Chiến sự đến tối 20.10: Nga có dấu hiệu muốn rút quân khỏi Kherson?

20/10/2022 19:46 GMT+7

Theo tình báo Anh, việc Nga gần đây nhận định “tình hình đang khó khăn” ở vùng Kherson là điều hết sức bất thường và nhiều khả năng cho thấy Moscow có thể rút lực lượng khỏi phía tây sông Dnipro với quy mô lớn.

Đoạn sông Dnipro chảy qua địa phận Kyiv trong ảnh chụp hôm 19.10

AFP/getty

Chuyện gì đang xảy ra ở Kherson?

Báo cáo tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh ghi nhận giới chức Nga đang nghiêm túc cân nhắc đợt rút quân lớn khỏi khu vực phía tây sông Dnipro.

Thách thức lớn cho bất kỳ chiến dịch rút quân nào của Nga là đưa binh lính và thiết bị quân sự vượt con sông rộng 1.000 m một cách trật tự, theo Bộ Quốc phòng Anh.

Với toàn bộ các cây cầu cố định bắc qua sông đều bị hư hại nghiêm trọng, Nga nhiều khả năng phải dựa vào cầu tạm vừa được các đơn vị Nga hoàn thành gần Kherson, và các tổ cầu phao đang hoạt động ở một số vị trí.

Xem nhanh: Chiến dịch quân Nga ở Ukraine ngày thứ 238 có gì nóng?

Đến chiều 20.10, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong vòng 24 giờ qua, các lực lượng nước này tiếp tục tấn công những mục tiêu quân sự và năng lượng trên toàn lãnh thổ Ukraine.

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Nga cũng đẩy lùi đợt phản công của Ukraine ở Kherson, nơi giới chức được Nga chỉ định đang tiến hành sơ tán hàng chục ngàn dân.

Ông Vladimir Saldo, quan chức được Nga bổ nhiệm đứng đầu thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh cùng tên, thông báo kế hoạch di chuyển đến 60.000 dân vượt sông.

Ukraine áp dụng luân phiên cúp điện

Ukraine hôm 20.10 bắt đầu hạn chế phân bổ điện trên toàn quốc từ 7 giờ đến 23 giờ hằng ngày nhằm ứng phó những đợt tấn công dồn dập của Nga vào cơ sở hạ tầng nước này.

Bộ Năng lượng nước này cho biết chính quyền Kyiv đặt mục tiêu giảm 20% số năng lượng sử dụng. Hiện người dân Ukraine bước vào giai đoạn cúp điện luân phiên và được yêu cầu tiết kiệm điện.

Ukraine sắp đối mặt với tình trạng mất điện diện rộng

Cùng ngày, một đợt không kích của Nga đã trúng vào trạm nhiệt điện quan trọng của thành phố Burshtyn ở miền tây.

Bộ Năng lượng Ukraine cho biết tính từ ngày 10.10 đến nay, Nga đã triển khai hơn 300 đợt không kích vào cơ sở hạ tầng điện trên toàn quốc.

EU thông qua các lệnh cấm vận Iran vì UAV

afp/getty

EU nhất trí cấm vận Iran vì giao UAV cho Nga

Các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nhất trí các điều khoản cấm vận mới nhằm vào Iran liên quan đến cáo buộc cho rằng chính quyền Tehran cung cấp máy bay không người lái (UAV) cảm tử cho Nga sử dụng ở Ukraine.

“Các đại sứ EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt các thực thể cung cấp UAV do Iran sản xuất để phục vụ cho việc bắn phá tại Ukraine”, Đài CNN dẫn thông báo của nước chủ tịch luân phiên EU - Cộng hòa Czech.

“Các nước EU quyết định phong tỏa tài sản của 3 cá nhân và một thực thể được cho là chịu trách nhiệm chuyển giao UAV (cho Nga), theo thông báo. EU sẽ tiếp tục thực thi biện pháp tương tự cho các đối tượng khác.

Iran phủ nhận cung cấp UAV cho Nga, kêu gọi biện pháp hòa bình

Trước đó, đại diện của Iran tại Liên Hiệp Quốc ngày 19.10 đã mạnh mẽ phủ nhận các cáo buộc rằng Tehran cung cấp máy bay không người lái để Moscow sử dụng ở Ukraine.

Theo CNBC, phát biểu trước báo giới ngày 19.10, Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Amir Saeid Iravani tuyên bố Iran có quan điểm rõ ràng và nhất quán về tình hình ở Ukraine kể từ khi bắt đầu xung đột.

“Iran luôn ủng hộ hòa bình và chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột ở Ukraine”, ông Iravani cho biết.

Đại sứ Iravani nói thêm rằng các cáo buộc Iran chuyển máy bay không người lái (UAV) cho Nga sử dụng ở Ukraine là "vô căn cứ và không có cơ sở". Ông Iravani cáo buộc phương Tây đang tổ chức một chiến dịch lan truyền thông tin sai lệch chống lại Iran, đồng thời cho biết những cáo buộc vô căn cứ là "đáng thất vọng".

Xem thêm: Iran phủ nhận cung cấp UAV cho Nga, kêu gọi biện pháp hòa bình

Bên cạnh đó, các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ hành động trong trường hợp Thụy Điển hoặc Phần Lan hứng chịu áp lực từ Nga hoặc thế lực thù địch trước khi hai nước này trở thành thành viên đầy đủ của khối liên minh quân sự, theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp trực tuyến người đồng cấp Mỹ Joe Biden trước khi Moscow phát động chiến dịch tại Ukraine

reuters

Nhà Trắng ngăn hai ông Biden và Putin chạm mặt

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin chuẩn bị tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Indonesia trong tháng 11, và Nhà Trắng đang làm mọi cách để tránh hai nhà lãnh đạo chạm mặt.

Theo báo Politico hôm 19.10, giới chức Mỹ đang tìm cách đảm bảo không những hai nhà lãnh đạo không tiếp xúc nhau, mà cũng loại trừ khả năng hai người chạm trán trên hành lang hội nghị, hoặc thậm chí lọt vào khung hình chung chỉ có hai người.

Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức ở Bali từ ngày 15-16.11.

Vì sao quân đội Ukraine sẽ không dễ giành lại Luhansk như ở Kharkiv?

Tuần trước, ông Biden để ngỏ khả năng gặp ông Putin tại hội nghị Bali về cơ hội đàm phán trả tự do cho các tù nhân Mỹ. Trong số này có ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner, hiện bị tạm giam ở Nga vì dính bê bối tàng trữ cần sa trong hành lý tại sân bay quốc tế Sheremetyevo ở Moscow hôm 17.2. Cô đối mặt mức án 10 năm tù.

Tuy nhiên, đến nay Nhà Trắng vẫn chưa thảo luận với Điện Kremlin về khả năng đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo.

Xem thêm: Nhà Trắng làm mọi cách để tránh hai ông Biden và Putin chạm mặt tại G-20

Xem thêm diễn biến chiến sự ở Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.