Liên quan đến vấn đề dân số, kết hôn, sinh con, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế TP.HCM) cho biết, TP.HCM đang được xếp vào 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước. Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Để giải quyết vấn đề mức sinh thấp, ngành y tế phối hợp các ban ngành, đoàn thể tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024. Chiến dịch được triển khai thực hiện tại 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện từ 1.7 đến 31.8.2024.
Ngành y tế đã kêu gọi người dân chung tay ủng hộ, thực hiện thông điệp "mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con". Việc sinh đủ 2 con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của TP.HCM, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng và làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Ưu tiên xây dựng sự nghiệp
Mức sinh tại TP.HCM thấp, dân số già hóa nhanh, trong khi đó người trẻ tuổi khi được hỏi về chuyện kết hôn, sinh con thì nói ưu tiên xây dựng sự nghiệp trước. PV Thanh Niên phỏng vấn nhanh tại buổi khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh được tổ chức vào ngày 11.7 tại Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh.
Nhiều bạn cùng trang lứa đã lập gia đình, còn chị Lê Thị Mỹ L. (25 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) vẫn chưa sẵn sàng kết hôn. Giải thích về vấn đề này, chị L. cho biết muốn ưu tiên phát triển sự nghiệp trước khi lập gia đình. Theo chị L., khi có gia đình, đặc biệt là có con thì chị sẽ khó mà theo đuổi đam mê và phát triển sự nghiệp của bản thân.
"Khi có gia đình thì sinh hoạt của tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Tôi có ít thời gian để tập trung vào công việc hơn, thay vào đó, tôi phải dành nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình. Đặc biệt, khi có con thì khoảng thời gian làm việc sẽ càng hạn hẹp. Tôi cũng như các bà mẹ khác, luôn muốn dành cho con những điều tốt nhất. Vì vậy, nếu kết hôn và sinh con trong thời điểm này là chưa phù hợp", chị L. chia sẻ.
Hiện tại, chị L. vẫn đang độc thân nên chị càng không có ý định kết hôn. "Có lẽ, đến 30 tuổi hoặc hơn tuổi đó, khi sự nghiệp của tôi đủ ổn định thì tôi mới có ý định kết hôn", chị L. nói.
Tương tự, nhưng anh Lưu Trường H. (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) vẫn chưa sẵn sàng kết hôn dù có công việc ổn định. Anh H. cho rằng, cần có kinh tế ổn định trước khi kết hôn.
"Ba mẹ thường xuyên giục cưới vợ để có cháu ẵm bồng nhưng tôi chưa có ý định kết hôn. Sự nghiệp chưa ổn định nên tôi sợ mình sẽ không lo được cho vợ con và khó có thể xây dựng được hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, khi có con thì có biết bao nhiêu thứ phải lo, tôi muốn có con khi đã có tài chính ổn định hơn. Có như thế, tôi mới chăm lo cho con một cách đầy đủ được", anh H. nói.
Sợ đổ vỡ, sợ chia ly
Ngoài vấn đề áp lực về kinh tế, những người trẻ còn sợ phải đối diện với sự đổ vỡ trong hôn nhân.
Anh Trần Nguyễn Đức D. (22 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) cho rằng, có rất nhiều vấn đề xảy ra khi bước vào hôn nhân. Một trong những vấn đề mà anh D. lo lắng nhất là sự đổ vỡ trong hôn nhân.
Anh D. cho rằng, đổ vỡ trong hôn nhân là không ai muốn. Hằng năm, có vô số cặp vợ chồng ly hôn vì rất nhiều lý do. Vì vậy, cần xem xét kỹ càng mối quan hệ trước khi bước vào hôn nhân.
"Tôi rất quan trọng sự lâu dài trong hôn nhân. Khi kết hôn thì phải suy nghĩ thật kỹ càng, ngẫm nghĩ xem mối quan hệ đó có thể bền vững không. Tôi từng chứng kiến rất nhiều cuộc tan vỡ rất đau lòng. Có những cuộc chia ly mà tôi chưa từng nghĩ đến vì trước đó họ rất yêu thương nhau", anh D. nói.
Tương tự, chị L. cũng có những đắn đo khi kết hôn vì sợ "đứt gánh giữa đường". Hiện tại, chị L. cho biết vẫn chưa có ý định kết hôn và càng không có ý định sinh con. "Nếu gia đình êm ấm, hạnh phúc thì không sao, nhưng nếu lỡ không hòa thuận dẫn đến ly hôn thì ảnh hưởng đến tâm lý của con rất nhiều", chị L. nói.
Bình luận (0)