Sáng 19.7, lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm Sergey Aksyonov thông báo rằng một đám cháy đã bùng phát tại một cơ sở huấn luyện quân sự ở quận Kirovsky, theo TASS.
Vụ cháy không gây thương vong nhưng nhà chức trách đã cho cấm xe đi vào đoạn đường cao tốc đi qua địa phương. Một trung tâm ứng phó được thành lập và hơn 2.200 cư dân địa phương được sơ tán. Điện Kremlin thông báo Tổng thống Vladimir Putin đã được báo cáo về vụ cháy.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ngày 510 có diễn biến gì nóng?
Ông Aksyonov nói chưa xác định nguyên nhân vụ cháy nhưng lãnh đạo tình báo Ukraine đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Trang The Kyiv Indepedent dẫn thông báo trên Telegram của lãnh đạo Tổng cục Tình báo quân sự Ukraine (GUR) Kyrylo Budanov cho biết vụ nổ kho đạn tại bán đảo Crimea là hành động của lực lượng đặc biệt và quân đội Ukraine.
Tuy nhiên, người phát ngôn Andriy Yusov của GUR sau đó lại nói với đài Suspilne rằng các bình luận của một số phương tiện truyền thông "rằng vụ nổ tại khu huấn luyện ở Crimea là công việc của lực lượng vũ trang và GUR là giả mạo". Bài viết của The Kyiv Indepdendent sau đó cũng bị gỡ.
Bán đảo Crimea được Nga sáp nhập hồi năm 2014 nhưng không được Ukraine công nhận. Ukraine đã nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại bán đảo này.
Vụ hỏa hoạn xảy ra hai ngày sau khi một vụ nổ làm hư hại cầu Crimea nối Nga với bán đảo Crimea vào hôm 17.7. Nga đã đổ lỗi cho Ukraine và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ trả đũa.
Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc gây mất an ninh lương thực
Trong đêm thứ hai liên tiếp, Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào cảng Odessa của Ukraine. Quân đội Ukraine cũng cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào Kyiv đã bị đẩy lùi thành công vào đầu ngày 19.7.
Không quân Ukraine ngày 19.7 thông báo các lực lượng nước này bắn hạ 14 tên lửa, 23 UAV trong tổng số 63 mục tiêu do Nga phóng đến trong cuộc tấn công trong đêm. Các cơ sở hạ tầng và cơ sở quân sự quan trọng đã bị tấn công trong các cuộc không kích vào ban đêm và mục tiêu chính là khu vực Odessa phía nam Ukraine.
Cáo buộc của Ukraine
Ba cảng tại Odessa là những cảng duy nhất hoạt động ở Ukraine nhờ Sáng kiến ngũ cốc biển Đen, một thỏa thuận mà Moscow đã rút khỏi vào ngày 17.7. Cũng trong ngày đó, vụ nổ trên cầu Crimea xảy ra và Nga đã tiến hành hai cuộc oanh tạc lớn vào Odessa.
Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết Nga đang cố tình nhắm mục tiêu vào các bến cảng ngũ cốc và cơ sở hạ tầng cảng. "Mục tiêu chính là phá hủy khả năng vận chuyển ngũ cốc của Ukraine," ông viết trên Twitter. Bộ Chỉ huy miền nam Ukraine cho biết các nhà kho ở Odessa chứa thuốc lá và pháo hoa cũng bị tấn công.
Nga tấn công cảng Ukraine, trả đũa vụ tấn công cầu Crimea
Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng cáo buộc Nga đang "cố tình" tấn công các địa điểm ở Ukraine được sử dụng cho thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, gây ảnh hưởng không chỉ cho Kyiv mà còn cho thế giới, theo AFP.
Nga chưa lập tức bình luận về các cáo buộc nhưng Bộ Quốc phòng nước này hôm 18.7 cho biết đã tấn công các mục tiêu quân sự ở hai thành phố cảng của Ukraine trong đêm như một "cuộc tấn công trả thù hàng loạt" cho cuộc tấn công vào cầu Crimea.
Trong một bình luận liên quan tình hình chiến sự, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nhận xét rằng cuộc phản công của Ukraine đến nay "còn lâu mới thất bại". Tuy nhiên, ông dự báo "cuộc chiến này sẽ còn kéo dài, sẽ rất khó khăn, sẽ rất đẫm máu".
Tổng tham mưu trưởng Mỹ: không thể xem chiến dịch phản công của Ukraine là thất bại
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh ngày 19.7 cho biết giao tranh đang leo thang ở hạ lưu sông Dnipro, đặt Nga vào thế tiến thoái lưỡng nan. "Nga phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc quyết định có nên đáp trả những mối đe dọa này bằng cách củng cố Nhóm Lực lượng Dnipro của mình, với cái giá phải trả là các đơn vị khác phải căng mình để đối mặt với cuộc phản công của Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia hay không", báo cáo cho biết.
Trong khi đó, TASS dẫn lời ông Vladimir Rogov, một quan chức Nga, cho hay quân đội Ukraine đang phải tái tập hợp lực lượng tại Zaporizhzhia do những tổn thất mà quân đội Nga gây ra. Tuy nhiên, ông dự báo rất có thể Ukraine sẽ lại thực hiện các cuộc tấn công tại đây trong tương lai gần.
Tổng thống Putin không đến Nam Phi dự hội nghị BRICS
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia mới nổi BRICS tại Nam Phi vào tháng 8.
"Theo thỏa thuận chung, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh, nhưng Liên bang Nga sẽ được đại diện bởi Ngoại trưởng (Sergei) Lavrov," Vincent Magwenya, phát ngôn viên của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, cho biết trong một tuyên bố ngày 19.7.
Nam Phi nói bắt Tổng thống Putin là tuyên chiến với Nga
AFP dẫn lời ông Magwenya nói thêm rằng quyết định này được đưa ra sau "một số cuộc tham vấn" do ông Ramaphosa tổ chức trong những tháng gần đây. Lần gần nhất diễn ra vào "đêm qua", ông Magwenya nói.
Nam Phi gặp khó xử trong việc tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin bởi ông đang là mục tiêu bắt giữ của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC), trong đó Nam Phi là một thành viên và có nghĩa vụ thi hành mệnh lệnh. Ông Putin bị ICC đòi truy bắt vì cáo buộc liên quan cuộc xung đột tại Ukraine. Nga đã lên án lệnh này.
Trước đó, trong một văn bản gửi lên tòa án được công bố ngày 18.7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng việc bắt Tổng thống Putin theo lệnh của ICC sẽ tương đương với lời tuyên bố chiến tranh với Nga.
"Nga đã làm rõ rằng bắt giữ tổng thống đương nhiệm sẽ là lời tuyên bố chiến tranh. Việc mạo hiểm lao vào chiến tranh với Nga không nhất quán với hiến pháp của chúng ta", nhà lãnh đạo viết và tuyên bố sẵn sàng làm trái nghĩa vụ để bảo vệ đất nước.
Nga chưa bình luận về thông báo mới nhất của Nam Phi nhưng nhấn mạnh không nói với Nam Phi rằng việc bắt giữ Tổng thống Putin theo lệnh của ICC có nghĩa là "chiến tranh", Điện Kremlin thông báo.
Lãnh đạo tình báo Nga tiết lộ gì về cuộc điện đàm với giám đốc CIA?
Bình luận (0)