Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt cùng nhóm tác chiến |
Hạm đội 7 Hải quân Mỹ |
Theo Reuters, các cam kết này được đưa ra trong tổng quan chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dài 12 trang do Nhà Trắng công bố ngày 11.2. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ tập trung vào mọi ngóc ngách của khu vực, từ Nam Á đến các đảo Thái Bình Dương để củng cố vị thế và cam kết lâu dài của mình.
"Trung Quốc đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ của mình để tạo ra phạm vi ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tìm cách trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới", tài liệu viết.
"Những nỗ lực chung của chúng tôi trong thập niên tới sẽ xác định liệu Trung Quốc có thành công trong việc chuyển đổi các quy tắc và chuẩn mực đang mang lại lợi ích cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới hay không", theo tổng quan chiến lược của Mỹ.
Trong tài liệu, Mỹ cam kết hiện đại hóa các liên minh, tăng cường các mối quan hệ đối tác và đầu tư vào các tổ chức khu vực. Washington cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của "một Ấn Độ mạnh" trong vai trò là đối tác góp phần vào triển vọng tích cực của khu vực.
Mỹ cũng tuyên bố sẽ theo đuổi một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở thông qua một mạng lưới các liên minh mạnh mẽ".
Tài liệu cho biết Washington sẽ "mở rộng có ý nghĩa" sự hiện diện ngoại giao của mình ở Đông Nam Á và các đảo Thái Bình Dương. Mỹ cũng ưu tiên các cuộc đàm phán quan trọng có dấu hiệu đình trệ trong năm qua với những quốc đảo Thái Bình Dương có khả năng hỗ trợ quân đội Mỹ.
"Chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ an ninh cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc xây dựng năng lực hàng hải và nhận thức về phạm vi biển", theo báo cáo.
Về vấn đề Đài Loan, Washington sẽ làm việc với các đối tác trong và ngoài khu vực để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển ngăn cách hòn đảo này với Trung Quốc.
Tài liệu cũng cam kết mở rộng sự hiện diện và hợp tác của lực lượng tuần duyên Mỹ ở Nam Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Mỹ đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa đối với các tuyến đường đánh bắt cá và thương mại tự do tại đây.
"Chúng tôi nhận ra những hạn chế trong khả năng thay đổi Trung Quốc và do đó tìm cách định hình môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc", một quan chức Mỹ cấp cao phát biểu trong cuộc họp báo công bố tài liệu. Quan chức này cũng nói thêm rằng tài liệu là chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và không thể hiện chiến lược có phạm vi toàn cầu đối với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden.
Tài liệu cũng nhắc lại kế hoạch khởi động Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào đầu năm 2022 của Washington. Đây là sáng kiến Mỹ hy vọng sẽ lấp đầy một phần khoảng cách lớn trong ảnh hưởng đến khu vực kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2017.
Bình luận (0)