnh cho biết công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản mà không dùng đến vũ lực hay bất cứ thủ đoạn nào nhằm đe dọa, uy hiếp để chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.