Hành động quyết liệt hơn
Chỉ một tháng trước, ông Trump vẫn tỏ ra cực kỳ tự tin về chiến dịch tái cử của mình, rằng người Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ủng hộ ông tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai dù họ có thích ông hay không.
Những nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm luận tội ông trước Quốc hội đã thất bại và thậm chí phản tác dụng. Sự ủng hộ của các cử tri độc lập đã gia tăng, còn sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa thì vẫn được giữ vững. Thị trường chứng khoán ở mức cao nhất mọi thời đại, tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp chưa từng thấy. Tuy chưa đến mức “mạch nước ngầm phun ầm ầm” như ông từng ví von, nhưng rõ ràng là kinh tế đang phát triển và uy tín của ông lên cao, tờ Al Jazeera nhận định.
Nhưng điều đó đã thay đổi chỉ sau vài ngày. Các doanh nghiệp kêu gọi giải cứu và hàng loạt nhà máy tạm đóng cửa. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo về khả năng thất nghiệp lên đến 20%. Niềm tin của người dân Mỹ về cách chính quyền liên bang phản ứng với đại dịch đã giảm nhanh chóng. Một cuộc thăm dò được Tổ chức Gallup công bố ngày 17.3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đã giảm 5% xuống chỉ còn 44%, ngang với mức trước khi bị luận tội.
Những ngày gần đây phản ứng của Tổng thống Trump đã thay đổi, khi số người nhiễm vi rút ở Mỹ tăng nhanh. Ông tiến hành nhiều động thái hơn, xuất hiện trong các cuộc họp báo hằng ngày. Theo New York Times, chính phủ Mỹ đã chia sẻ cho họ bản kế hoạch dài 100 trang trong đó cảnh báo dịch Covid-19 có thể kéo dài 18 tháng hoặc hơn. Bản kế hoạch mô tả rằng toàn bộ các cơ quan của chính phủ sẽ được huy động để đối phó dịch bệnh và tổng thống có đặc quyền để sử dụng các nguồn lực tư nhân nếu cần thiết.
Trump và Bộ trưởng Steven Mnuchin cũng đang ra sức thông qua các gói viện trợ khổng lồ với tổng giá trị hơn 1.000 tỉ USD để ổn định lại nền kinh tế.
Tổng thống thời chiến
Đã rất lâu kể từ khi Richard Nixon gọi mình là “tổng thống thời chiến” (nguyên văn: wartime president) trong cuộc chiến với ma túy, ông Trump cũng tự gọi mình bằng cách tương tự vào ngày 18.3. “Kẻ thù lần này là đại dịch Covid-19, kẻ thù vô hình nhưng cũng khó nhằn nhất”, ông Trump phát biểu.
“Các “tổng thống thời chiến” có lợi thế khi là trung tâm của sự chú ý, được công chúng quan tâm mọi nhất cử nhất động. Người dân cũng đoàn kết với nhau và họ sẵn sàng ủng hộ hoặc ít nhất là không chỉ trích tổng thống”, tạp chí Time dẫn lời GS Martha Kumar, chuyên về khoa học chính trị - Đại học Towson (Mỹ). Nhưng theo vị giáo sư này, tình thế đó cũng đem lại rủi ro, bởi vì Tổng thống Trump buộc phải thắng cuộc chiến.
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm thứ năm 19.3, ông Trump hướng mũi giáo không chỉ về vi rút mà còn về Trung Quốc. Bằng cách chỉ ra mối đe dọa từ bên ngoài, Trump đang cố chuyển hướng khủng hoảng xảy ra không phải là lỗi của ông.
“Người dân sẽ đánh giá ông ấy ở thời điểm này, và cả một thời gian sau nữa”, tờ The Wall Street Journal dẫn lời Mike Duhaime, một chiến lược gia đảng Cộng hòa. Theo đó, Tổng thống Trump ban đầu đánh giá thấp vi rút nên bị đánh giá thấp về uy tín, nhưng giờ đây ông đang dần thay đổi.
GS Douglas Brinkley, chuyên ngành lịch sử Mỹ - Đại học Rice (Mỹ), nhận định nếu đương kim chủ nhân Nhà Trắng không có hành động gì, ông có thể sẽ không được tái đắc cử, như kết cục của Herbert Hoover do không ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929. Thay vào đó, ông Douglas cho rằng ông Trump phải hành động như Tổng thống Franklin D.Roosevelt (tại nhiệm từ năm 1933 - 1945) - người lèo lái đất nước thoát khỏi cuộc đại suy thoái và Thế chiến thứ 2.
Mỹ sẽ can thiệp cuộc chiến giá dầu
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20.3 cho rằng cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê Út và Nga đang khiến hai nước này cũng như Mỹ bị thiệt hại nhưng điều này lại tốt cho người tiêu thụ tại Mỹ. Bloomberg dẫn lời Tổng thống Trump nói rằng Nga đang bị thiệt hại nặng nề vì toàn bộ nền kinh tế dựa vào dầu mỏ trong khi giá dầu đang ở mức thấp nhất trong vài chục năm. “Điều đó cũng rất xấu đối với Ả Rập Xê Út. Họ đang trong cuộc chiến về giá dầu, sản lượng. Tôi sẽ tham gia vào thời điểm thích hợp”, Tổng thống Trump nói.
Vi Trân
|
Bình luận (0)