Mùa hè lên rừng, xuống biển góp xây những công trình

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên

01/08/2024 06:00 GMT+7

Mùa hè, sinh viên tình nguyện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đi về các địa phương vùng sâu, vùng xa cùng góp sức trẻ để bê tông hóa những tuyến đường quê. Biết bao tuyến đường từng đầy sình lầy, trơn trượt, nay xe đã chạy bon bon an toàn; kinh tế ở những vùng quê nghèo cũng nhờ đó mà khởi sắc.

Mỗi ngày lội bộ hơn 10 km LÀM ĐƯỜNG

Từ thị trấn Sa Rài đến xã Tân Thành A, một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp (giáp Campuchia), phải đi qua những cung đường quê hẻo lánh, tôi thầm cảm phục các sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã dành trọn mùa hè từ thành phố hiện đại, tiện nghi về đây ngày ngày dãi nắng dầm mưa bê tông hóa các tuyến đường cho người dân.

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên- Ảnh 1.

Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dãi nắng, dầm mưa bê tông hóa đường nông thôn

NỮ VƯƠNG

Khi gần đến công trình bê tông hóa tuyến đường đê bao bờ Bắc kênh Cả Trấp 1 (ấp Tham Bua, xã Tân Thành A), đi ngang qua một sạp bán bánh xèo, người dân trong quán ai cũng hết lời khen và cảm ơn các sinh viên tình nguyện đã về làm những tuyến đường mới khang trang.

"Trước đây là đường đất nên trời nắng bụi quá chừng, mưa thì bùn sình không à, khó đi lắm. Giờ đổ bê tông hết rồi, mừng lắm luôn", cô Ngô Thị Phúc (hay còn gọi là cô Tư Đổi) vui mừng nói.

Nhà ở ngay đầu tuyến đường được sinh viên tình nguyện bê tông hóa, nên ông Trang Văn Ngầu chứng kiến hết hành trình gian nan của các bạn trẻ. "Các cháu làm vất vả quá chừng, nhất những ngày trời mưa đường đầy sình lầy mà còn phải mang vác cát, đá, xi măng. Thương lắm. Các cháu về làm đường, dân ở đây ai cũng phấn khởi. Từ giờ là thoát cảnh sình lầy rồi", ông Ngầu kể.

Để bê tông hóa được tuyến đường dài hơn 1.000 m này, đội hình sinh viên tình nguyện đã phải đối diện rất nhiều khó khăn. Xe tải chở vật liệu chỉ chạy vào được từ một hướng, nên những ngày đầu thi công các bạn phải đi bộ hơn 1 km để làm từ trong ra ngoài.

"Đi từ nơi tụi mình ở đến đầu đường là gần 2 km, cộng thêm hơn 1 km đi tới cuối đường thi công dần ra, một ngày 4 lượt cả đi lẫn về là hơn 10 km. Chính vì thế, những hôm nào trời nắng, đi làm buổi chiều rất mất sức. Lội bộ đến nơi là thấm mệt rồi, chưa nói đến chuyện dang nắng để làm", Lê Cao Trí, sinh viên Khoa Kỹ thuật giao thông kể.

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên- Ảnh 2.

Các tuyến đường dần thành hình là niềm vui của sinh viên tình nguyện

Đẩy nhanh tiến độ để dân đỡ khổ

Anh Ngô Trần Hoàng Dương, Bí thư Đoàn khoa, Chỉ huy trưởng đội hình Mùa hè xanh Khoa Kỹ thuật hóa học, cho biết trong thời gian thi công hầu như ngày nào cũng sáng nắng, chiều mưa. Chính vì thế, đa phần đội hình sẽ chọn cách làm tăng số giờ buổi sáng, hơn 12 giờ mới về nghỉ.

Theo anh Dương, một trong những khó khăn khi thi công là nền hạ của tuyến đường từ đầu không đảm bảo, còn nhiều chỗ mấp mô, trời mưa mà xe trọng tải lớn chở vật liệu đi vào là bị lún ngay. Do đó đội hình đã làm theo kiểu cuốn chiếu, bên trong thi công, bên ngoài vá nền.

Anh Dương cũng cho biết vì còn là sinh viên, nên đa phần các bạn chưa quen với việc lao động cường độ cao. Làm được thời gian là có bạn bị sốt, hoặc đau nhức chân tay... Trong những ngày các bạn này nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe thì việc thi công cũng có phần vất vả vì đội hình bị khuyết một vài vị trí. Chính vì thế, họ bảo nhau ai "gãy" thì những bạn còn lại ráng thay vào vị trí và gánh luôn phần công việc để không ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên- Ảnh 3.

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên- Ảnh 4.

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên- Ảnh 5.

Sau mỗi ngày làm đường về là quần áo và khắp người các sinh viên tình nguyện đều lấm lêm bùn đất và xi măng

Những sinh viên tình nguyện dường như không còn… nhận ra mình, vì nước da đã đen nhẻm sau một tháng lăn xả với công trình, nhưng bạn nào bạn nấy nụ cười cũng rạng ngời vì thành quả sau bao ngày nỗ lực đã được đền đáp. Nguyễn Tiến Minh Hoàng, Chỉ huy trưởng đội hình Mùa hè xanh Khoa Kỹ thuật giao thông, kể những ngày thi công gặp trời mưa là đường sình lầy rất khó đi, cảm giác mỗi bước chân trở nên nặng nề hẳn. Vì trải qua những khó khăn đó nên các bạn hiểu được cảnh người dân ở đây mỗi ngày đi làm trên tuyến đường này sẽ vất vả đến mức nào. Chính vì thế, bạn nào cũng có thêm động lực để quyết tâm sớm hoàn thành con đường bê tông.

Nhắc đến những ngày đầy quyết tâm này, Cao Trí kể: "Có những hôm làm đến khoảng 16 giờ 30, mây đen bỗng dưng kéo đến. Biết trời sắp mưa, thế là chúng mình dốc hết sức làm, đẩy nhanh cho xong được 1 đến 2 tấm bê tông nữa. Giờ nghĩ lại không biết sao lúc đó có thể làm nhanh được đến như vậy".

Tại ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí, cũng vì mong người dân địa phương sớm có con đường khang trang để đi lại thuận tiện, đội hình của Khoa Kỹ thuật xây dựng đã đẩy nhanh tiến độ, làm cấp tốc trong khoảng 10 ngày là xong công trình.

Ông Võ Văn Phụng, người dân tại ấp Rọc Muống, xã Tân Công Chí, hạnh phúc nói: "Trước đây cứ mỗi lần đến mùa, xe tải chở lúa, nông sản đi qua làm sụt lún hết, nên cứ khúc nào hư là mua đá rải vào. Cứ lún xuống rồi đổ đá lên, đổ rồi lại lún, khổ lắm. Giờ thì chắc ăn rồi. Nếu sinh viên tình nguyện mà không về làm thì không biết đến bao giờ người dân ở đây mới có được tuyến đường xe chạy bon bon như thế này. Có đường này rồi, ban đêm chạy xe cũng an tâm, không còn phải né vũng sình, vũng lầy nữa".

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên- Ảnh 6.

Xã vùng sâu phát triển kinh tế nhờ những tuyến đường của sinh viên- Ảnh 7.

Những tuyến đường quê đã thay đổi diện mạo

NỮ VƯƠNG

Lúc ngủ vẫn tưởng đang ở… công trình

Đảm nhận công đoạn cắt và mang vác các bao xi măng đến máy trộn, Dương Tường, sinh viên Khoa Kỹ thuật giao thông, chấp nhận bị xi măng ăn rát da thịt. "Do mình ôm bao xi măng nên bị ăn da ở phần bụng. Những ngày đầu về đau rát rất khó chịu, nhưng mình bôi thuốc và ngày hôm sau mặc thêm một lớp áo nữa là đi làm bình thường", Tường kể nhẹ tênh.

Hỏi Tường: "Đau rát thế có sợ không?", Tường nói: "Lúc nhận nhiệm vụ làm công đoạn gắn liền với xi măng là mình xác định tư tưởng rồi, nên dù bị ăn da mình cũng không bất ngờ hay sợ gì cả".

Vậy nhưng những chàng trai chung đội hình kể đêm về ngủ mà Tường còn nói mớ: "xi măng, xi măng". Có lẽ vì quá mệt và phải chịu đựng sự đau rát khi bị xi măng ăn da, nên chàng sinh viên đến lúc ngủ vẫn nghĩ mình đang thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Thái Hoàng, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành A, cho biết địa phương còn nhiều khó khăn, hệ thống đường giao thông cơ bản ổn nhưng đường nội đồng chưa được đảm bảo. Chính vì thế, đây đã là năm thứ hai đội sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về hỗ trợ địa phương thi công các tuyến đường.

"Trong quá trình các bạn thi công đường, thời tiết khắc nghiệt lắm. Tuy vậy các bạn sinh viên rất hăng say, quyết tâm hoàn thành công trình cho người dân. Khi tuyến đường được hoàn thành, người dân đi lại dễ dàng, thuận tiện giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương", ông Hoàng nhấn mạnh.

Năm nay, tại tỉnh Đồng Tháp, đội hình tình nguyện Mùa hè xanh Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã bê tông hóa hơn 7.000 m đường ở các xã Tân Phước, Tân Công Chí, Bình Phú, Thông Bình, Tân Hộ Cơ, Tân Thành A, Tân Thành B (H.Tân Hồng); tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo AI cho học sinh THPT; lắp đặt 60 camera an ninh phục vụ giám sát địa bàn dân cư. Ngoài ra còn có các hoạt động như: sơn vẽ tường, thăm và tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng; trao tặng học bổng, phát hoang, dọn dẹp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.