Chiêm ngưỡng sự độc đáo của ma nhai trong lòng hang động ở Ngũ Hành Sơn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
30/11/2022 14:27 GMT+7

Tồn tại suốt khoảng 400 năm trong hệ thống hang động ở Ngũ Hành Sơn, ma nhai (văn tự được khắc lên vách đá) ngoài mang những giá trị về văn hóa, lịch sử còn ẩn chứa trong mình vẻ đẹp độc đáo qua từng nét chữ cổ.

Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là MOWCAP) diễn ra từ ngày 23 – 26.11 tại Andong (tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc) chính thức được công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng, Việt Nam là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo hồ sơ di sản, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế với nhiều thể loại, như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn là di tích được Thủ tướng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 12.2018 đang sở hữu kho tàng ma nhai chứa đựng nhiều giá trị

HOÀNG SƠN

Các ma nhai có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến tận thập niên 60 của thế kỷ 20. Đó là nguồn tư liệu quý, có giá trị được giới nghiên cứu từ trước đến nay quan tâm.

Ẩn chứa trong nguồn di sản tư liệu này là hệ giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Mỗi giá trị là sự khẳng định nét văn hóa Việt Nam trong tầng sâu tâm thức của cư dân bản địa.

Qua khảo sát số lượng ma nhai hiện lưu tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, ngành văn hóa TP.Đà Nẵng thống kê được có 78 tư liệu ma nhai. Cụ thể, tại động Hoa Nghiêm có 20 ma nhai, trong đó có 15 ma nhai đọc được nội dung và 5 ma nhai bị mờ chữ; động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai, tuy nhiên chỉ có 15 ma nhai còn đọc được, có 9 ma nhai quá mờ và 6 ma nhai bị bôi trát bởi xi măng và sơn; tại động Tàng Chơn có 20 ma nhai trên vách đá; tại động Vân Thông có 2 ma nhai…

Thanh Niên mời độc giả chiêm ngưỡng vẻ đẹp, sự độc đáo của các ma nhai bên trong hang động ở danh thắng Ngũ Hành Sơn:

Nhắc đến ma nhai Ngũ Hành Sơn phải kể đến đầu tiên là Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc của thiền sư Huệ Đạo Minh được khắc bản năm Tân Mùi (1631). Đây là ma nhai được giới nghiên cứu nhận định được khắc sớm nhất tại danh thắng Ngũ Hành Sơn

HOÀNG SƠN

Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc có nội dung: tỳ kheo Huệ Đạo Minh ở xã Du Xuyên, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa đứng ra hưng công trùng tu chùa trên núi Ngũ Uẩn (Ngũ Hành Sơn), sau đó ghi chép bài ký để lưu lại dấu tích vào năm 1631

HOÀNG SƠN

Tại động Vân Thông còn có bức ngự bút của vua Minh Mạng vào năm 1837 với kiểu chữ Chân rất đẹp

HOÀNG SƠN

Ma nhai được đánh giá có giá trị nhất nhì tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là Phổ Đà sơn linh trung Phật

HOÀNG SƠN

Ma nhai này có nội dung: thiền sư Huệ Đạo Minh, người xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia đã đứng ra chủ trì hưng công trùng tu tôn tạo chùa Phật trên núi Phổ Đà (Ngũ Hành Sơn) và chùa Bình An ở dưới núi. Thiện nam, tín nữ đóng góp rất nhiều, trong đó có một số người Nhật Bản, Trung Quốc và các nơi khác; thời gian khởi tạo năm Canh Thìn (1640)

HOÀNG SƠN

Thác bản ma nhai Phổ Đà sơn linh trung Phật cho thấy rõ nhất ma nhai này mang kiểu thức trang trí đậm dấu ấn thời Chúa Nguyễn. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu ma nhai ở Việt Nam thì “đây là hệ hoa văn trang trí mang đặc trưng mỹ thuật thời Lê Trung Hưng tinh xảo và đặc sắc nhất so với tất cả bia ma nhai tại các di tích thuộc Bắc bộ và Bắc Trung bộ mà chúng ta từng gặp”

BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Các chuyên gia đang tiến hành in rập thác bản ma nhai Ngũ Hành Sơn

BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Tại động Hoa Nghiêm của danh thắng Ngũ Hành Sơn có 20 ma nhai, trong đó có 15 ma nhai đọc được nội dung. Niên đại khắc bản cũng khá đa dạng, qua nhiều thời kỳ. Sớm nhất ở hang động này là ma nhai Phổ Đà sơn linh trung Phật (khắc bản năm 1640); muộn nhất là ma nhai Phụng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát tôn tượng (Phật lịch 2518 - Ất Mùi 1955)

HOÀNG SƠN

Đa phần văn khắc được viết bằng chữ Chân (Khải), có một số văn bia viết theo lối chữ Chân đá Hành

HOÀNG SƠN

Ma nhai trên vách đá động Tàng Chơn hiện có 20 cái, trong đó có 15 bia có chữ khắc rõ. Ma nhai có niên đại sớm nhất là Nam Bảo Đài hinh bi được tạo tác vào thời chúa Nguyễn (trước thế kỷ thứ 18)

BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Ma nhai Linh Nham Động (ngự bút vua Minh Mạng)

BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.