Chiến sự đến tối 19.4: Nga ra tối hậu thư mới, một thành phố miền đông thất thủ?

19/04/2022 19:00 GMT+7

Nga yêu cầu lực lượng Ukraine lập tức buông vũ khí, đồng thời đưa ra tối hậu thư mới đối với các đơn vị đang cố thủ bên trong nhà máy luyện kim ở thành phố Mariupol.

Ảnh do drone chụp hôm 18.4 cho thấy khói bốc lên từ nhà máy Azovstal

reuters

Tối hậu thư mới

Sputnik dẫn lời tướng Mikhail Mizintsev, tư lệnh Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng của Bộ Quốc phòng Nga, kêu gọi lực lượng Ukraine và lính đánh thuê nước ngoài đang cố thủ nhà máy luyện kim Azovstal của Mariupol "đầu hàng ngay lập tức".

Theo ông Mizintsev, bắt đầu từ 17 giờ ngày 19.4 (giờ Việt Nam), quy trình liên lạc trực tiếp giữa hai bên được thiết lập. Từ 18 giờ, phía lực lượng Ukraine có tổng cộng hai giờ để rời nhà máy trong tình trạng không mang theo vũ khí.

Nga bắt đầu giai đoạn 2 chiến dịch quân sự, lại có tối hậu thư ở Mariupol

Cùng ngày, thống đốc Serhiy Gaidai của vùng Luhansk, xác nhận lực lượng Ukraine đã rút khỏi thành phố Kreminna ở miền đông và hiện nơi này đã rơi vào tay quân Nga, theo Reuters. Phía Nga chưa bình luận thông tin này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng xác nhận Moscow đã khởi động giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho hay lực lượng tên lửa và pháo binh Nga đã bắn phá 1.260 mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine vào rạng sáng 19.4. Lực lượng Nga cũng bắn hạ một tiêm kích MiG-29 của Ukraine ở vùng Donetsk.

Cố vấn tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych nhận định rằng Nga triển khai chiến lược mới một cách hết sức thận trọng. Ông dự báo quân Nga sẽ thất bại vì không thể đột phá hàng rào phòng thủ của Ukraine.

Tính đến thời điểm hiện tại, Nga triển khai tổng cộng 76 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) trên đất Ukraine, với 11 đơn vị được bổ sung trong vài ngày qua, theo Đài CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ.

Ngoại trưởng Dmytro Kuleba họp báo chung với đồng cấp Bulgaria Teodora Genchovska hôm 19.4

Reuters

Ukraine tiếp tục nỗ lực ngoại giao

Trong bối cảnh miền đông đối mặt sức ép mới, Ukraine tiếp tục nỗ lực ngoại giao nhằm tăng cường sự ủng hộ của quốc tế. Tờ The Guardian cho hay Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã đến Sofia và gặp gỡ của đồng cấp Bulgaria Teodora Genchovska.

Còn ở Rome, ông Ivan Fedorov, Thị trưởng lưu vong của thành phố Melitopol (miền đông nam Ukraine) gặp Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio. Hồi tháng 3, ông Fedorov đã bị lực lượng Nga bắt giữ sau khi Melitopol thất thủ. Sáu ngày sau, ông được trả tự do theo thỏa thuận trao đổi tù binh song phương.

"Tù binh Anh" bị Nga bắt giữ ở Ukraine lên sóng truyền hình cầu cứu Thủ tướng Boris Johnson

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres chưa từng tìm cách tiếp xúc Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi chiến dịch quân sự nổ ra ngày 24.2.

Theo Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk, Ukraine và Nga vẫn chưa nhất trí về các hành lang nhân đạo sau 3 ngày trì hoãn.

Một tàu dầu Nga ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ đầu năm 2022

reuters

Hy Lạp bắt tàu dầu Nga

Hôm 19.4, Hy Lạp đã bắt tàu dầu Nga ở ngoài khơi hòn đảo Evia, theo nội dung lệnh cấm vận kinh tế được Liên minh châu Âu (EU) thực hiện chống Nga.

Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire xác nhận lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt đã có hiệu lực trên toàn EU.

Cùng ngày, Đan Mạch công bố lộ trình nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt với Nga. Theo đó, chính quyền Copenhagen đặt hy vọng vào chiến lược phối hợp năng lượng tái tạo và khí sinh học để tạo nguồn cung năng lượng cho nước này trong thời gian tới.

Ông Putin "chiến dịch trừng phạt kinh tế chớp nhoáng của phương Tây đã thất bại"

Xem thêm tình hình chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.