Chiến sự ngày 151: Odessa hứng tên lửa, Nga tìm cách tranh thủ đồng minh châu Phi

25/07/2022 05:20 GMT+7

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên đường công du 4 nước châu Phi sau khi đạt được thỏa thuận có thể giảm tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu, nhưng diễn biến ở Odessa đang đe dọa thỏa thuận này.

Lính cứu hỏa Ukraine chữa cháy một con tàu trúng tên lửa Nga ở Odessa

afp

Ngày 24.7, tại cuộc họp báo ở Cairo, Ngoại trưởng Lavrov trấn an giới lãnh đạo Ai Cập rằng nước này sẽ giao đủ ngũ cốc theo những hợp đồng ký kết trước đó. Tuy nhiên, các đợt tấn công nhằm vào Odessa, cảng chính của Ukraine, khiến các bên lo ngại.

Các mục tiêu quân sự của Odessa vào tầm ngắm

Sputnik dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phóng một loạt các tên lửa phá hủy tàu quân sự của Ukraine và kho vũ khí do Washington viện trợ cho Kyiv.

“Các tên lửa tầm xa, độ chính xác cao được khai hỏa từ biển đã tiêu diệt một tàu quân sự Ukraine đang cập cảng và kho tên lửa đối hạm (Harpoon) do Mỹ cung cấp”, Bộ Quốc phòng Nga thông báo. Trong khi Bộ Quốc phòng không đề cập đến lớp tàu vừa trở thành mục tiêu của hải quân Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho hay đó là một xuồng máy tấn công nhanh.

Xem nhanh: Ngày 151 chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine: Bước qua tháng thứ 6, chưa bên nào muốn dừng

Bên cạnh đó, tên lửa Nga cũng phá hủy một nhà xưởng sửa chữa và nâng cấp tàu chiến.

Vụ tấn công cảng Odessa đã phủ bóng đen lên thỏa thuận đóng vai trò bước ngoặt nhằm giải tỏa cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Tổng thống Ukraine Zelensky cáo buộc những gì diễn ra ở Odessa cho thấy Moscow không phải là đối tác đáng tin cậy, và cuộc đối thoại với Moscow đang theo chiều hướng vượt tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, chính quyền Kyiv cam kết vẫn tiếp tục thúc đẩy nỗ lực xuất khẩu ngũ cốc trong tình cảnh bom đạn. Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Oleksandr Kubrakov cho biết Ukraine đang chuẩn bị các khâu kỹ thuật cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản từ cảng của nước này.

Trang tin Suspilne dẫn nguồn quân đội Ukraine xác nhận các tên lửa Nga không gây tổn hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng cảng.

Quang cảnh cảng Kherson

afp

Ukraine đặt mục tiêu giải phóng Kherson tháng 9

Cùng ngày, Tổng thống Zelensky cho biết lực lượng Ukraine đang từng bước tiến quân vào Kherson, tỉnh đang do Nga kiểm soát. Báo The Guardian dẫn phân tích mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW, trụ sở Washington D.C) rằng Ukraine đang chuẩn bị tiến hành phản công ở Kherson.

Hiện chính quyền Kyiv dự đoán có thể lấy lại Kherson vào tháng 9. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Ukraine, ông Sergiy Khlan, cố vấn của tỉnh trưởng tỉnh Kherson, tuyên bố: “Chúng tôi có thể nói rằng vùng Kherson chắc chắn sẽ được giải phóng trong tháng 9, và mọi kế hoạch của phe chiếm đóng đều sẽ thất bại”.

Ukraine định tấn công Crimea bằng vũ khí tầm xa do Mỹ cấp, Nga nói gì?

Kherson, vùng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nông nghiệp của Ukraine, đã rơi vào tay Nga từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt. Tuy nhiên, nhờ vào các dòng vũ khí hiện đại do Mỹ và phương Tây viện trợ, quân đội Ukraine đang từng bước mở rộng phạm vi kiểm soát ở khu vực trong những tuần gần đây.

“Chúng tôi thấy các lực lượng vũ trang Ukraine rõ ràng đang tiến quân. Chúng tôi có thể nói rằng Ukraine đang chuyển từ thế phòng thủ bị động sang chủ động phản công”, theo ông Khlan.

Lực lượng Nga kiểm soát thành phố Kherson vào ngày 3.3. Đây cũng là thành phố lớn đầu tiên thất thủ sau khi Nga đưa quân vào Ukraine từ ngày 24.2.

Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shukry

afp

Chuyến công du châu Phi của ngoại trưởng Nga

Tối 24.7 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Nga Lavrov đã đối thoại với người đồng cấp chủ nhà Ai Cập Sameh Shukry ở thủ đô Cairo. Ông Lavrov đến Cairo vào tối 23.7, điểm đầu tiên trong chuyến công du 4 nước châu Phi, sau đó lần lượt là Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo, theo RT.

Ai Cập, quốc gia đông nhất khối Ả Rập, từ chối theo phe trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nước này tiếp tục duy trì quan hệ gần gũi với cả Moscow lẫn phương Tây. Ai Cập cũng nằm trong số những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với đa số đến từ Nga và Ukraine.

Ngoại trưởng Nga tái xác nhận cam kết cung cấp ngũ cốc cho Ai Cập

Theo bài viết đăng trên website Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, mà ngược lại, chính phương Tây là bên cần phải hành động để sửa chữa sai lầm của mình.

Trong một diễn biến liên quan, giáo hoàng Francis của giáo hội Công giáo La Mã bày tỏ ý muốn “mãnh liệt” đến Kyiv. Người đứng đầu Tòa Thánh luôn muốn đóng vai trò hòa giải và chấm dứt chiến sự Ukraine, theo Reuters.

Xem thêm tình hình chiến sự:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.