Theo số liệu từ niên giám thống kê, TP.HCM đang ở trong nhóm 21 tỉnh thành có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. Tổng tỷ suất sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại TP.HCM năm 2023 là 1,32 con, thấp hơn so với mức 1,96 con của cả nước.
Ngại kết hôn và sinh con
Hiện nhiều người trẻ ở TP.HCM ngại kết hôn hoặc kết hôn nhưng ngại sinh con, với nhiều lý do như áp lực về chi phí nuôi dạy và chăm sóc con, muốn mua nhà trước rồi mới tính đến chuyện kết hôn, sinh con…
Như chị N.T.P.V (27 tuổi, ở Q.Phú Nhuận), trong khi bạn bè đồng trang lứa đã lập gia đình thì chị vẫn chưa sẵn sàng bước vào hôn nhân. "Kinh tế là một mối quan tâm lớn khi tôi kết hôn và sinh con. Tôi không muốn con mình sinh ra trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ và lo toan quá nhiều về vật chất. Tôi muốn con mình được nuôi dạy trong một môi trường hiện đại nên hiện tôi muốn tập trung phát triển sự nghiệp hơn", chị V. chia sẻ.
Chị V. cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ như tăng thời gian nghỉ thai sản để người phụ nữ có thể yên tâm chăm sóc con.
Mức sinh của phụ nữ Việt Nam giảm thấp nhất trong lịch sử
Dù con gái đã lớn, nhưng chị Đ.N.A.T (32 tuổi, ở TP.Thủ Đức) vẫn chưa có ý định sinh con thứ 2 vì những nỗi lo về kinh tế. Chị T. cho biết: "Kinh tế là một vấn đề đáng suy nghĩ khi quyết định sinh một đứa trẻ. Gia đình tôi vẫn chưa ổn định về kinh tế, tôi muốn mua được nhà rồi mới sinh con". Chị mong muốn TP.HCM có những chính sách tạo điều kiện sinh con như giảm học phí, viện phí, gia tăng các dịch vụ khám và chăm sóc sức khỏe cho trẻ...
Cùng nỗi niềm về áp lực kinh tế, chị Đ.K.D (26 tuổi, ở TP.Thủ Đức) chia sẻ: "Thật sự mà nói thì tôi cảm thấy áp lực vô cùng vì sinh và nuôi dạy một đứa trẻ cần rất nhiều chi phí". Chị cũng bày tỏ cần có sự thấu hiểu và cảm thông như tạo điều kiện tốt hơn để các gia đình giảm bớt nỗi lo về kinh tế như hỗ trợ về giáo dục, y tế…
Tại lễ phát động chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp năm 2024, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết TP.HCM đang có mức sinh thấp nhất cả nước. Ông Trung bày tỏ sự lo ngại khi mức sinh ở TP.HCM đang trong nhóm 21 tỉnh, thành có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. Nếu kéo dài thực trạng này sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội…
"TP.HCM đang bước vào tiến trình già hóa dân số nên vấn đề mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng dân số, làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ. Không những vậy, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Ngoài ra, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh cũng gây áp lực cho nguồn ngân sách của TP.HCM. Trong khi đó, nguồn ngân sách này nên được đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số", ông Trung nói.
Đặt ra nhiều giải pháp
Đề án các giải pháp tăng tổng tỷ suất sinh, quản lý sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030 có 8 mục tiêu. Qua đó, Sở Y tế TP.HCM đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế...
Cụ thể, hỗ trợ toàn bộ chi phí cho phụ nữ mang thai khi tham gia chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả (sau khi đã trừ chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán) khi khám thai định kỳ và sinh con. Quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị. Thí điểm các dịch vụ thân thiện với người lao động như điều chỉnh thời gian trông trẻ, hỗ trợ chi phí học bán trú ở cấp mầm non và tiểu học, nhân rộng phòng vắt và trữ sữa mẹ tại nơi làm việc…
Đồng thời, ban hành các văn bản (trên cơ sở khảo sát, đánh giá hiện trạng và xu hướng mức sinh của từng quận, huyện) để chỉ đạo tập trung giải quyết tình trạng mức sinh thấp. Các chỉ tiêu phấn đấu về tăng mức sinh phải được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của TP.HCM. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi, tổ chức các sự kiện truyền thông, tuyên truyền thực hiện các mục tiêu về tăng mức sinh của TP.HCM.
Bên cạnh đó, thí điểm xây dựng ứng dụng về chăm sóc bà mẹ, trẻ em, theo dõi, quản lý, hỗ trợ bà mẹ trong quá trình mang thai và nuôi con. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em tới mọi người. Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ điều trị vô sinh cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Ngoài ra, tăng cường quản lý nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ phá thai, loại trừ phá thai không an toàn. Đề án là cơ sở để triển khai các chương trình can thiệp cộng đồng, nâng cao chất lượng dân số. Từ đó, giải quyết tình trạng mức sinh thấp, góp phần ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng dân số của TP.HCM trong tương lai.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội TP.HCM, cho biết TP.HCM sẽ có các chính sách trong việc khen thưởng cho những đơn vị, quận huyện làm tốt công tác khuyến khích sinh trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ hỗ trợ các cộng tác viên, nhân sự trên địa bàn khi làm công tác khuyến khích sinh. Đồng thời, khen thưởng cho những bà mẹ sinh đủ 2 con trên địa bàn TP.HCM. Theo ông Bình, các đề án đưa ra phải đảm bảo hài hòa nhu cầu thực tế của người dân.
Song hành tăng chất lượng dân số
Khuyến khích sinh con song song với việc đảm bảo trẻ ra đời khỏe mạnh, như vậy chất lượng dân số sẽ tốt. TP.HCM có chính sách khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát sơ sinh. Theo ông Phạm Chánh Trung, khám sức khỏe trước khi kết hôn rất quan trọng, đây là giải pháp thể hiện trách nhiệm với bạn đời và con cái sau này. "Khám sức khỏe trước khi kết hôn là giải pháp rất cần thiết để bắt đầu cuộc sống hôn nhân an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp rà soát, phát hiện và kịp thời can thiệp những bệnh lý liên quan sức khỏe sinh sản", ông Trung nhìn nhận.
Năm 2023 đã vận động 1.177 cặp nam, nữ thanh niên sắp kết hôn thực hiện khám sức khỏe trước khi kết hôn, vượt 10% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,1%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 83,9%, đạt chỉ tiêu. Tất cả các trường hợp nghi ngờ thai bất thường đều được tư vấn, hướng dẫn quy trình để tiến hành chẩn đoán xác định và điều trị phù hợp.
Theo PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), khám sức khỏe tiền hôn nhân có tầm quan trọng trong việc phát hiện kịp thời bệnh lý ảnh hưởng đến thai nhi. "Có những bệnh lý nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi như thiếu máu, giang mai… Bên cạnh đó, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi sẽ được đánh giá bệnh tổng quát như thiếu máu, cao huyết áp và phát hiện bệnh lý phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng", PGS-TS Diễm Tuyết lưu ý.
Tháng 12.2023, Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp với Thành đoàn TP.HCM và Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cung cấp dịch vụ khám tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn cho 154 đôi nam, nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một hoạt động ý nghĩa để giúp những cặp đôi có hoàn cảnh khó khăn kịp thời phát hiện những bất thường về sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng.
Bình luận (0)