Chiến binh đường đua xanh

26/07/2023 08:00 GMT+7

Từ thầy giáo dạy lịch sử đến vận động viên bơi lội tranh tài tại đấu trường quốc tế là cả một hành trình dài vượt qua nghịch cảnh của kình ngư Hán Quang Thoại (34 tuổi, sống tại TP.HCM).

Đôi chân teo tóp không ngăn nổi giấc mơ

Năm 3 tuổi, chân phải của anh Thoại bị teo cơ do di chứng của cơn sốt bại liệt. Lúc bấy giờ, mỗi ngày bố mẹ phải thay phiên nhau đạp xe hơn 20 km để chở anh đến bệnh viện châm cứu. Nhưng rồi, gia đình cũng đành bất lực buông xuôi vì kinh tế eo hẹp, chi phí cho quá trình châm cứu chỉ đủ sức cầm cự 1 tháng.

Không đầu hàng số phận, anh vẫn cố gắng hoàn thành con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Đồng Tháp, anh vào làm việc tại một công ty trong Khu công nghệ cao TP.HCM khoảng 3 năm rồi chuyển sang làm giáo viên THCS môn lịch sử. Sau khi tình cờ xem được những video kể về hành trình chinh phục đường đua xanh của những người khuyết tật, khát khao bơi lội bắt đầu nhen nhóm trong anh.

Chiến binh đường đua xanh - Ảnh 1.

Vì đam mê bơi lội, anh Hán Quang Thoại từ bỏ nghề để dành toàn thời gian tham gia đường đua xanh

NVCC

"Họ thậm chí có hoàn cảnh éo le hơn tôi nhưng vẫn đạt được ước mơ. Vì vậy tôi quyết tâm trở nên mạnh mẽ giống họ", anh Thoại nói và tiết lộ bản thân lấy hình mẫu Nick Vujicic làm động lực cố gắng. Tự học từ những clip hướng dẫn dạy bơi trên internet, anh cứ thế siêng năng tập luyện đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu trong 3 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, để tăng cường thể lực, anh tích cực tập gym mỗi ngày vào buổi chiều tối.

Thời gian đầu, do sử dụng tay để bơi là chủ yếu nên anh Thoại không tránh khỏi việc bị đau vai dẫn đến nhiều lúc đêm về toàn thân nhức mỏi, không ngủ được. "Với tôi, khó khăn nhất là bơi ếch vì kiểu bơi này đòi hỏi chân đạp ra, co vào liên tục. Có lúc chỉ bơi được 15 m là tôi đã đuối sức", anh nhớ lại. Tuy vậy, với quyết tâm cao độ, anh Thoại đã thuần thục 4 kiểu bơi chính chỉ sau 1 tháng khổ luyện.

Cũng vào thời điểm đó, anh Thoại được một người bạn giới thiệu với HLV cho đội tuyển bơi thành phố tại hồ bơi Trung tâm văn hóa thể thao Tân Bình, TP.HCM là anh Phạm Đình Minh. Sau khi trải qua bài kiểm tra và được nhận vào đội tuyển, anh Thoại đã có cơ hội thi đấu lần đầu tiên tại Giải bơi người khuyết tật toàn quốc năm 2020 và đạt được 4 HCB. Anh Minh đánh giá kết quả này hoàn toàn xứng đáng và cho biết: "Tuy đến với bơi lội khá muộn nhưng Thoại là người có tinh thần cầu tiến, biết học hỏi các bạn trong đội tuyển và luôn nghiêm túc theo sát giáo án tập luyện tôi đề ra". Cũng tại mùa giải năm 2022, anh Thoại tiếp tục "gặt hái" 2 HCV và 3 HCB.

Chiến binh đường đua xanh - Ảnh 2.

Anh đạt được nhiều thành tích ấn tượng ở 2 mùa Giải bơi người khuyết tật toàn quốc

Không ngại liều lĩnh

Không dừng lại ở bể bơi, anh Thoại mạnh dạn bứt phá ở không gian mở như sông, hồ. Bằng chứng, sau khi trở thành thành viên trong một CLB bơi lội ở Hà Nội, anh đã có dịp thử sức bơi cự ly 10 km ở hồ Hòa Bình (TP.Hòa Bình) và bơi cự ly 8 km ở sông Hồng (TP.Hà Nội).

Cũng từ đây, anh bày tỏ ý định thực hiện chặng bơi dài 35 km từ vịnh Vĩnh Hy đến bãi biển Bình Sơn (Ninh Thuận) vì muốn vượt qua giới hạn của bản thân ngay trên vùng đất quê hương. "Nhiều người sau khi nghe liền bảo tôi hoang tưởng và sẽ thất bại, nhưng chính những thành viên trong CLB lại ủng hộ và hứa sẽ đồng hành cùng tôi trên hành trình ấy", anh bộc bạch.

Với Thoại, chuyến hành trình hiểm nguy vào đêm tháng 7 năm ngoái đã trở thành cột mốc quan trọng trong cuộc đời anh. Anh chia sẻ: "Khi bơi được 8 km, tôi đã chóng mặt và nôn mửa rất nhiều nên nghĩ đến chuyện sẽ từ bỏ. Nhưng khi nhìn những anh chị trong đội, tôi lại dặn lòng phải gắng sức đến cùng mặc cho những vật cản như sứa biển, dòng chảy xa bờ vẫn đang trực chờ tôi. Và rồi, khoảnh khắc đặt chân lên cát sau 17 tiếng đồng hồ vật vã trên biển khiến tôi thực sự vỡ òa".

Ngoài ra, từ khi "nặng lòng" với đường đua xanh, đầu năm 2022, anh đã từ bỏ công việc trên ghế nhà trường để chuyển sang dạy bơi lội. Tuy mất đi nguồn thu nhập ổn định nhưng anh không hối hận vì nhờ vậy bản thân mới có thể sống hết mình với đam mê.

Vươn ra quốc tế

Đầu năm 2023, hay tin mình có cơ hội gia nhập vào Đội tuyển bơi lội người khuyết tật VN để chinh chiến tại ASEAN Paragames 12 diễn ra vào tháng 6 vừa rồi ở Campuchia, anh Thoại không khỏi vui sướng và dành toàn bộ tâm sức để trui rèn bản thân tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng.

Dù bị sốt cao trước ngày thi đấu, anh vẫn xuất sắc đoạt 4 tấm HCĐ. Không chỉ góp phần làm rạng danh màu cờ sắc áo của Tổ quốc, mà còn là bước đệm để anh tiếp tục chinh phục thành tích cao hơn ở mùa giải sau tại Thái Lan.

Hiện anh đang miệt mài tập luyện cho Giải bơi người khuyết tật toàn quốc 2023 diễn ra tại Cần Thơ vào đầu tháng 8. Anh tự nhận từ ngày gắn bó với bơi lội, bản thân trở nên dạn dĩ và tự tin hơn, không còn mặc cảm vì khiếm khuyết cơ thể như trước. "Cuộc sống mỗi người luôn đầy những khó khăn, nhưng nếu lạc quan và giữ được tinh thần thép, chắc chắn mọi thách thức đều có thể vượt qua", anh tâm niệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.