Chiều 19.2, đoàn công tác của Bộ Công an đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) sau 7 ngày hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm, cứu nạn người dân mắc kẹt trong thảm họa động đất.
Học được nhiều kinh nghiệm quý báu
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, sau nhiệm vụ, đoàn cứu nạn, cứu hộ đã trở về với rất nhiều bài học quý báu. Bên cạnh đó, qua công tác cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng chứng tỏ Việt Nam là một quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc rất có trách nhiệm trong việc đóng góp cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề về khủng hoảng nhân đạo, khủng hoảng thảm họa thiên nhiên.
Theo trung tướng Tô Ân Xô, 24 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an và 76 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện việc hợp đồng tác chiến.
Tất cả 100 cán bộ, chiến sĩ rõ ràng là đại sứ nhân dân, đại sứ thiện chí, thậm chí họ là những hiệp sĩ trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt tại vùng xảy ra động đất.
Ngoài khẳng định được danh tiếng, nhận được những tình cảm đặc biệt của Chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệp từ các nước khác trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Việc tích lũy kinh nghiệm này sẽ tạo ra những bài học cho cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam.
"Các chiến sĩ trở về khỏe mạnh, hoàn thành nhiệm vụ là điều rất tốt đẹp trong công tác cứu nạn, cứu hộ của chúng ta. Chúng ta đã vượt qua những khó khăn, cứu được người dân gặp nạn và đảm bảo được tính mạng, sức khỏe của bản thân, đồng đội trong điều kiện hết sức ngặt nghèo", trung tướng Tô Ân Xô nói.
Cảm xúc vỡ òa khi cứu được người còn sống
Sau 7 ngày làm nhiệm vụ, đoàn công tác của Bộ Công an đã phối hợp cứu được một thiếu niên còn sống sau 6 ngày mắc kẹt và đưa được 14 thi thể ra khỏi những đống đổ nát. Đây là thành tích xuất sắc, được nhân dân và Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận, đánh giá cao.
Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Cứu nạn, cứu hộ (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM), cho biết ngày trở về, đoàn nhận được rất nhiều tình cảm của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, chính quyền đất nước này ghi nhận công lao, đóng góp của đoàn. Đây là những niềm tự hào to lớn.
Theo trung tá Thành, kỷ niệm mà anh và đoàn công tác không thể quên là khoảnh khắc đoàn phát hiện sự sống dưới đống đổ nát sau 6 ngày bị vùi lấp.
"Bản thân tôi đã tiếp cận được với nạn nhân và trao đổi trực tiếp; nạn nhân cũng đã trao đổi lại với tôi. Đó là cảm giác không thể quên được trong cuộc đời làm cứu nạn, cứu hộ của tôi. Giây phút đó thật là thiêng liêng. Tới khi đưa được nạn nhân ra ngoài, tôi vô cùng xúc động, không thể diễn tả bằng lời", trung tá Thành nhớ lại.
Trung tá Thành cho hay, trước khi lên đường làm nhiệm vụ, các thành viên đã xác định được những khó khăn phải đối mặt. Đầu tiên là quãng đường di chuyển rất xa, đường đèo dốc, kẹt xe và thời tiết vô cùng lạnh, nhiệt độ xuống tới -6 độ C. Bên cạnh đó, quá trình cứu hộ có thể xảy ra rung chấn gây nguy hiểm, công trình có thể sập thứ cấp…
Theo trung tá Thành, công tác tìm kiếm sự sống được đoàn ưu tiên hàng đầu, song đoàn cũng tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo như: tặng thuốc, trang thiết bị y tế cho Thổ Nhĩ Kỳ; thăm hỏi người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ; tặng thực phẩm cho nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sống gần nơi đoàn làm nhiệm vụ…
"Tình cảm nước bạn dành cho chúng ta rất lớn, rất xúc động. Họ trân trọng và quý mến Việt Nam. Đi đâu thấy đoàn là người dân cúi đầu và vỗ tay, cảm xúc đó rất tự hào, tuyệt vời Việt Nam!", trung tá Thành nói.
Bình luận (0)