Chiến dịch tranh cử tổng thống khác thường ở Pháp

Lan Chi
Lan Chi
10/04/2022 10:00 GMT+7

Khởi động trầm lắng nên càng gần ngày 10.4 (là ngày bỏ phiếu vòng 1), các ứng cử viên Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022 - 2027 càng “chạy nước rút” tiếp xúc cử tri.

Ngày 5.4, ứng viên Jean-Luc Mélenchon của đảng Nước Pháp không khuất phục (FI, cánh tả) tổ chức cuộc mít tinh lớn ở TP.Lille. Cùng lúc, ông cũng “xuất hiện” ở 11 thành phố khác của Pháp nhờ công nghệ ảnh toàn ký (kỹ thuật tái dựng hình ảnh 3 chiều). Bằng cách “phân thân”, ông Mélenchon muốn gây ấn tượng và tận dụng mọi phương thức.

Trong khi đó, 11 ứng viên khác cũng gấp rút không kém, đặc biệt là hai người đang dẫn đầu với khoảng cách tương đối an toàn trong các thăm dò, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron (đảng Cộng hòa Tiến lên - LREM) và bà Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN).

Bà Le Pen đang bám sát đương kim Tổng thống Macron khi ngày bỏ phiếu vòng 1 cận kề

Reuters

Sở dĩ các bên đều tranh thủ từng phút từng giây vì đến những ngày cuối cùng trước khi các phòng phiếu mở cửa, thăm dò của Viện Ipsos cho thấy có 28% số người được hỏi tỏ ý sẽ không đi bầu. Đặc biệt, trong số những người “chắc chắn đến phòng phiếu”, có đến 30% vẫn chưa biết sẽ chọn ứng viên nào.

Từ tăng tốc đến biến động

Tờ Le Monde dẫn lời Phó giám đốc Viện Ipsos Brice Teinturier nhận định: “Chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp 2022 quả thật rất khác thường. Các ứng viên khá im ắng trong giai đoạn mở đầu, nên công chúng cũng bắt nhịp chậm hơn”.

Nhiệm kì 2 vẫy gọi Tổng thống Pháp Macron

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này. Trước tiên là đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020, 2021 gần như đã làm “đóng băng” các cuộc tranh luận về chính trị vẫn thường thấy trong chính trường Pháp. Hầu như thời gian đó, mọi chủ đề khác đều trở nên nguội lạnh vì toàn xã hội chỉ tập trung vào mối quan tâm duy nhất là y tế. Đến khi vắc xin đã giúp khống chế tình hình dịch bệnh thì người Pháp muốn bù lại giai đoạn bị hạn chế nhiều sinh hoạt và phong tỏa vì Covid-19 bằng cách dành thời gian cho gia đình và cho bản thân. Chiến sự nổ ra ở Ukraine từ cuối tháng 2 cũng góp thêm phần pha loãng sự tập trung của cử tri dành cho cuộc đua vào Điện Élysée.

Vì thế, khi các ứng cử viên thật sự “tăng tốc” thì chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp đã có nhiều biến động và khiến sự cạnh tranh giữa hai vị trí dẫn đầu trở nên rất quyết liệt.

Covid-19, thất nghiệp và Ukraine

Ông Macron bước vào cuộc bầu cử để nhắm đến nhiệm kỳ thứ 2 với khá nhiều thuận lợi. Liên quan việc ứng phó với Covid-19, giai đoạn đầu của đại dịch, chính phủ Pháp cũng tỏ ra lúng túng và chịu nhiều chỉ trích khi số ca nhiễm và ca tử vong rất cao. Tính đến cuối tháng 12.2020, nước này có khoảng 2,6 triệu người nhiễm và hơn 64.000 người chết vì SARS-CoV-2, theo Reuters.

20 giờ ngày 10.4 (giờ Pháp, tức 1 giờ ngày 11.4, giờ VN), kết quả bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 sẽ được công bố. Tuy không loại trừ khả năng có thể xảy ra bất ngờ, nhưng các chuyên gia đều dự đoán ông Macron và bà Le Pen sẽ đoạt số phiếu cao nhất trong số 12 ứng viên để vào vòng 2.

Đầu năm 2021, Pháp cũng khá chậm chân so với Mỹ trong việc mua vắc xin, nhưng khi đã có đủ lượng vắc xin cần thiết và để đẩy nhanh tỷ lệ chủng ngừa, chính phủ của ông Macron đã tỏ ra cứng rắn khi áp dụng “giấy thông hành y tế” (chứng nhận đã tiêm chủng đủ số liều hoặc có xét nghiệm âm tính với siêu vi Corona) từ tháng 7.2021. Biện pháp này đã làm những ai còn chần chừ nhanh chóng đổi ý, chấp nhận tiêm ngừa và theo nghiên cứu của Ủy ban Phân tích kinh tế Pháp (CAE), đã giúp giảm được 4.000 ca tử vong. Sau vài tháng áp dụng, các cuộc thăm dò cũng cho thấy phần lớn dân Pháp ủng hộ giấy thông hành y tế.

Kế đến, Tổng thống Macron đã ghi được một “bàn thắng” cực kỳ quan trọng hồi giữa tháng 2 vừa qua, khi Viện Thống kê và Nghiên cứu quốc gia Pháp (INSEE) công bố số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Pháp là 7,4%, thấp nhất kể từ 15 năm qua, trong đó riêng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm từ 15 - 24 tuổi là 15,9%, điều chưa từng thấy kể từ năm… 1981.

Những cuộc gặp, điện đàm của Tổng thống Macron với Moscow và Kiev liên quan tình hình Ukraine đã thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo trẻ, năng động trong các vấn đề đối ngoại. Tỷ lệ ủng hộ ông tiếp tục tăng. Theo đà đó, thăm dò của các viện Ipsos - Sopra Steria cho Le Monde vào đầu tháng 3 cho thấy ông Macron là ứng viên có số phiếu bầu chiếm tỷ lệ cao nhất ở vòng 1, đạt 30,5%, hơn khá xa so với người xếp thứ hai là bà Le Pen (14,5%).

“Cực hữu nhu mì”

Tuy nhiên, hệ quả của cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến những gì thiết thực nhất của họ: giá xăng dầu, khí đốt, thực phẩm và nhiều mặt hàng khác cùng tăng... Nhiều người dân sống ở các khu vực nông thôn, ít phương tiện giao thông công cộng, phải đi làm xa bằng xe cá nhân đã phải tính toán lại hành trình di chuyển để tiết kiệm năng lượng.

Đó chính là thế mạnh của bà Le Pen. Ứng viên đảng cực hữu RN vốn có tỷ lệ ủng hộ cao từ người dân ở những vùng thôn quê hẻo lánh, xa thành thị, những người thường chịu nhiều thiệt thòi khi xảy ra khủng hoảng. Trong cương lĩnh tranh cử, bà Le Pen cũng là ứng viên đặc biệt nhấn mạnh về “tăng sức mua”, chẳng hạn như cam kết nếu đắc cử sẽ giảm nhiều loại thuế, phí để mỗi hộ gia đình có thêm 150 - 200 euro/tháng.

Những chuyển biến vừa nêu đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa hai ứng viên sáng giá nhất ở vòng 1 bầu cử tổng thống. Trong các thăm dò cận kề ngày bỏ phiếu, tỷ lệ ủng hộ ông Macron đạt từ 26 - 27%, còn bà Le Pen đã đuổi theo sát nút với tỷ lệ từ 21 - 23%.

Bà Le Pen đã tạo dựng được hình ảnh một “cực hữu nhu mì”, từ câu chữ trong các phát ngôn, xuất hiện trước công chúng với nét mặt luôn tươi cười và luôn thể hiện sự gần gũi với các cử tri, đặc biệt là cử tri ở nông thôn: Mở cuộc họp giữa một nông trại, đến thăm những nhà nông làm phô mai theo phương thức truyền thống…

Chiến lược này đặc biệt hiệu quả khi kỳ bầu cử năm nay ở Pháp xuất hiện một ứng viên cực hữu mới, ông Éric Zemmour, đại diện đảng Tái chinh phục. Ông Zemmour gây nhiều chú ý của cả các báo đài lẫn mạng xã hội, với các phát biểu và tranh luận đậm màu sắc cực đoan. Còn bà Le Pen cố tình cho thấy bà nhu mì hơn, ít cực hữu hơn, có thể là sự lựa chọn của bất kỳ cử tri ủng hộ cánh hữu “bình thường” nào.

Chuyên gia Cécile Alduy của Trung tâm nghiên cứu chính trị CEVIPOF - Đại học Khoa học Chính trị Paris phân tích: “Ứng viên đảng RN muốn bình thường hóa cực hữu, nhưng bản chất cương lĩnh tranh cử thì vẫn vậy. Dù khéo léo ngụy trang bằng nhiều phương thức, kể cả bằng việc nhân danh các giá trị của cộng hòa, hay quyền lợi của quốc gia, thì bà Le Pen vẫn kỳ thị người Hồi giáo, không ủng hộ Liên minh Châu Âu và muốn đề ra những chính sách rất khắt khe về nhập cư”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.